Lý giải nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm, POM cho biết do tình hình giá thép trên thị trường sụt giảm nhanh trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào không giảm tương ứng nên giá vốn trong kỳ cao.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 đạt hơn 3,797 tỷ đồng, tăng nhẹ 0.3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thép tiêu thụ nội địa và doanh thu xuất khẩu, doanh thu TP (gang) giảm đáng kể; song, doanh thu TP (phôi thép) tăng gấp 21.6 lần cùng kỳ và có thêm hơn 724 tỷ đồng doanh thu tôn (nội địa)…
Giá vốn thép trong kỳ tăng cao dẫn đến giá vốn chung tăng 4%, làm cho lợi nhuận gộp giảm mạnh 49% còn gần 151 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp từ 7.8% về còn 4%.
Ở mảng hoạt động tài chính, doanh thu gấp 3.7 lần cùng kỳ với hơn 31 tỷ đồng; chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện với hơn 20 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 66%, lên gần 190 tỷ đồng, chi phí lãi vay chiếm 123 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so cùng kỳ, lần lượt ghi nhận 19.3 tỷ đồng và 34.5 tỷ đồng, tương ứng tăng 37% và 7%.
Mặc dù doanh thu có tăng nhưng giá vốn chiếm đến 96% doanh thu nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Quý 2, Công ty báo lỗ ròng hơn 62 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 127 tỷ đồng.
Tổng kết nửa đầu năm 2022, POM đạt doanh thu thuần gần 8,154 tỷ đồng, tăng 26%; lãi ròng hơn 8 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ.
Năm 2022, POM đề ra kế hoạch đạt 15,000 tỷ đồng doanh thu, tăng 7%; mục tiêu lãi sau thuế 400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần kết quả 2021. So với kế hoạch đề ra, Công ty mới thực hiện được 54.4% chỉ tiêu doanh thu và 2% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tổng tài sản vào thời điểm 30/06/2022 của POM đạt hơn 16,452 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 8%, lên gần 3,096 tỷ đồng.
Hàng tồn kho chiếm 32.1% tổng tài sản với hơn 5,281 tỷ đồng (tăng 11%). Chiếm chủ yếu là nguyên vật liệu, đạt hơn 2,061 tỷ đồng (tăng 10.6%). Nợ phải trả cuối kỳ gần 12,768 tỷ đồng, tăng 13%. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt tăng 6% và 9% so với đầu năm.