Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một trong những nội dung được người dân quan tâm trong kế hoạch trên là việc thành phố phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh (hay còn được gọi là "loa phường" hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.
Hiện Hà Nội có 579 đài truyền thanh cơ sở hay còn có tên gọi khác là loa phường ở cấp xã, phường. Các hệ thống đều hoạt động thường xuyên và chưa từng bị gián đoạn kể cả trong giai đoạn thiên tai, dịch bệnh.
Hà Nội sẽ khôi phục loa phường. |
Hệ thống loa phường vẫn cần thiết
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, hệ thống loa phường rất cần thiết. Đây là kênh thông tin thông báo rất nhanh, kịp thời những thông tin cần thiết của địa phương đến với người dân, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của thành phố.
“Minh chứng rõ nhất hiệu quả của loa phường là thời điểm phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống loa phường đã phát huy rất tốt, hiệu quả khi truyền tải thông tin đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thờ thường xuyên, liên tục về các biện pháp phòng, chống dịch. Thực tế loa phường có từ lâu, trước đây khi còn chiến tranh, hệ thống truyền thanh vừa thông tin tình hình kinh tế xã hội vừa cảnh báo, báo động trong tình huống khẩn cấp. Hiện nay, loa phường tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước; trong đó tập trung vào những thông tin liên quan trực tiếp trên địa bàn như lịch tiêm phòng, mời lĩnh lương hưu, họp phụ nữ, , thông báo cắt điện…mà người dân quan tâm”, bà An nói.
Bà Bùi Thị An. |
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khi đề cập thông tin về loa phường tại cuộc họp báo sáng 27/7 cho rằng, đài truyền thanh là hình thức thông tin cơ sở đang phát huy hiệu quả cũng như ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
"Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các đợt tiêm chủng yêu cầu thông tin thông suốt, có tính định hướng, bao phủ rộng, đều được hệ thống đài cơ sở truyền tải đầy đủ và được người dân ghi nhận, bà Hương nói.
Nhấn mạnh loa phường là phương tiện thông tin cơ sở không thể thay thế được, bà Hương phân tích, do những thông tin này thường chỉ tập trung tới một xã, phường hoặc thậm chí là một tổ dân phố riêng biệt. Thế nên việc thông tin trực tiếp tới cộng đồng dân cư đó sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt hơn nhiều.
“Việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn sẽ không chỉ tiết giảm được nhân sự tham gia công tác truyền thông cơ sở mà còn tăng tính đồng bộ về công tác chỉ đạo từ Trung ương, thành phố cho tới từng địa bàn xã, phường”, bà Hương nói.
Cần chú ý vị trí, thời gian và thời lượng phát loa phường
PGS.TS Bùi Thị An lưu ý, muốn khôi phục lại hệ thống loa phường cần đánh giá tác động của loa phường đến đời sống nhân dân. Đồng thời, rà soát lại từng địa điểm, vị trí đặt loa phường tại từng làng, thôn, khu, xã phường.
“Trong giai đoạn hiện nay cần phải có đánh giá. Bởi có những nơi đặt, phát loa phường đã phát huy tác dụng rất tốt nhưng nhiều nơi lại gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là người già, trẻ em. Nên việc đánh giá từng vùng một là cần thiết. Nơi nào cần thiết đặt loa phường, nơi nào không cần thiết thì phải cân nhắc”, bà An nói.
Theo bà Bùi Thị An, cần lấy ý kiến của nhân dân về vị trí đặt loa phường, thời gian phát thanh, thời lượng phát thanh cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
“Thực tế cho thấy, loa phường vẫn rất cần thiết nhưng nơi nào cần thiết hãy đặt, không nên đặt quá gần nhà dân gây phản cảm, làm cho người dân phản ứng. Do đó, phải đánh giá cụ thể, rà soát các vị trí cho phù hợp. Đồng thời phải cân nhắc thời điểm phát loa phường. Không thể khung giờ sáng trưa khi người dân ngủ, nghỉ thì phát loa sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Bên cạnh đó, cần chọn lọc thông tin gì người dân cần biết mới phát không nên phát với thời lượng quá lớn. Do đó, trong tổ chức thực hiện phải chi tiết, không thể ào ạt tất cả các phường, xã khu vực đều như nhau thì mới có hiệu quả mà không khiến người dân phản ứng”, bà An góp ý.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội thừa nhận, thực tiễn cho thấy, có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý.
"Vì thế, Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, thành phố Hà Nội đặc biệt yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở, trong đó có truyền thanh cơ sở, cả về nhân lực và cơ sở vật chất, nhằm cung cấp cho người dân thông tin chính xác, kịp thời, phong phú, chất lượng, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở, làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin thiết yếu đến người dân, góp phần nâng cao hiệu qua công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển Thủ đô và đất nước”, bà Hương nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, khi cuộc sống đã thay đổi thì cách vận hành loa phường cũng hướng đến thân thiện với người dân. Cách chuyển đổi là trước đây cụm loa lớn, có 10 loa. Nhưng đề án đã giảm thiểu và duy trì chỉ có 2 loa. Thành phố cũng có Quyết định 1246 để các địa phương căn cứ truyền thông. Trong hai năm trở lại đây, thời lượng phát thanh của loa phường đã giảm xuống còn không quá 2 buổi/ngày, tối đa 15 phút/buổi và không phát vào thứ 7, Chủ nhật cũng như tránh các vị trí như trường học hay có nhiều người già.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương. |
“Loa phường đưa cơ sở đến người dân hiệu quả và thiết yếu, thông tin cần thiết. Ở nhiều nước như Nhật Bản vẫn được duy trì hệ thống loa. Đặc biệt hệ thống loa phát thanh tại sơ sở nằm trong Chiến lược của của Bộ Thông tin và truyền thông, và hiện đang được các địa phường triển khai có 20 địa phương đang triển khai trong đó có Hà Nội. Hà Nội chưa bao giờ dừng loa phường mà nay phải khôi phục lại. Thực tế vẫn duy trì, bây giờ điều chỉnh lại để thân thiện với người dân hơn”, bà Hương khẳng định.
Tại buổi họp báo sáng 27/7 về một số nội dung của kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội cho biết, ngày 21/7, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Thành phố.
Bà Hương cho biết, các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của Kế hoạch bám sát Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; và Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ Trung ương đến TP, cấp huyện, cấp xã.
Theo đó, hệ thống thông tin cơ sở sẽ được hiện đại hóa nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả. Hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
Cũng đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.