Hà Nam: Nhiều mỏ khai thác đá vôi gây ô nhiễm môi trường

11/08/2021 20:59

Nhiều mỏ đá tại Hà Nam không có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thường xuyên gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.

Doanh nghiệp khai thác chế biến đá vôi gấp 4 lần quy hoạch

Trong những năm qua, Hà Nam được coi là một trong những địa phương có ngành công nghiệp khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) phát triển trong cả nước, nhờ vào sự ưu đãi của thiên nhiên.

Từ năm 2014, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quy hoạch về công nghiệp khai thác đá sản xuất VLXD. UBND tỉnh cũng không khuyến khích khai thác khoáng sản và chỉ lựa chọn doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hà Nam: Nhiều mỏ khai thác đá vôi gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1Các mỏ đá tại địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. (Ảnh: Việt Linh/TNMT)

Tuy nhiên, nguồn lợi từ hoạt động khai thác khoáng sản là rất lớn nên việc khai thác diễn ra ngày càng rầm rộ với quy mô lớn. Trên thực tế, số mỏ đang hoạt động hiện tại đã gấp hơn 4 lần so với số mỏ trong quy hoạch mà UBND tỉnh Hà Nam đưa ra từ năm 2014.

Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 130 doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản đá vôi, tập trung ở 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng có đến 25 doanh nghiệp khai thác đá vôi đang hoạt động.

Ngoài việc đóng góp nguồn thu cho ngân sách tỉnh, an sinh xã hội, thì các doanh nghiệp khai thác đá còn giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động ở địa phương.

Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng

Đi kèm với những lợi ích kể trên thì cũng có tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương. Hơn ai hết, những người dân sinh sống ở thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn là những người thấu hiểu điều này nhất, khi từ nhiều năm nay họ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do các công ty khai thác đá gây ra.

Theo phản ánh của người dân thôn Hồng Sơn, trong quá trình hoạt động, sản xuất nghiền đá, bột đá… Công ty TNHH Trung Kiên và Công ty TNHH Vận tải Hồng Hà không có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thường xuyên gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để.

Hà Nam: Nhiều mỏ khai thác đá vôi gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 2Quá trình nghiền đá không có các biện pháp dập bụi, giảm thiểu bụi gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh bãi sản xuất đá của Công ty Trung Kiên. (Ảnh: Việt Linh/TNMT)

Theo ghi nhận, ngay gần phía chân núi của mỏ đá của Công ty Trung Kiên là một bãi chứa, hệ thống xay nghiền đá làm việc liên tục, bụi bay mù trời nhưng không có bất kỳ một biện pháp nào dập bụi khiến bụi phát tán ra môi trường, bao trùm quanh khu vực. 

Do công ty Trung Kiên không lắp đặt hệ thống tưới nước giảm bụi khiến trong quá trình sản xuất và mỗi lần xe vận tải qua lại quấn theo bụi trắng của đá bay mù mịt khắp nơi. Cả một khu vực rộng lớn quanh mỏ đá, bãi chế biến bị bụi đá bao phủ trắng xóa làm cho cảnh quan, cây cối nơi đây trở nên tiêu điều, thiếu sức sống.

Hà Nam: Nhiều mỏ khai thác đá vôi gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 3Bụi bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng không khí tại địa phương. (Ảnh: Việt Linh/TNMT)

Theo người dân thì trước đây trên địa bàn ngoài Công ty Trung Kiên và Công ty Hồng Hà còn có 2 Công ty khác cũng sản xuất đá, bột đá. Thế nhưng, sau khi người dân phản ánh vì bị ảnh hưởng, 2 công ty này đã chuyển đi nơi khác. Hiện chỉ còn công ty Trung Kiên và Hồng Hà đang hoạt động, chưa chuyển đi nơi khác khiến người dân bức xúc.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác đá gây ra, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu phải di dời 2 Công ty này ra khỏi địa bàn, trả lại môi trường sống cho người dân quanh khu vực.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Trung Kiên được UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép khai thác khoáng sản VLXD thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ núi Cuối Hồ Trứng, xã Thanh Sơn tại giấy phép số 47/GP-UBND ngày 12/8/2013.

Tại mục 4, điều 2 giấy phép nêu rõ, Công ty TNHH Trung Kiên phải thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác mỏ đá vôi làm VLXD thông thường tại mỏ núi Cuối Hồ Trứng, xã Thanh Sơn và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động khai thác đá, thực tế doanh nghiệp có thực hiện như đã cam kết hay không lại là chuyện khác.

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xử lý việc hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bụi bặm… tại Công ty Trung Kiên và Công ty Hồng Hà trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Có thể bị tước giấy phép hoạt động vĩnh viễn

Trao đổi với phóng viên về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn do khai thác đá vôi gây ra, Luật sư Trần Đình Thắng – Công ty Luật TNHH KoCi, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Căn cứ quy định tại Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nếu không đảm bảo những yêu cầu nêu trong quy định trên mà gây ô nhiễm môi trường thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực môi trường. Trong trường hợp này Công ty Trung Kiên có thể bị xử phạt: Cảnh cáo hoặc phạt tiền lên tới  2 tỉ đồng.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính thì Công ty Trung Kiên có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

Cũng theo luật sư Trần Đình Thắng nhận định, với việc công ty Trung Kiên không thực hiện nghiêm các quy định được nêu trong giấy phép số 47/GP-UBND của UBND tỉnh Hà Nam cấp ngày 12/8/2013, thì căn cứ theo mức độ vi phạm của hành vi doanh nghiệp này có thể bị phạt tiền từ 3 tỉ đồng đến 20 tỉ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động 1 năm đến tước giấy phép vĩnh viễn tùy theo mức độ của hành vi. Ngoài ra doanh nghiệp này có thể bị Truy cứu hình sự theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nam: Nhiều mỏ khai thác đá vôi gây ô nhiễm môi trường" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).