Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, vàng miếng SJC niêm yết ở mức 60,85- 61,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng so với kết phiên trước. Giá vàng nhẫn 9999 SJC dao động ở mức 51,95 - 52,75 triệu đồng/lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 60,9 - 61,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng. Nhẫn tròn trơn 999.9 giao dịch ở mức 52,1 - 52,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Hà Nội, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết vàng miếng ở mức 60,7 - 61,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Chênh lệch mua vào - bán ra ở mức 700.000 đồng/lượng.
Sáng 29/12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.805,69 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới tương đương khoảng 51,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trong nước gần 10 triệu đồng/lượng.
Trước đó, ở phiên ngày thứ 3 (28/12), giá vàng đạt đỉnh 1 tháng khi các dấu hiệu gần đây về sự gia tăng lạm phát đã củng cố nhu cầu kim loại quý, bất chấp đồng USD mạnh hơn.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Xu hướng đang diễn ra đối với vàng là đi ngang để leo cao trong ngắn hạn, và chúng tôi tin rằng xu hướng này đến từ áp lực lạm phát liên tục mà chúng ta đang thấy trên thị trường”.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, trong khi giá vàng được dự kiến sẽ duy trì ở mức hiện tại vào đầu năm tới, thì lãi suất Mỹ tăng và lạm phát giảm có thể ảnh hưởng đến giá vàng. Giá kim loại quý này dự báo ở mức 1.650 USD/ounce vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, đà tăng của vàng bị giới hạn bởi đà leo dốc của chứng khoán Mỹ, với chỉ số S&P 500 mở phiên ở mức cao kỷ lục khi nhà đầu tư vẫn không bị dao động bởi sự ảnh hưởng của biến thể Omicron.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 29/12, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỉ giá trung tâm USD giảm xuống mức 23.154 đồng/USD. Tại Ngân hàng Vietcombank (hội sở chính), giá USD niêm yết ở mức 22.670 - 22.980 đồng/USD mua vào - bán ra.