Khủng hoảng Sri Lanka: Lời trần tình và hồi chuông cảnh tỉnh

27/07/2022 16:54

Những hàng dài người chờ đợi đến lượt đã trở thành cảnh tượng phổ biến ở Sri Lanka – đảo quốc phồn vinh một thời được mệnh danh “hòn ngọc Ấn Độ Dương”.

Để có được 5 lít xăng, những người lái xe 3 bánh phải bình tĩnh chờ đợi trong hàng ít nhất 5 ngày. Người dân xếp hàng để mua khí đốt nấu ăn, mua sữa bột, mua thức ăn, cũng như những nhu yếu phẩm khác… một cách lặng lẽ, trật tự.

Trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng, mỗi ngày ở thủ đô Colombo, người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu như y tế, vệ sinh, bưu điện, ngân hàng… phải chịu đựng cảnh chen chúc trên xe buýt, một trong những phương tiện giao thông duy nhất đáng tin cậy, với nguồn cung nhiên liệu được chính phủ đảm bảo.

Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã khiến chính phủ ở Sri Lanka bị lật đổ. Trong ảnh là người biểu tình trước văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo. Ảnh DW

“Xe không có tay cầm ư? Có thể chở 110 người một lúc”, tài xế M.P.L.K. Saman, 32 tuổi, cho biết về số lượng hành khách mà một chuyến buýt có thể chở trong hành trình 24 km giữa thủ đô Colombo và thành phố Dompe ở phía Đông. “Xe có tay cầm thì có thể chở đến 150 người”.

Mặc dù kinh doanh xe buýt, cả công cộng và tư nhân, có vẻ là ngành nở rộ ở đảo quốc Nam Á giai đoạn này, nhưng để đảm bảo lịch trình, công tác khắc phục sự cố phải liên tục được thực hiện.

Các vấn đề về giao thông đã trở nên phổ biến đến mức các phát thanh viên địa phương thường nói đùa rằng, đợi 4 tiếng đồng hồ mới có xe buýt đến chưa phải là điều tệ nhất, vì điều tệ hơn là xe sẽ không bao giờ đến.

 

Là đảo quốc nhiệt đới trù phú chưa từng thiếu lương thực, nay Sri Lanka đang là một quốc gia vỡ nợ. Kinh tế suy thoái dẫn đến bất ổn chính trị kéo dài nhiều năm đã thách thức khả năng chịu đựng của người dân.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi đất nước giành độc lập năm 1948 đã vùi dập người dân Sri Lanka thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhưng những hậu quả đang ảnh hưởng đến người nghèo với cường độ lớn hơn.

Cảnh sát sử dụng hơi cay khi những người biểu tình Sri Lanka xông vào khu văn phòng của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Ảnh Hindustan Times

“Giờ đây, rất khó để sống. Ngay cả một ổ bánh mì cũng trở thành thứ đắt đỏ”, ông Milton Pereira chia sẻ với hãng tin AFP bên ngoài ngôi nhà nhỏ của mình ở Đảo Slave (Nô lệ), một vùng đất nghèo ở thủ đô Colombo.

“Chúng tôi ở trong tình trạng ăn bữa nay thì phải bỏ bữa mai”, ông cho biết thêm.

Với 6 trẻ nhỏ trong gia đình, người đàn ông 74 tuổi cho biết, loại thực phẩm tốt nhất mà gia đình có thể mua được trong những tuần gần đây là cá.

“Vì không có nhiều tiền nên thỉnh thoảng chúng tôi mới cho bọn trẻ ăn cá” và phải cắt ra thành miếng nhỏ, ông nói, cho biết thêm rằng để trẻ con ăn phần cái thì người lớn “chỉ ăn phần nước”.

Theo ước tính gần đây của Liên Hợp Quốc, khoảng 80% người dân tại đảo quốc Nam Á này đã phải bỏ bữa vì không đủ tiền chi trả cho thực phẩm.

Chị Sujeewa Nelum Perera, một người nội trợ 38 tuổi ở ngoại ô thủ đô Colombo, thường xuyên phải vật lộn để lo bữa ăn cho gia đình gồm 4 người. Số lượng bữa ăn mỗi ngày của gia đình cũng đang bị “cắt xén” trong bối cảnh giá thực phẩm cao kỷ lục.

Chồng của chị Perera, một tài xế xe 3 bánh, đã không thể kiếm được đồng nào trong những tuần qua do nguồn dự trữ nhiên liệu trong nước cạn kiệt đến mức chính quyền chỉ hạn chế việc cung cấp xăng dầu cho các dịch vụ thiết yếu.

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana phát biểu trong cuộc họp báo ở Colombo, Sri Lanka, ngày 15.7.2022. Ảnh AP

“Chúng tôi cần khoảng 2.000 Rupee (5,5 USD) để chi tiêu cho việc ăn uống mỗi ngày. Nhưng với giá thực phẩm tăng hàng ngày, chúng tôi chỉ đủ tiền cho 2 bữa ăn”, chị Perera chia sẻ với Reuters khi đi mua hàng tạp hóa ở Kelaniya, một vùng ngoại ô cách thủ đô thương mại Colombo khoảng 9 km.

Theo chị Perera, sữa đã trở thành một mặt hàng xa xỉ, chị không đủ tiền mua món này cho con gái 12 tuổi và con trai 8 tuổi của mình.

“Nó quá đắt. Ngay cả trứng cũng đắt đỏ, nên tôi cũng chỉ có thể làm cho bọn trẻ ăn, còn vợ chồng tôi phải nhịn. Giá sẽ tiếp tục tăng và điều tồi tệ nhất sẽ đến. Tôi không biết chúng tôi sẽ sống như thế nào”, chị Perera chia sẻ.

Nếu các biện pháp khẩn cấp không được thực hiện để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất vào thời điểm này, sẽ có thêm nhiều người Sri Lanka rơi vào cảnh nghèo đói, từ đó làm gia tăng tình trạng nghèo xuyên thế hệ trong dài hạn.

Việc đồng tiền Sri Lanka (Rupee) mất giá nhanh chóng và tiền lương không thể theo kịp với lạm phát đã làm giảm đáng kể mức sống của người dân.

Lạm phát, được đo lường bởi Chỉ số Giá Tiêu dùng Colombo (CCPI) cho tháng 6, là 54,6% so với 39,1% của tháng trước. Đáng chú ý, lạm phát lương thực đã tăng lên mức báo động 80,1% vào tháng 6.

Nhiều người bị cản trở trong quá trình kiếm sống do nguồn cung nhiên liệu không đủ. Điều này, cùng với sự gia tăng chi phí vận tải và quá tải phương tiện giao thông công cộng, đã khiến người lao động gặp khó khăn trong việc đi làm.

Những người làm công ăn lương hàng ngày như các tài xế xe 3 bánh phải dành quá nhiều thời gian cho việc xếp hàng chờ đổ xăng. Tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện thường xuyên đang ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh của các chủ doanh nghiệp nhỏ, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Tình trạng thiếu khí đốt và dầu hỏa để nấu ăn, giá hàng hóa tăng và thiếu hụt nguồn cung đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, buộc nhiều gia đình phải cắt giảm chi tiêu đến mức tối thiểu.

Người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát sử dụng hơi cay trong cuộc biểu tình tại văn phòng thủ tướng ở Colombo, Sri Lanka, ngày 13.7.2022. Ảnh The Guardian

Việc không thể nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng do chi phí sinh hoạt tăng đang ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em Sri Lanka và có thể dẫn đến gia tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng trong tương lai.

Ngoài ra, trường học bị đóng cửa liên tục đang cản trở việc học hành của các em, đặc biệt là ở những địa phương tuyến dưới, nơi hầu hết các gia đình đều thiếu công nghệ cho việc học trực tuyến.

 

Sri Lanka từng là quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, của nước láng giềng Ấn Độ, ông Arvind Panagariya, cựu Phó Chủ tịch Viện hoạch định chính sách quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog), cho biết.

Nhưng nền kinh tế chìm trong nợ nần của đảo quốc Nam Á đã sụp đổ sau khi nước này tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4. Theo số liệu thống kê, tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka vào khoảng 51 tỷ USD.

Người biểu tình đã xông vào các địa điểm ở thủ đô Colombo, bao gồm phủ Tổng thống, văn phòng thư ký của Tổng thống, văn phòng và nơi ở của Thủ tướng, đài truyền hình nhà nước Rupavahini. Ảnh Bloomberg

Chính phủ nước này đang phải vật lộn để trả lãi cho các khoản vay, chưa nói đến việc trả nợ gốc.

Vỡ nợ gây ra những hậu quả quốc tế nguy hiểm cho một quốc gia như Sri Lanka phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là về các mặt hàng thiết yếu.

Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng ở đảo quốc Nam Á đã âm ỉ trong nhiều năm, do một chút kém may mắn và phần nhiều là sự quản lý yếu kém của chính phủ.

Theo các chuyên gia của Nhóm phân tích xếp hạng tín nhiệm thuộc Hãng xếp hạng tín nhiệm của Nga (ACRA), do việc nhà chức trách thực thi chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định, đại dịch Covid-19, việc Mỹ nâng lãi suất và giá năng lượng cũng như lương thực tăng cao, ngân sách và vị thế bên ngoài của Sri Lanka đã suy yếu đáng kể.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Sri Lanka đã vay mượn một khoản tiền khổng lồ từ các tổ chức cho vay quốc tế và các cường quốc khu vực để tài trợ cho các dịch vụ công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng nay đã biến thành những “con voi trắng”, ông Murtaza Jafferjee, Chủ tịch Viện nghiên cứu Advocata có trụ sở tại Colombo (Sri Lanka), cho biết.

(Thuật ngữ “con voi trắng” để chỉ khoản đầu tư có giá trị hoặc mức độ hữu ích không phù hợp với chi phí để duy trì nó).

Người dân kiên nhẫn chờ xe buýt ở Colombo, ngày 18.7.2022. Ảnh NYT

Làn sóng vay mượn này diễn ra đồng thời với một loạt đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Sri Lanka, từ thảm họa thiên nhiên cho đến những sai lầm chính sách, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn phân bón hóa học của chính phủ vào năm 2021 làm tàn lụi mùa màng của nông dân, khiến sản lượng gạo trong nước giảm 1/3 và sản lượng chè - nguồn xuất khẩu và thu ngoại tệ chính của đất nước - giảm 16%.

Doanh thu du lịch - một nguồn ngoại hối quan trọng của đảo quốc Nam Á - sụt giảm nghiêm trọng sau các cuộc tấn công khủng bố vào Lễ Phục sinh năm 2019, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bắt đầu từ năm 2020, và nay là tác động của xung đột Nga-Ukraine, khiến cho tình hình càng thêm tồi tệ.

Đối mặt với thâm hụt lớn, Tổng thống Sri Lanka khi đó là ông Gotabaya Rajapaksa đã cắt giảm thuế sâu nhằm kích thích nền kinh tế. Nhưng động thái này, được đưa ra chỉ vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã phản tác dụng, khiến nguồn thu của chính phủ càng co hẹp.

Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạ cấp Sri Lanka xuống mức gần vỡ nợ, khiến nước này không thể tiếp cận thị trường nước ngoài.

Từ đó, Sri Lanka phải dựa vào dự trữ ngoại hối để trả nợ công, khiến khối dự trữ của họ sụt giảm nhanh chóng, từ 6,9 tỷ USD năm 2018 xuống còn 2,2 tỷ USD trong năm nay. Điều này ảnh hưởng đến khả năng nhập khẩu nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, khiến giá cả tăng vọt.

Nhưng tệ hơn nữa là hồi tháng 3, chính phủ Sri Lanka lại thả nổi đồng Rupee. Điều này đồng nghĩa giá Rupee sẽ được quyết định dựa trên cung - cầu của thị trường ngoại hối. Mục tiêu của động thái này là hạ giá nội tệ để đủ tiêu chuẩn nhận khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời khuyến khích kiều hối.

Tuy nhiên, việc đồng Rupee lao dốc so với USD chỉ càng khiến người dân Sri Lanka thêm chật vật.

Cuộc khủng hoảng đã biến cuộc sống của họ thành chuỗi ngày xếp hàng không hồi kết để chờ mua nhu yếu phẩm, với rất nhiều mặt hàng trong đó đã bị hạn chế số lượng.

Các tình nguyện viên ở Colombo đang chuẩn bị đồ ăn, ngày 19.7.2022. Ảnh NYT

Đảo quốc 22 triệu dân héo mòn vì khủng hoảng, thúc đẩy nhiều người Sri Lanka xuống đường biểu tình từ giữa tháng 3 để phản đối những khó khăn về kinh tế.

Người biểu tình đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa, đứng đầu là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, và các đồng minh về tình trạng siêu lạm phát, thiếu hụt hàng hóa thiết yếu và tham nhũng mà Sri Lanka đang phải đối mặt.

Thậm chí, hôm 18/4, một số người dùng mạng xã hội Sri Lanka trên Twitter đã kêu gọi tỷ phú Mỹ Elon Musk - người giàu nhất thế giới - mua Sri Lanka, quốc gia có gánh nặng nợ nần 45 tỷ USD, thay vì mua Twitter với giá 43 tỷ USD, và thúc giục vị tỷ phú đổi tên mình thành Ceylon Musk. (Ceylon là tên gọi trước đây của Sri Lanka)

Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng đã lên đến đỉnh điểm khi cuộc khủng hoảng kinh tế đạt đến độ sâu không thể hóa giải được. Và ngày 9/7, người biểu tình tràn vào dinh thự và văn phòng của Tổng thống Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ở thủ đô Colombo, buộc 2 vị lãnh đạo này phải hứa hẹn từ chức.

Nhân viên an ninh đứng gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, ngày 16.7.2022, trong bối cảnh đảo quốc Nam Á đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ. Ảnh Tribune India

Khoảng thời gian người biểu chiếm giữ dinh thự và văn phòng của Tổng thống Sri Lanka đã tạo ra những cảnh tượng đáng kinh ngạc, được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội và truyền hình toàn cầu: Người Sri Lanka bình dân khám phá những không gian sang trọng mà trước đó họ chưa bao giờ có thể tiếp cận được.

Trước sức ép của làn sóng biểu tình, ngày 13/7, ông Rajapaksa đã tháo chạy ra nước ngoài, khiến đất nước chìm sâu thêm vào một cuộc khủng hoảng nữa, là khủng hoảng chính trị.

 

Một gói cứu trợ từ IMF sẽ rất quan trọng trong việc ổn định tài chính của Sri Lanka. Nhưng các nhà phê bình cho rằng, đảo quốc Ấn Độ Dương cần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và bất ổn chính trị trước.

Việc ông Gotabaya Rajapaksa tháo chạy ra nước ngoài mà chưa từ chức như đã hứa hẹn đã để lại khoảng trống quyền lực ở đảo quốc này, với việc IMF cho rằng Sri Lanka cần có lãnh đạo để các cuộc đàm phán về hỗ trợ cho vay sớm được nối lại.

Cuối ngày 14/7, đơn từ chức của ông Rajapaksa, được gửi từ Singapore về nước qua email, chính thức được quốc hội Sri Lanka chấp thuận.

Theo hiến pháp Sri Lanka, ông Wickremesinghe, người cũng không được lòng công chúng, được bổ nhiệm làm Tổng thống tạm quyền.

Hình ảnh một người biểu tình Sri Lanka giơ cao lá quốc kỳ trong cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ảnh The Wire

Sau khi nghe tin Tổng thống từ chức, người biểu tình Sri Lanka đã xuống đường ăn mừng vào đầu giờ sáng ngày 15/7, sau nhiều ngày biểu tình phản đối chính phủ và căng thẳng đối đầu với các lực lượng an ninh.

Nhiều người đã tụ tập tại các địa điểm biểu tình chính, bao gồm văn phòng Tổng thống ở Colombo, để ca hát và nhảy múa, và cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy sự lãnh đạo mới.

Ngày 21/7, ông Wickremesinghe, người 6 lần giữ chức Thủ tướng, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Sri Lanka.

Vị chính trị gia kỳ cựu 73 tuổi, sau khi chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu kín của quốc hội hôm 20/7, sẽ thay ông Gotabaya Rajapaksa hoàn thành nốt nhiệm kỳ Tổng thống còn dang dở, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2024.

Các quan chức cho biết, ông Wickremesinghe đang tìm cách thành lập một chính phủ đoàn kết để quản lý tình trạng hỗn loạn hiện tại của đất nước.

Hiện ông đang đối mặt với một nhiệm vụ hết sức khó khăn: Dẫn dắt Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới sẽ là tái cơ cấu các khoản nợ khổng lồ của Sri Lanka.

Các cuộc đàm phán về gói cứu trợ 3 tỷ USD từ IMF đã được tiến hành, nhưng điều này sẽ dẫn tới yêu cầu Sri Lanka phải cơ cấu lại các khoản vay hiện tại từ IMF cũng như các khoản vay khác từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Bất kỳ gói giải cứu nào cũng có khả năng đi kèm với các ràng buộc, bao gồm cả việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắt khe hơn.

“Thực tế là người dân không thể thắt lưng buộc bụng thêm nữa”, ông Ahilan Kadirgamar, nhà kinh tế chính trị tại Đại học Jaffna (Sri Lanka), nói với Đài DW.

“Nhiều người không có khoản dự phòng nào”, ông Kadirgamar nói, đồng thời cho biết thêm rằng gần 2/3 dân số Sri Lanka làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Ông Kadirgamar nghi ngờ tính khả thi của một gói cứu trợ từ IMF, cho biết rằng Colombo sẽ phải vật lộn để tìm kiếm thêm các khoản vay nước ngoài trong tương lai vì chi phí vốn sẽ quá cao đối với một quốc gia vừa vỡ nợ.

Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói chuyện với các phóng viên trong chuyến thăm chùa Gangaramaya ở Colombo, ngày 20.7.2022. Ảnh Virginia News Time

Tỉ lệ lạm phát của Sri Lanka ở mức 54,6% trong tháng 6, một phần do cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, và các nhà kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể làm được rất ít để hạ nhiệt lạm phát trong tương lai gần.

“Sri Lanka chủ yếu phải đối phó với lạm phát do chi phí đẩy, đặc biệt là do giá nhiên liệu cao, do đó, ngân hàng trung ương có thể làm được rất ít để khắc phục điều này”, ông Dimantha Mathew, nhà phân tích tại First Capital Research, cho biết.

Các chuyên gia cho biết, lạm phát ở Sri Lanka có thể đạt đỉnh vào tháng 7, nhưng sẽ tiếp tục dao động quanh mức 50% trong thời gian còn lại của năm.

Nhà kinh tế chính trị tại Đại học Jaffna đã kêu gọi Tổng thống Wickremesinghe sử dụng thu nhập ngoại hối của Sri Lanka - mà ông cho biết lên tới 1,3-1,5 tỷ USD mỗi tháng - để ưu tiên nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men vốn vẫn đang thiếu hụt.

Chính phủ cũng phải tăng chi tiêu thâm hụt để tài trợ tiếp tục các khoản cứu trợ cho người dân, trong bối cảnh mối đe dọa nạn đói đang gia tăng, ông Kadirgamar bổ sung.

Những người biểu tình ở Colombo hò reo sau khi nghe tin ông Gotabaya Rajapaksa từ chức, ngày 14.7.2022. Ảnh Bloomberg

Thực ra, chính quyền cựu Tổng thống Rajapaksa đã cố gắng sửa chữa một số lỗi chính sách gây ra cuộc khủng hoảng, nhưng phần nhiều những nỗ lực khắc phục này có thể phải mất nhiều năm mới giúp thúc đẩy quá trình phục hồi của Sri Lanka.

Ví dụ, việc cắt giảm thuế sâu rộng được công bố vào năm 2019 để thúc đẩy tăng trưởng đã bị đảo ngược vào tháng trước để giúp đáp ứng các điều kiện của gói cứu trợ IMF đề xuất.

Động thái này nghĩa là thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế doanh nghiệp đang được điều chỉnh tăng lên vào thời điểm tồi tệ nhất ở Sri Lanka, và có khả năng sẽ thất bại trong việc thúc đẩy đủ nguồn thu từ thuế trong khi nền kinh tế đang suy thoái.

Tháng 11/2021, chính phủ Sri Lanka dưới thời ông Rajapaksa cũng đã “quay xe” đối với cuộc thử nghiệm lớn về canh tác hữu cơ, chỉ vài tháng sau khi ban bố lệnh cấm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp trên toàn quốc.

“Trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã hủy hoại năng suất mà nông dân đạt được trong nhiều năm”, ông Soumya Bhowmick, cộng sự tại Trung tâm Ngoại giao Kinh tế Mới, thuộc Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) có trụ sở tại Ấn Độ, cho biết. “Vì vậy, việc xây dựng lại ngành nông nghiệp sẽ mất khá nhiều thời gian, và chỉ có thể bắt đầu sau khi họ đã xử lý xong cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng, ở Colombo, Sri Lanka, xe buýt trở thành phương tiện giao thông đáng tin cậy. Nhưng cảnh tượng đông đúc, chen chúc là tất yếu. Ảnh NYT

Du lịch cũng vậy, có thể mất nhiều thời gian để phục hồi. Doanh thu từ du lịch của Sri Lanka đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2018 nhưng đã giảm gần 80% trong thời gian đại dịch.

Trong khi hầu hết các quốc gia châu Á đã chứng kiến sự gia tăng khách du lịch quốc tế gần đây, tình trạng bất ổn dân sự lan rộng và tình trạng gián đoạn nghiêm trọng ở Sri Lanka đã một lần nữa khiến nhiều du khách phải tạm tránh xa “hòn ngọc Ấn Độ Dương”.

Tình trạng thiếu nhiên liệu, giá lương thực toàn cầu tăng cao và cú sốc của mô hình khí hậu thất thường, cộng với những sai lầm chính sách trí mạng và đại dịch coronavirus, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng không dễ tìm ra lối thoát.

Sự sụp đổ về kinh tế và chính trị của Sri Lanka gửi một lời cảnh tỉnh đến các quốc gia khác và làm nổi bật những nguy cơ của nợ công trong thời đại cạnh tranh địa chính trị.

“Hãy xem trường hợp của Sri Lanka như một lời cảnh báo”, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành IMF, cho biết. “Các quốc gia có mức nợ cao và không gian chính sách hạn chế sẽ phải đối mặt với những căng thẳng bổ sung”.

Thực hiện: Minh Đức

Thiết kế: Hoàng Yến

Hình ảnh: Nguồn internet

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng Sri Lanka: Lời trần tình và hồi chuông cảnh tỉnh" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).