Kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ

29/06/2022 08:00

Những năm qua, các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP

Theo bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội. Trung tâm có nhiều chức năng nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tham mưu với Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, tổ chức kết nối hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ.

pn-1656411074.jpg Sản phẩm mây tre đan do phụ nữ xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì thực hiện

Căn cứ các văn bản phối hợp giữa Hội LHPN với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, gắn với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Trung tâm đã có sự chủ động, tích cực trong các hoạt động hỗ trợ kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phối hợp với Hội LHPN các quận, huyện, thị xã, bằng nhiều hình thức, trực tiếp, trực tuyến. Qua đó, tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, tinh thần trách nhiệm của phụ nữ trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng.

Trung tâm đã hỗ trợ 436 phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP, thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, phát triển các vùng sản phẩm hữu cơ. Cùng với đó, tuyên truyền thay đổi nhận thức, thói quen cho phụ nữ Thủ đô tiêu dùng sản phẩm an toàn. Phối hợp Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế triển khai chương trình người tiêu dùng thông thái, hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sâu rộng tới các khu dân cư.

“Trung tâm còn phối hợp các Hội LHPN các quận, huyện tổ chức các chương trình “Tuần lễ vàng”; “10 ngày vàng”, “Làng đặc sản”; chương trình “Hà Nội kết nối vươn xa”; phiên chợ cuối tuần giới thiệu sản phẩm an toàn cho phụ nữ tại các khu trung tâm thương mại, khu chung cư và khu dân cư. Qua đó kết nối cho trên 800 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ, đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng và tạo cơ hội kết nối ký kết các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ có giá trị cao”, bà Nguyễn Thị Hảo cho biết.

Tăng cường hình thức kết nối công nghệ số

Đặc biệt thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Trung tâm đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp duy trì và nâng cao chất lượng trang thương mại điện tử “Chợ nhà mình”; thành lập hai điểm kết nối quảng bá sản phẩm trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở Trung tâm, tổ chức 22 khoá huấn luyện kỹ năng bán hàng online, kỹ năng livestram quảng bá sản phẩm, ứng dụng các công cụ công nghệ để xúc tiến thương mại, hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử.

Trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm đã phát triển các nhóm kết nối qua công cụ facebok, zalo, triển khai diễn đàn chiều thứ năm hàng tuần kết nối “Mỗi tuần một sản phẩm tốt”; qua đó tạo mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua hệ thống tổ chức Hội LHPN từ thành phố tới khu dân cư để kịp thời triển khai các chiến dịch hỗ trợ, chương trình nâng niu nông sản Việt.

Đặc biệt, qua 2 năm dịch Covid-19, Trung tâm đã trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ trên 1.230 tấn nông sản rau, củ, quả, trên 2 tấn thịt, cá; 2 triệu quả trứng gà của nông dân Hà Nội và một số tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Long, Đắc Lắc,… hỗ trợ người nông dân thu lại hàng trăm tỷ đồng trước nguy cơ bị mất trắng.

pn-2-1656411165.jpg Phụ nữ chiếm tỷ lệ lao động lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%

Các hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn do trung tâm triển khai đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, hội viên phụ nữ và tạo sức lan toả. Đến năm 2020 chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với chủ đề “Nâng niu nông sản Việt” đã lan toả sâu rộng tới các cấp Hội LHPN cơ sở, hỗ trợ qua kênh của Hội LHPN triển khai 970 tấn nông sản, thực phẩm khó tiêu thụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Từ việc kết nối có hiệu quả, đã khẳng định những đóng góp tích cực của tổ chức Hội LHPN Hà Nội trong hỗ trợ phụ nữ sản xuất an toàn và kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Hảo, trong thời gian tiếp theo, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội sẽ tiếp tục có sự đổi mới, tăng cường nhiều hoạt động và mô hình phù hợp trong điều kiện mới để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ.

Phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50% dân số, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi gia đình và cộng đồng. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lao động lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%. Những năm qua, các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, tạo được nhiều việc làm cho người lao động và luôn tích cực, gương mẫu trong phát triển kinh tế xã hội xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Bà Nguyễn Thị Hảo cũng đề xuất, kiến nghị các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là các đơn vị, trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với Hội LHPN Hà Nội tạo nguồn lực tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến làm thay đổi nhận thức, hành vi của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn. Hỗ trợ xây dựng mạng lưới kế nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua hệ thống tổ chức Hội LHPN Hà Nội, các hoạt động sự kiện quảng bá, gioi thiệu sản phẩm an toàn của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát kiểm tra giám sát quy trình sản xuất của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm minh, công khai các hành vi sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm không an toàn, buôn bán các các chế phẩm, độc hại gây hại cho sức khoẻ cộng đồng.

Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát quy trình công nhận chất lượng sản phẩm. Kiểm tra chặt chẽ việc cho phép lưu hành các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để người nông dân được đảm bảo an toàn khi tiếp cận sản phẩm đưa vào sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn thực sự cho người tiêu dùng.

 

Bạn đang đọc bài viết "Kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).