Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Mục đích của yêu cầu này, theo Ngân hàng Nhà nước, là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ .
Nếu ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng cần đồng thuận để ổn định mặt bằng lãi suất
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS, Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này.
Giải pháp này kỳ vọng làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.
Thế nhưng, sau một thời gian đua lãi suất, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn hạ nhiệt, nhất là khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,5% lãi suất trong ngày 14/12 và Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, đến năm 2024 mới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Vì thế, nhiều ngân hàng vẫn phản ánh có tình trạng ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn lãi suất huy động thực tế.
Hiện có ngân hàng đã chào mức lãi suất huy động lên gần 13%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng. Còn nếu gửi từ 13 tháng lãi suất lên đến 12,5%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhiều ngân hàng khảo sát vào đầu tháng 12 đã tăng lên trên 10-12%/năm. Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động như NCB, OCB, Techcombank, Bac A Bank, SHB,...
Sẽ có 3.300 tỷ đồng tiền lãi vay hỗ trợ giảm
Ngày 12/12, Thủ tướng cũng đã ký công điện gửi Ngân hàng Nhà nước liên quan hoạt động cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng.
Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết dù chưa công bố tỷ lệ phân bổ room tín dụng mới về từng ngân hàng, nhà điều hành đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các nhà băng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm ngân hàng thương mại thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.
Với việc một loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 0,5-3%/năm cho các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên, SSI ước tính số tiền lãi vay hỗ trợ giảm đợt này vào khoảng 3.300 tỷ đồng.