Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã gặp áp lực bán chốt lời gia tăng, khiến VN-Index trở nên rung lắc và tạm dừng phiên sáng cuối tuần ngày 26/8 trong sắc đỏ. Mặc dù trên bảng điện tử, số mã giảm điểm chiếm áp đảo nhưng với lực cầu tham gia cũng khá tích cực, giúp chỉ số chung không quá giảm sâu.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn diễn biến lình xình và giằng co, thậm chí le lói sắc xanh. Tuy nhiên, lực bán gia tăng mạnh trên diện rộng đã khiến VN-Index nới rộng đà giảm sâu.
Nhưng VN-Index đã giữ vững mốc 1.280 điểm trước cơn bão lốc! Ngay khi giật lùi đe dọa vùng giá này, lực cầu đã được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên và lùi nhẹ trong đợt khớp lệnh ATC.
Mặc dù mốc 1.280 điểm khá cứng và nằm trong dự báo của giới phân tích, rằng thị trường có thể biến động giằng co quanh 1.285 điểm để bứt lên vùng 1.300 điểm, nhưng để kỳ vọng này thành hiện thực thì dòng tiền sôi động đang là yếu tố cần và đủ.
Thanh khoản trong phiên hôm nay tiếp tục cải thiện nhẹ so với hôm qua, nhưng với diễn biến của thị trường đang phát đi những tín hiệu không mấy khả quan. Bên cạnh áp lực bán khá lớn khiến sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử, tâm lý bên mua càng thận trọng hơn khi thị trường đang tiệm cận những mốc kháng cự mạnh, và đặc biệt hơn là kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh dài ngày đang khá cận kề.
Đóng cửa, sàn HOSE có 131 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 6,31 điểm (-0,49%) xuống 1.282,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 669 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.075 tỷ đồng, tăng 7,23% về khối lượng và 3,83% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.394 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi số mã giảm chiếm gấp 3 lần số mã tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu MWG vẫn giữ được mức tăng tốt, giúp nhóm này nói riêng và thị trường nói chung bớt giảm sâu.
Kết phiên, MWG tăng 5,6% lên mức 72.200 đồng/CP với thanh khoản đột biến, lên tới 10,85 triệu đơn vị khớp lệnh, thuộc top 15 mã giao dịch sôi động nhất thị trường và cũng là mức thanh khoản cao nhất kể từ khi lên sàn (năm 2014).
Ngoài MWG, trong nhóm này có POW và FPT tăng hơn 1%, còn VCB, KDH, BID, SAB nhích nhẹ.
Trái lại, cổ phiếu chứng khoán SSI là mã giảm sâu nhất khi để mất 2,7% và đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 24.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 23,27 triệu đơn vị, chỉ đứng sau POW về thanh khoản (đạt hơn 25,2 triệu đơn vị). Ngoài ra, một số mã lớn khác như HPG, VIC, VNM, GAS, VHM có mức giảm hơn 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC gồm FLC, AMD, HAI đều đóng cửa tại mức giá sàn, trong đó FLC khớp lệnh hơn 11,85 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 5,9 triệu đơn vị.
Trong khi đó, KPF dù không giữ được sắc tím nhưng kết phiên vẫn tăng 6,4% lên sát mức giá trần 20.750 đồng/CP, là phiên tăng mạnh thứ 12 liên tiếp của mã này, với tổng mức tăng đạt xấp xỉ 100%.
Xét về nhóm ngành, chủ yếu đều mất điểm và chỉ còn vài ba nhóm ngành có được sắc xanh. Trong đó, điểm sáng đi ngược xu hướng chung của thị trường phải kể đến là nhóm cổ phiếu bán lẻ nhờ có sự đóng góp tích cực của MWG.
Nhóm bảo hiểm tăng nhẹ nhờ BIC tăng 2%; MIG, PVI tăng trên dưới 0,5%; BVH, VNR, PRE đứng giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng kém tích cực hơn, ngoại trừ EIB vẫn giữ mức tăng 4,35%, cùng VCB và BID nhích nhẹ, còn lại đều mất điểm với biên độ giảm chủ yếu trên dưới 1%.
Nhóm chứng khoán vẫn diễn biến tiêu cực khi sắc đỏ gần như phủ kín toàn ngành với một số mã lớn như SSI và VCI giảm 2,7%, HCM giảm 3%, VND giảm 2,4%...
Nhóm cổ phiếu thép cũng nới rộng biên độ khi hầu hết đều mất hơn 2% như HSG, NKG, TLH, SMC, còn HPG giảm 1,5% xuống mức giá thấp nhất ngày 23.500 đồng/CP và khớp lệnh sôi động nhất nhóm, đạt 16,47 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp đà giảm và đóng cửa không có nhiều biến động so với mức tạm dừng phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 131 mã giảm, HNX-Index giảm 2,37 điểm (-0,78%) xuống 299,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,89 triệu đơn vị, giá trị 1.852,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,39 triệu đơn vị, giá trị 116,65 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn NDN và SLS nhích nhẹ 0,9%, cùng NVB và VNR đứng giá tham chiếu, còn lại đều phủ đỏ.
Trong đó, cùng sự “bay hơi” của nhóm cổ phiếu phân bón, LAS cũng quay đầu giảm và là mã giảm sâu nhất với 4,1%, đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 14.200 đồng/CP.
Một số mã đáng chú ý khác cũng nới rộng biên độ giảm sau nhịp đảo chiều của phiên sáng như HUT giảm 3,3% xuống 29.200 đồng/CP, TAR giảm 3,3% xuống 26.200 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF cũng trong xu hướng chung của họ FLC khi kết phiên nằm sàn tại mức giá 2.800 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 7,84 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đua nhau giảm sâu với MBS giảm 2,9%, BVS giảm 2,4%, SHS giảm 2,2%, TVC giảm 4%, APS giảm 3,2%, ART giảm 7,8%... Trong đó, SHS vẫn là vua thanh khoản trên HNX với hơn 12,54 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,76%) xuống 92,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 784 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 27,18 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 371 tỷ đồng, trong đó đáng kể là HTM thỏa thuận 20,34 triệu đơn vị, giá trị hơn 311,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với xấp xỉ 10 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 1,9% xuống 25.600 đồng/CP.
Cổ phiếu chứng khoán SBS cũng nới rộng đà giảm như các mã chứng khoán khác và kết phiên giảm 4,6% xuống 10.300 đồng/CP, khớp lệnh thua BSR, đạt 4,1 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu như VGI giảm 4,1%, C4G giảm nhẹ 0,7%, OIL giảm 1,5%, LMH giảm 6,5%, PAS giảm 1%... Hay các cổ phiếu nhỏ như DPS, GTT, AVF, KHB kết phiên nằm sàn.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa giảm, trong đó, VN30F2209 giảm 10 điểm (-0,8%) xuống 1.293 điểm, khớp lệnh gần 215.710 đơn vị, khối lượng mở 47.880 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó, CSTB2210 giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh hơn 1,53 triệu đơn vị, kết phiên giảm 7,6% xuống 730 đồng/CQ. Tiếp theo là CHPG2214 khớp 1,43 triệu đơn vị và kết phiên giảm 6,3% xuống 300 đồng/CQ.