Liên quan đến vụ "mua chui" cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest, quy định về chào mua chứng khoán công khai được nêu rõ tại Điều 35 Luật Chứng khoán năm 2019. Theo đó, tổ chức phải chào mua công khai khi mua cổ phiếu dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% trở lên.
Trong khi đó, qua kiểm tra giám sát, UBCKNN phát hiện ngày 25-6-2021, Văn Phú - Invest mua hơn 3,71 triệu cổ phiếu Công ty CP Thực phẩm Hà Nội (mã chứng khoán HAF). Sau giao dịch, số lượng nắm giữ tăng lên gần 3,72 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF, tuy nhiên công ty đã không thực hiện công bố công khai theo đúng quy định.
Văn Phú Invest bị phạt 200 triệu đồng vì mua chui cổ phiếu HAF
Đáng chú ý trong thương vụ này, Văn Phú - Invest chỉ sở hữu lượng cổ phiếu trong một thời gian rất ngắn, rồi thông báo sẽ thoái toàn bộ phần sở hữu tại Công ty CP Thực phẩm Hà Nội. Cụ thể, ngày 25-6-2021, doanh nghiệp này công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc nhận chuyển nhượng 3,19 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thực phẩm Hà Nội.
Đến ngày 1-7-2021, Văn Phú - Invest lại thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest tại Công ty CP Thực phẩm Hà Nội. Như vậy có thể thấy, sau khoảng một tuần thực hiện mua số lượng lớn cổ phiếu tại Công ty CP Thực phẩm Hà Nội, Văn Phú - Invest đã thoái toàn bộ.
Cũng liên quan đến giao dịch "chớp nhoáng" này, theo thông tin được Công ty CP Thực phẩm Hà Nội công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngày 30-6-2021, Văn Phú - Invest là cổ đông lớn của doanh nghiệp này khi sở hữu 3.500.200 cổ phần (24,14%). Tuy nhiên chỉ 1 ngày sau đó, tức ngày 1-7, Công ty CP Thực phẩm Hà Nội đã công bố Văn Phú - Invest không còn là cổ đông lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội tiền thân là Công ty Thực phẩm Hà Nội, Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là thương mại nội địa, sản xuất và kinh doanh bất động sản, trong đó hoạt động cốt lõi là thương mại nội địa...
Thời gian qua, các giao dịch "chui" trên thị trường chứng khoán đã gây ra không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có vụ bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.
Bên cạnh giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.
Trong Chỉ thị số 02 được ban hành ngày 5-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu UBCKNN và các sở giao dịch giám sát chặt các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến và giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết cũng cần được giám sát chặt và kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu tìm hiểu việc có hay không một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Điều 17. Vi phạm quy định về chào mua công khai (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán):
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật;
b) Thực hiện chào mua công khai khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có văn bản chấp thuận đăng ký chào mua hoặc khi chưa được tổ chức, cá nhân chào mua công bố công khai việc chào mua theo phương thức pháp luật quy định;
c) Rút lại đề nghị chào mua công khai trong các trường hợp không được nêu trong Bản công bố thông tin chào mua công khai hoặc Bản cáo bạch phù hợp với quy định pháp luật hoặc khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.