Giảm lãi suất nhưng không thể để 'đồng tiền dễ dãi'

21/07/2023 15:18

Doanh nghiệp thường có sự ổn định cao về kết quả kinh doanh, đi cùng tiềm năng khai thác thị trường của sản phẩm còn dồi dào, nên cổ phiếu dược luôn được nhà đầu tư nội và ngoại ưa thích, nhất là trong giai đoạn thị trường có khả năng rơi vào điều chỉnh.

Chiều 20/7, Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, hiện nay dư địa vĩ mô còn khá lớn, do đó việc Chính phủ chỉ đạo chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" là đúng hướng. Mục tiêu là để thúc đẩy tăng trưởng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn để khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh trì trệ hiện nay.

Doanh nghiệp phản ánh vẫn khó vay vốn

Theo nhận định của ông Phan Đức Hiếu, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là rất quan trọng, tuy nhiên, sử dụng công cụ nào nhiều hơn còn phù thuộc vào từng thời điểm.

Ví dụ, ở thời điểm xây dựng Nghị quyết 43, gần như các hoạt động kinh tế xã hội ngừng. Rõ ràng chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó sẽ phát huy hiệu quả rất thấp. Chúng ta sử dụng tại thời điểm đó chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khóa nới lỏng là phù hợp.

lai-suat-dieu-hanh-co-the-giam-tu-1-15-diem-phan-tram-tu-nay-den-cuoi-nay-1689922331.jpg
Lãi suất điều hành có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối nay.

Bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi, lao động, sản xuất, kinh doanh ở chừng mực nào đó phục hồi nhưng có thể thay đổi trạng thái và khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, khó khăn về vốn, về dòng tiền là rất rõ. “Để hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất đã giảm từ 1,5-2%. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng đã được xác định đâu đó 11% - vừa rõ ràng vừa có thời hạn về mặt thời gian, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư… có thể định hướng được hành động của mình”, ông Hiếu nói.

Từ khía cạnh cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng trong giai đoạn vừa rồi, lãi suất có giai đoạn mười mấy %, mà đối với hoạt động kinh doanh bình thường thì mười mấy % đã khó chứ chưa nói đến tích luỹ và phát triển. Chính vì thế, giải pháp hiện tại ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chúng tôi là chính sách rất trúng và rất cần thiết.

Ông Tuấn ví von: Việc đúng và trúng này như là các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng này. Bởi vì hoạt động kinh doanh thì cần vốn, vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn thì chắc chắn gặp khó khăn.

Mặt bằng lãi vay đã giảm rồi, nhưng theo ông Tuấn, hiện tại nhiều doanh nghiệp cho biết vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó khăn. Cho nên làm sao những chính sách tiền tệ như thế này phải đi nhanh được vào thực tiễn và làm sao doanh nghiệp có thể vay vốn được với lãi suất hợp lí để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - một mục tiêu quan trọng”, ông Tuấn nói.

Giảm lãi suất không phải là "chìa khoá vạn năng"

Đối với chính sách tiền tệ, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, câu chuyện liều lượng bao nhiêu là vừa thì hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Về lãi suất, ông cho rằng có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối nay. Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý, chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi".

Nói thêm về dư địa hạ lãi suất từ 1-1,5 điểm phần trăm, ông Thành nêu rõ một số lý do. Thứ nhất, nới lỏng chính sách tiền tệ để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra. Thứ hai là liên quan đến tỉ giá. Cách đây 1-2 tuần, có thời điểm tỉ giá đồng Việt Nam tăng mạnh. Như vậy giới hạn của giảm lãi suất không phải chỉ vấn đề huy động tiền gửi mà còn là vấn đề tỉ giá và đằng sau đó là câu chuyện dịch chuyển vốn (giữa đồng Việt Nam và USD).

Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở lên dễ dãi thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính" – điều này nếu diễn ra quá mức thì sẽ trở thành vấn đề. Cho nên, đây là một thách thức đối với NHNN.

Khẳng định là còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất, song theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, lãi suất không phải liều thuốc vạn năng mặc dù rất quan trọng, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn (có gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm thủy sản…).

Liên quan đến vốn tín dụng, theo TS Cấn Văn Lực, huyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng dòng tín dụng “dứt khoát” phải vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Thứ hai là tập trung vào 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ ba là tiêu dùng.

Cung cấp thêm 3 số liệu để củng cố niềm tin chính sách tiền tệ, ông Lực nói: Một là cung tiền (M2) đến 30/6, cung tiền mới là 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4-5%, thậm chí là 7% của năm 2019. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.

Chỉ số thứ hai là vòng quay tiền – yếu tố tác động lạm phát rất rõ. Theo đó, vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm. “Do đó, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền nhanh hơn một chút, nhưng rõ ràng không quá quan ngại”, ông Lực nói.

Cuối cùng, mặt bằng giá cả của cả thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định. “Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng”, ông Lực nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Giảm lãi suất nhưng không thể để 'đồng tiền dễ dãi'" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).