Nhà máy xử lý nước thải hơn 230 tỷ đồng thi công mãi không xong
Mấy chục năm khổ sở vì ô nhiễm nước thải nên người dân vô cùng phấn khởi khi Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, Hoài Đức) được khởi công xây dựng với mục tiêu tiếp nhận nước thải khu vực các xã Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên trước khi xả ra sông Nhuệ.
Dự án này cũng được kỳ vọng góp phần bảo vệ môi trường khu vực và lưu vực sông Nhuệ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng về thoát nước và xử lý nước thải của khu vực; nâng cao điều kiện sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng dự án...
Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng vào tháng 8/2013, với công suất 8.000m3/ngày đêm. Nhà máy nằm trên quy mô gần 5.400m2 đất thuộc địa bàn xã Sơn Đồng. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 231,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.
Dự án nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng được TP Hà Nội giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tài nguyên và môi trường Hà Nội (Sở TN-MT) là đại diện chủ đầu tư, nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội (Ban Cấp, thoát nước và môi trường TP Hà Nội). Dự án đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu xây lắp từ quý IV/2015 nhưng đến nay qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung vẫn đắp chiếu chưa thể vận hành trong sự thất vọng của người dân.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, Hoài Đức đến nay vẫn ìm lìm sau nhiều năm thhi công
Nhiều hạng mục của nhà máy vẫn chưa hoàn thiện, một số thiết bị đã có dấu hiệu rỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Lối vào nhà máy được quây tôn kín mít, cỏ mọc um tùm và không có bất cứ hoạt động thi công nào.
Ông Đặng Đình Hùng ở khu tập thể Ươm tơ, xã Sơn Đồng, Hoài Đức cho biết: “Khoảng chục năm trước, người dân nghe nói có dự án nhà máy xử lý nước thải để thu gom, xử lý nước thải cho các làng nghề ở đây thì mừng lắm. Vì các xã ở quanh khu vực này làm nghề nhiều như Sơn Đồng có nghề tạc tượng, Đắc Sở có nghề làm miến… rất ô nhiễm môi trường. Nhưng chúng tôi chờ mãi, chờ gần cả thập kỷ rồi mà chưa thấy nhà máy đâu, tiến độ xây dựng thì ì ạch cũng không hiểu lý do vì sao!”.
Đắp chiếu đến bao giờ?
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về sự chậm trễ của Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, đại diện Ban Cấp, thoát nước và môi trường TP Hà Nội thông tin, đến nay, 3/4 gói thầu xây lắp chính đã cơ bản hoàn thành.
Gói thầu số 03 đã thi công hoàn thành 95% khối lượng, phần còn lại do vướng mặt bằng thi công và phải điều chỉnh thiết kế để triển khai.
Cụ thể, còn 120m chưa triển khai thi công được do vướng đất của người dân, không có mặt bằng thi công.
Hiện, Ban đang hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh theo ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn đang phối hợp các đơn vị tiến hành khảo sát, thu thập thông tin để lập Đề án xả thải trình Bộ NN&PTNT xem xét, chấp thuận cấp Giấy phép.
Theo đó, đại diện Ban Cấp, Thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho hay, dự kiến tháng 12 tới, đơn vị này sẽ trình UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2022 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Cụ thể, sẽ tổ chức lựa chọn các đơn vị tư vấn đấu thầu, tư vấn giám sát, thi công xây dựng, lắp đặt trạm quan trắc nước thải liên tục tự động vào tháng 11-12/2021;
Tổ chức thi công các khối lượng còn tồn tại do vướng mặt bằng (các hạng mục ngoài nhà máy) trong quý I-2022; khởi công, thi công hoàn thành hạng mục lắp đặt trạm quan trắc liên tục tự động trong tháng 12/2021 và quý I-2022.
Dự kiến, trong quý II-2022, sẽ phối hơp với Sở TN-MT Hà Nội hướng dẫn phương thức truyền dẫn dữ liệu quan trắc tự động và bàn giao hạng mục, đồng thời dự kiến sẽ được Bộ NN&PTNT cấp Giấy phép xử thải vào nguồn nước cũng trong giai đoạn này. Đến quý IV-2022 sẽ tổ chức nghiệm thu bàn giao toàn bộ công trình đưa vào sử dụng.
Tuy vậy, lộ trình trên cũng mới chỉ là phía Ban Cấp, thoát nước và môi trường đưa ra trong điều kiện thuận lợi nhất. Vì vậy, dự báo tiến độ của dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng khả quan nhất cũng phải năm 2023 mới có thể vận hành. Và tất nhiên, người dân ở đây sẽ tiếp tục phải chờ đợi và tiếp tục "mơ" về viễn cảnh không còn phải sống trong cảnh ô nhiễm nước thải...