Giao dịch chứng khoán chiều 6/2: Dòng bank nổi sóng, thị trường bật cao

06/02/2023 16:14

Mặc dù thanh khoản thấp nhất trong khoảng nửa tháng qua (từ phiên 17/1) khi chưa đạt 10.000 tỷ đồng, nhưng với diễn biến bất ngờ của dòng bank, thị trường đã tăng vọt lên sát mốc 1.090 điểm.

Trong phần lớn thời gian của phiên sáng, áp lực bán chiếm áp đảo khiến thị trường chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu. Thậm chí có thời điểm, chỉ số VN-Index lùi về dưới mốc 1.070 điểm do chịu thêm gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip, nhưng vùng hỗ trợ mạnh 1.060 – 1.070 điểm vẫn được giữ vững.

Trong khoảng 30 phút cuối phiên, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường đảo chiều thành công và tạm dừng phiên sáng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”. Đáng chú ý, tâm lý thận trọng quan sát khiến thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp và trong bối cảnh này, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang được thị trường “ưu ái” hơn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có gì đột biến, diễn biến lình xình giằng co trong biên độ hẹp khiến VN-Index liên tục đổi sắc trong phần lớn thời gian giao dịch.

Tuy nhiên, bất ngờ đã đến trước khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC. Lực cầu đột ngột tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là dòng bank giúp các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt khởi sắc, đặc biệt là các mã có vốn hóa lớn hơn như VCB, BID, TCB, CTG tăng tốt, đã kéo VN-Index tiến sát mốc 1.090 điểm và đóng cửa tại vùng giá cao nhất ngày.

Bên cạnh đà tăng tốt của thị trường khi chỉ số ghi nhận mức tăng hơn 12 điểm, thanh khoản cũng sôi động hơn so với phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, nếu tính trong 10 phiên giao dịch gần đây thì mức thanh khoản này lại là thấp nhất. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang chững lại và giao dịch mang tính thăm dò.

Chốt phiên, sàn HOSE có 219 mã tăng và 181 mã giảm, VN-Index tăng 12,14 điểm (+1,13%) lên 1.089,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 527 triệu đơn vị, giá trị 9.607,41 tỷ đồng, giảm 6,53% về khối lượng và 10,97% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 3/2.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 111,62 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.337 tỷ đồng, đáng kể là hơn 28 triệu cổ phiếu VIB, giá trị 645,25 tỷ đồng và 9,08 triệu cổ phiếu MWG, giá trị 463,98 tỷ đồng…

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là nhóm tăng tốt nhất và là trụ cột chính dẫn dắt thị trường bật cao khi nhiều mã tìm đến mức giá cao nhất trong ngày.

Điển hình như BID tăng 3,8% lên mức 45.000 đồng/CP, cặp VCB và TCB cũng tăng hơn 3%, CTG tăng 2,9%, cổ phiếu tăng tốt nhất ngành là MSB tăng 5,76% lên mức 12.850 đồng/CP… Ngoại trừ VIB, STB và HDB đóng cửa giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng mức giảm không quá lớn.

Trong đó, cặp đôi STB và VPB thuộc top 5 thanh khoản cao nhất thị trường, lần lượt đạt 19,36 triệu đơn vị và 16,96 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có phần tích cực hơn khi trên sàn HOSE chỉ còn duy nhất FTS và APG giảm nhẹ, còn lại đều đã hồi phục khi lấy lại mốc tham chiếu hoặc tăng điểm. Trong đó, SSI tăng 1,3%, VIX tăng 3,7%, VND, VCI, HCM đều tăng nhẹ…

Ngoài ra, một số mã bluechip cũng tiếp sức thị trường khi nới rộng biên độ hoặc đảo chiều hồi phục thành công, như PLX đóng cửa tăng 4% lên mức giá cao nhất ngày 38.800 đồng/CP, BVH và VNM cùng tăng 1,8%, GVR, SAB, SSI đều tăng 1,3%, hay GAS, FPT, HPG… tăng nhẹ.

Trong nhóm VN30, chỉ còn 6 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu với VIB giảm sâu nhất khi để mất 2,7%; tiếp theo là MWG giảm 1,4% và STB giảm 1,3%, còn HDB, VHM, MSN giảm chưa tới 0,5%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có thêm sự góp mặt của nhiều mã tăng trần bên cạnh KHG, PTL, ST8 khoe sắc tím từ sáng, như AMD, LM8, HAS, LAF, ABR.

Ngoài ra, nhiều mã tăng tốt cùng thanh khoản sôi động như TCH tăng 4,6% lên 7.690 đồng/Cp và khớp hơn 6,6 triệu đơn vị, POW tăng 3,3% lên 12.550 đồng/CP và khớp 9,14 triệu đơn vị, LCG tăng 2,9% lên 10.750 đồng/Cp và khớp 8,84 triệu đơn vị, NVL tăng 3% lên 15.400 đồng/CP và khớp 19,86 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng chỉ đủ sức để giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Chỉ số HNX-Index ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp.

Chốt phiên, sàn HNX có 74 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,38%), xuống 214,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50 triệu đơn vị, giá trị 733,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,19 triệu đơn vị, giá trị hơn 64 tỷ đồng, trong đó riêng SJE thỏa thuận gần 2 triệu đơn vị, giá trị 42,72 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ DL1 vẫn là điểm sáng thị trường khi đóng cửa trong trạng thái trắng bên bán và kết phiên đứng tại mức giá trần 3.600 đồng/CP, cùng thanh khoản tiếp tục tăng, đạt hơn 1,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ khác như TAR, NAG, IDJ cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực khi đóng cửa đều tăng 1-4% với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản thị trường vẫn là SHS khớp 10,36 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 9.000 đồng/CP. Tiếp theo là CEO khớp hơn 6,8 triệu đơn vị và đóng cửa duy trì mức tăng 1,8% lên 23.000 đồng/CP.

Trên UPCoM, trái với diễn biến giằng co trong suốt phiên sáng, thị trường duy trì đà tăng điểm trong cả phiên giao dịch chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,43 điểm (+0,56%) lên 75,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 18,07 triệu đơn vị, giá trị 239,93 tỷ đồng.Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,89 triệu đơn vị, giá trị 17,55 tỷ đồng.

Bên cạnh diễn biến khởi sắc của thị trường chung, cổ phiếu BSR cũng đã lấy lại sắc xanh nhạt khi đóng cửa tăng 0,6% lên mức cao nhất ngày 16.100 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục dẫn đầu với hơn 5,41 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, ABB đứng ở vị trí thứ 2 thanh khoản khi khớp hơn 1 triệu đơn vị và vẫn chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh khi đóng cửa giảm 1,2% xuống 8.400 đồng/CP.

Cổ phiếu đầu tư công C4G rung lắc và đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 11.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt gần 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó VN30F2302 tăng 8,7 điểm, tương đương +0,8% lên 1.090,6 điểm, khớp lệnh gần 284.740 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.550 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch khá phân hóa, trong đó, CHPG2221 dẫn đầu thanh khoản với 3,87 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 10% xuống 90 đồng/CQ.

Đứng thứ 2 về thanh khoản là CSTB2218 khớp 1,42 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 17,9% xuống 550 đồng/CQ.

Bạn đang đọc bài viết "Giao dịch chứng khoán chiều 6/2: Dòng bank nổi sóng, thị trường bật cao" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).