Hà Nội: Công ty CP BIC Việt Nam “phớt lờ” chỉ đạo của quận Hoàng Mai?

16/09/2021 21:04

Dù UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu Công ty CP BIC Việt Nam phải hoàn thành việc bàn giao quỹ bảo trì trong tháng 8/2021, tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

Chỉ đạo có cũng như không

Trước những khiếu kiện của cư dân liên quan đến việc chậm bàn giao quỹ bảo trì tại Dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, quận Hoàng Mai đã có văn bản chỉ đạo đối với chủ đầu tư là Công ty CP BIC Việt Nam (BIC Việt Nam) và yêu cầu đơn vị này phải bàn giao quỹ bảo trì trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa có bất kỳ động thái nào nhằm giải quyết dứt điểm sự việc.

Theo tìm hiểu được biết, sau thời gian dài người dân gửi đơn kiến nghị đến các ngành chức năng, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiếp nhận và yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết dứt điểm sự việc nhằm đảm bảo quyền lợi cư dân các tòa thuộc Dự án Rice City Linh Đàm.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội về việc kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư Rice City Linh Đàm, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành văn bản số 2101/UBND-QLDT yêu cầu Công ty CP BIC Việt Nam giải quyết các kiến nghị của Ban quản trị Tòa Bắc, Dự án Rice City Linh Đàm.

văn bản chỉ đạo của quận hoàng mai
Văn bản của UBND Quận Hoàng Mai yêu cầu Công ty CP BIC Việt Nam giải quyết các kiến nghị của Ban quản trị Tòa Bắc, Dự án Rice City Linh Đàm.

Văn bản số 2101/UBND-QLDT nêu rõ về việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư: Yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra, rà soát và bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị đầy đủ về số lượng và thành phần theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Thông tư 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ do mình bàn giao. Ban quản trị phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành chậm nhất vào ngày 15/8/2021.

Về việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ quyết toán quỹ bảo trì kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan cho Ban Quản trị. Ban quản trị tiếp nhận hồ sơ quyết toán và các hồ sơ, tài liệu liên quan do chủ đầu tư cung cấp, nghiên cứu, xem xét thống nhất.

Yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với Ban quản trị để thay đổi tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì theo quy định tại khoản 17, Điều 1, Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng.

Yêu cầu chủ đầu tư và Ban quản trị phối hợp thống nhất xác định tỷ lệ % phí bảo trì mà chủ đầu tư phải đóng theo quy định tại khoản 1,5, Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 18, Điều 1, Thông tư 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng. Sau khi thay đổi tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì, thống nhất số liệu quyết toán quỹ bảo trì và tỷ lệ % phí bảo trì chủ đầu tư phải đóng, chủ đầu tư chuyển kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản do Ban quản trị đã lập.

Trường hợp không thống nhất được số liệu, đề nghị chủ đầu tư tạm bàn giao số tiền quỹ bảo trì còn lại sau khi trừ số tiền mà chủ đầu tư đã thực hiện công tác bảo trì - số liệu lấy theo hồ sơ quyết toán do chủ đầu tư lập. Hoàn thành chậm nhất ngày 15/8/2021.

Đối với số tiền quỹ bảo trì chưa thống nhất, hai bên tiếp tục kiểm tra, thống nhất, chủ đầu tư phải bàn giao ngay cho Ban quản trị sau khi thống nhất. Quận Hoàng Mai cũng yêu cầu số Công ty CP BIC Việt Nam phải hoàn thành việc này trong tháng 8/2021.

Về công tác phân định diện tích sở hữu chung - riêng, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu chủ đầu tư và Ban quản trị phối hợp, thống nhất phân định diện tích sở hữu chung - riêng nhà chung cư theo quy định tại Điều 6, Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND TP. Hà Nội, làm cơ sở để thống nhất số liệu quyết toán quỹ bảo trì, xác định tỷ lệ % phí bảo trì mà chủ đầu tư phải đóng và các nội dung liên quan cần thiết khác.

Đối với việc quản lý vận hành nhà chung cư, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu đối với Tòa Bắc, Nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm, chủ đầu tư đã bán hết căn hộ cho các chủ sở hữu, công tác quản lý vận hành tuân thủ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 và Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng. Như vậy, sau khi thành lập, Ban quản trị có trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị quản lý vận hành do Hội nghị nhà chung cư lựa chọn.

BIC Việt Nam đang cố tình “làm trái”chỉ đạo của Quận Hoàng Mai?

Như Reatimes đã thông tin, trước đó, ngày 18/6/2021, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 4997/SXD-QLN chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai về giải quyết kiến nghị của Ban quản trị tòa Bắc và tòa Trung, chung cư Rice City Linh Đàm.

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị quận Hoàng Mai căn cứ Luật Nhà ở, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016, Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng, Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND Thành phố, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư Rice City Linh Đàm. Trường hợp nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, dù nội dung chỉ đạo của Sở Xây dựng và UBND quận Hoàng Mai đã “rõ mười mươi” nhưng đến nay Công ty CP BIC Việt Nam vẫn đang “phớt lờ” hay nói đúng hơn là “giậm chân tại chỗ”, không có bất cứ động thái thiện chí nào.

Cụ thể, ngày 12/9, trao đổi với PV Reatimes, ông Nguyễn Đình Chiến - Trưởng Ban quản trị tòa Bắc chia sẻ: “Dù UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu chủ đầu tư phải xử lý vướng mắc, tính toán xác định tỷ lệ % phí bảo trì hay tạm bàn giao số tiền quỹ bảo trì còn lại… và phải hoàn thành mọi việc trong tháng 8. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía chủ đầu tư”.

“Họ vẫn đang viện dẫn lý do “phải hoàn thiện chứng từ” để trì hoãn, người dân chúng tôi không biết khi nào BIC Việt Nam mới hoàn thành trách nhiệm của mình”, ông Nguyễn Đình Chiến cho hay.

Anh Lương, người dân sinh sống tại toà Bắc cũng bức xúc: “Đã sang tháng 9 rồi, đây rõ ràng là việc cố tình chây ỳ, bất chấp sự chỉ đạo của UBND quận Hoàng Mai. Đề nghị BIC Việt Nam phải trả lời trước dân và làm rõ những việc làm không minh bạch đang diễn ra tại Rice City Linh Đàm”.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế cứng rắn hơn nữa để “điều trị” vấn nạn chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.

“Nhìn nhận thực tế từ các nước phát triển, kinh nghiệm tại Malaysia chỉ ra rằng nếu chủ sở hữu không thanh toán đủ kinh phí bảo trì trong vòng 7 ngày kể từ cuộc họp chung thì chủ sở hữu sẽ chịu các chế tài rất nặng nề, bao gồm: Chủ sở hữu mất quyền biểu quyết; chủ sở hữu phải trả phí bảo trì kèm lãi hợp pháp với mức lãi suất không quá 10% mỗi năm cho bất kỳ khoản phí chung nào còn tồn đọng trong vòng 14 ngày kể từ ngày yêu cầu thanh toán; chủ sở hữu sẽ bị đưa vào “danh sách đen”, điều này ảnh hưởng đến bất kỳ khoản vay ngân hàng nào trong tương lai....”, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung nói.

Trước sự việc bức xúc nêu trên, lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng cần có chế tài xử lý cứng rắn, triệt để hơn đối với Công ty CP BIC Việt Nam. Việc thiếu nghiêm túc trong thực hiện ý kiến chỉ đạo hoặc cố tình “làm trái” có thể chuyển sự việc sang Công an.  

Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP về bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư mới đây cũng nêu rõ, nếu chủ đầu tư cố tình “ôm” quỹ bảo trì, có thể sẽ bị xử lý hình sự. Công ty CP BIC Việt Nam rất có thể sẽ chịu trách nhiệm “nặng” hơn, nếu không sớm xử lý dứt điểm các ý kiến chỉ đạo của quận Hoàng Mai.

Từng trao đổi về trường hợp chủ đầu tư chây ì, cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, không bàn giao cho Ban quản trị, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố phải ra quyết định cưỡng chế chủ đầu tư. Vì thế, UBND cấp tỉnh, thành phố cần phải quyết liệt trong việc cưỡng chế tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư, hoặc quản lý tài khoản khác của chủ đầu tư theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do Ban quản trị lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

“UBND cấp tỉnh cần thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không bàn giao kinh phí bảo trì của chủ đầu tư theo quy định. Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần ghi rõ biện pháp kê biên tài sản của chủ đầu tư để thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản nhằm thu hồi kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội: Công ty CP BIC Việt Nam “phớt lờ” chỉ đạo của quận Hoàng Mai?" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).