Khủng hoảng năng lượng: 'Cai' khí đốt Nga, nhiều doanh nghiệp châu Âu bị 'hạ gục', nỗi đau không chỉ tạm thời

14/09/2022 08:55

Trên khắp châu Âu, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nỗi lo chung. Giá năng lượng tăng vọt và nguồn cung khí đốt từ Nga bấp bênh đã 'hạ gục' nhiều doanh nghiệp tại châu Âu.

Nga dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đẩy châu Âu cận kề bờ vực suy thoái và có nguy cơ gây tổn hại lâu dài cho các doanh nghiệp sản xuất ở khu vực này. (Ảnh: Ksenia Kuleshova/The Wall Street Journal)

Nga dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đẩy châu Âu cận kề bờ vực suy thoái và có nguy cơ gây tổn hại lâu dài cho các doanh nghiệp sản xuất ở khu vực này. (Ảnh: Ksenia Kuleshova/The Wall Street Journal)

Ngành công nghiệp châu Âu phát triển mạnh trong nhiều thập niên nhờ nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ của Nga. Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bùng nổ, nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu bắt đầu lung lay. Mới đây nhất, Moscow tuyên bố dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Hành động này đã đẩy châu Âu cận kề bờ vực suy thoái và có nguy cơ gây tổn hại lâu dài cho các doanh nghiệp sản xuất ở khu vực này. Không giống như Mỹ, châu Âu dựa vào sản xuất và công nghiệp nặng để giữ cho nền kinh tế hoạt động ổn định trong những thập niên gần đây.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, nhôm, ô tô, thủy tinh, gốm sứ, đường, giấy vệ sinh... bị ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như kim loại sử dụng nhiều năng lượng, đang phải đóng cửa các nhà máy vô thời hạn. Điều này khiến hàng nghìn việc làm bị “thổi bay”.

Câu hỏi đặt ra là liệu nỗi đau hiện tại chỉ là tạm thời hay đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên phi công nghiệp hóa mới ở châu Âu?

Đóng cửa nhà máy để tiết kiệm điện

Để thay thế khí đốt Nga, châu Âu đã lùng sục khắp thế giới để tìm nguồn cung cấp mới. Khu vực này đã đạt được các thỏa thuận mua khí đốt từ Mỹ và Qatar nhưng điều đó có thể vẫn chưa đủ.

Milan Veselý, Giám đốc Công ty sản xuất nhôm Slovalco chia sẻ: “Đây có lẽ là sự kết thúc sản xuất kim loại ở châu Âu”.

Slovalco là một trong những công ty bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá điện tại châu Âu. Trong nhiều năm, nhà máy này là khách hàng mua điện lớn nhất ở Slovakia, tiêu thụ 9% điện năng của đất nước, phần lớn là từ năng lượng hạt nhân.

Trước khi giá năng lượng bắt đầu tăng vào năm ngoái, Slovalco trả khoảng 45 Euro (khoảng 45 USD)/megawatt giờ. Từ đầu năm 2022 cho đến nay, công ty này đã trả 75 Euro/megawatt giờ.

Đang buộc phải cắt giảm sản xuất kim loại sơ cấp và sa thải 300 trong số 450 công nhân, Giám đốc Slovalco nói: “Sự biến động của giá điện những ngày này thật điên rồ. Đây là cách 'hạ gục' các ngành công nghiệp”.

Theo các nhà phân tích, việc một số nhà máy đóng cửa đã khiến nhu cầu sử dụng điện giảm. Cùng với việc nỗ lực săn tìm nguồn cung cấp khí đốt không phải từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) lấp đầy hơn 80% các kho dự trữ khí đốt và có thể đủ để vượt qua mùa Đông lạnh giá.

Hầu hết các chính phủ đều đưa ra nhận định rằng, việc làm chậm và đóng cửa các nhà máy hiện nay được ưu tiên hơn là cắt điện các bệnh viện và trường học trong mùa Đông.

Theo công ty dữ liệu hàng hóa ICIS, trong tháng 8, châu Âu tiêu thụ ít hơn 10% lượng khí đốt so với cùng kỳ năm ngoái. EU đang đặt mục tiêu cắt giảm nhu cầu xuống 15%.

Tuy nhiên, việc đóng cửa nhà máy để lại hậu quả khủng khiếp. Các công ty trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng cho biết, họ sẽ phải đối mặt với tình trạng phá sản trong mùa Đông này nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ.

Sự phức tạp trong chuỗi cung ứng của các lĩnh vực như công nghiệp ô tô và thực phẩm đang tăng lên. Điều này nhân lên áp lực lạm phát ở các quốc gia châu Âu.

ArcelorMittal SA, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, sẽ đóng cửa một lò luyện thép ở Bremen, Đức và giảm sản lượng tại một nhà máy sắt xốp ở Hamburg, Đức.

Tại Đức, ArcelorMitall đã giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 40% nếu so với kế hoạch tiêu thụ mà công ty đưa ra ở thời điểm đầu năm.

Reiner Blaschek, Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh tại Đức của công ty cho biết: “Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến những biến động như vậy về giá năng lượng”.

Để tiết kiệm tiền, ArcelorMittal đã mua sắt xốp từ Mỹ thay vì sản xuất trong nước bằng khí đốt.

Một công nhân tại Slovalco. (Ảnh: Michaela Nagyidaiova/The Wall Street Journal)

Một công nhân tại Slovalco. (Ảnh: Michaela Nagyidaiova/The Wall Street Journal)

Theo nhóm vận động hành lang ngành kim loại Eurométaux, các kho dự trữ kẽm ở EU gần như cạn kiệt, các khách hàng phải nhập khẩu kim loại từ Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng, sản lượng nhôm nguyên sinh của châu Âu cũng đang "về 0", khiến cho châu lục chỉ còn lại ngành tái chế nhôm - lĩnh vực sản xuất nhôm cho những ngành như đóng gói, nhưng không thể dùng cho bánh xe, phanh hay linh kiện máy bay.

Các nhà máy luyện nhôm không thể gia hạn hợp đồng điện. Theo Hiệp hội kim loại WV Metalle của Đức, các công ty cần 15 megawatt giờ điện để sản xuất một tấn nhôm nguyên sinh, tương đương chi phí hết 9.000 Euro, theo giá điện hiện tại. Trong khi đó, một tấn nhôm chỉ có thể được bán với giá dưới 2.500 Euro.

Franziska Erdle, Tổng giám đốc của WV Metalle nhấn mạnh: “Chúng tôi cần viện trợ khẩn cấp ngay lập tức, nếu không, chúng tôi sẽ phải đối mặt với việc phi công nghiệp hóa ở Đức”.

Nỗi lo chung của doanh nghiệp toàn châu Âu

Tom Price, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Liberum ví cú sốc hiện tại với cuộc khủng hoảng năng lượng đã hạ gục ngành công nghiệp nhôm của Nhật Bản vào những năm 1970.

Ông nói: “Đây là một sự kiện nghiêm trọng và ngành công nghiệp của châu Âu đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng của Nga”.

Sản lượng của các nhà máy ở châu Âu suy giảm có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất ô tô chịu tổn thất trực tiếp từ sự phụ thuộc vào khí đốt để phát điện và gián tiếp thông qua các vấn đề trong chuỗi cung ứng.

Tập đoàn xe Đức Volkswagen AG cho hay, họ đang tích trữ các sản phẩm như cửa sổ và kính chắn gió ô tô vì lo sợ rằng, tình trạng thiếu khí đốt sẽ khiến các công ty sản xuất kính phải ngừng hoạt động.

Người phát ngôn của Safran SA, một nhà sản xuất động cơ máy bay và thiết bị liên quan đến quốc phòng của Pháp cho rằng, chuỗi cung ứng mỏng manh đã hạn chế khả năng nâng cao sản lượng của công ty.

Một số nhà sản xuất (như nhà máy kẽm) có thể nhanh chóng khởi động lại khi cuộc khủng hoảng năng lượng được giải quyết. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp khác, bao gồm các nhà sản xuất kính và nhôm, việc mở cửa trở lại là một quá trình kéo dài và tốn kém, thậm chí, không mang đến lợi ích tài chính.

Ngay cả các nhà sản xuất giấy vệ sinh cũng đang cảm thấy khó chịu. Trong tháng 9, Hakle GmbH, một nhà sản xuất giấy và sản phẩm vệ sinh của Đức đã tuyên bố vỡ nợ vì giá năng lượng tăng quá cao.

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng năng lượng: 'Cai' khí đốt Nga, nhiều doanh nghiệp châu Âu bị 'hạ gục', nỗi đau không chỉ tạm thời" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).