Kịch bản nào cho tăng trưởng ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm?

26/07/2023 15:00

Tín dụng và kinh tế tăng trưởng chậm, đi kèm với nợ xấu và rủi ro tăng cao khiến đa phần các dự báo về ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm có phần không khả quan.

Kinh tế và ngành ngân hàng chưa có nhiều đột biến

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, tình hình GDP như hiện tại đang phục hồi, quý 2 có cải thiện so với quý 1 nhưng chưa nhiều. Trong 2 quý còn lại của năm, có thể kỳ vọng tín dụng hay nền kinh tế cải thiện dần nhưng chưa có đột biến và hệ thống ngân hàng cũng vậy.

ngan-hang-1690188051.png

Cơ cấu hoãn, giãn nợ được hỗ trợ. Về bản chất, nợ xấu vẫn như thế. Trên giấy tờ, nợ xấu không cao tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Nếu không được giãn hay hoãn nợ, doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được vốn tín dụng.

Một yếu tố khác là hiện tại tổng cầu đang yếu, cả trong nước và quốc tế nên nhu cầu tín dụng cũng thấp. Kinh tế thế giới hiện tại chưa hẳn là xấu nhưng cũng không quá lạc quan, hiện đang ở trạng thái tăng trưởng chậm, chưa rơi vào suy thoái. Do đó, việc xuất khẩu vẫn sẽ khó khăn, cầu không cải thiện nhiều, hy vọng có thể cải thiện dần từ quý 3.

Bất động sản hiện tại đang gặp khó. Trước tiên, các doanh nghiệp này phải trả xong nợ, sau đó là Chính phủ tháo gỡ pháp lý thì mới có thể khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, còn phải đợi vào cầu, không phải tất cả phân khúc đều phục hồi.

Rủi ro sẽ cao hơn

TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM dự báo trong năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như năm trước. Tuy nhiên, rủi ro năm nay cũng sẽ cao hơn rủi ro năm ngoái.Ngân hàng không mặn mà với việc giãn, hoãn nợ. Theo một dữ liệu thống kê, doanh nghiệp và người dân làm đơn yêu cầu được giãn, hoãn nợ nhưng một số ngân hàng từ chối do không đủ điều kiện, cần đánh giá lại tài sản.

Trên thực tế, một số ngân hàng cũng đã hết room tín dụng nên không có lý do gì để giãn, hoãn nợ; vì nếu giãn, hoãn nợ sẽ gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Trừ những ngân hàng nào nợ xấu cao quá mới cho phép giãn, hoãn nợ để tỷ lệ nợ xấu không vượt quá mức cho phép 3%. Đối với những ngân hàng đã trích lập dự phòng nợ xấu đầy đủ, sẽ không có động cơ để giãn hay hoãn nợ.

Khi lãi suất bắt đầu giảm, thanh khoản các ngân hàng bắt đầu dồi dào sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản ấm lên, vượt qua khó khăn hiện nay và cũng là tín hiệu tốt cho thị trường. Khi bất động sản ấm lên thì các lĩnh vực khác cũng ấm lên. Tuy nhiên, việc thị trường bất động sản hồi phục duy trì được bao lâu cũng là điều khó đoán.

TS. Nguyễn Hữu Huân dẫn ví dụ mỗi lần một chu kỳ bất động sản đóng băng mất khoảng 5 - 6 năm, như khủng hoảng năm 2011 thì đến năm 2016 thị trường bất động sản mới ấm trở lại. Còn giai đoạn hiện nay, với kênh ngân hàng, khó mà bao phủ được áp lực về vốn của thị trường bất động sản và cả kênh trái phiếu. Do đó, nếu giải được bài toán vốn từ kênh ngân hàng và cả kênh trái phiếu thì thị trường bất động sản mới thực sự ấm trở lại.

Tăng trưởng của ngân hàng không khả quan trong 6 tháng tới

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cũng đồng quan điểm khi cho rằng, tình hình tăng trưởng của các ngân hàng có lẽ không khả quan trong 6 tháng tới. Thứ nhất, là nợ xấu đang tăng; thứ hai, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay thấp hơn nhiều so với dự báo, đâu đó khoảng 4% trong khi mục tiêu cho cả năm từ 14%. Do đó, tình hình có vẻ không khả quan như mong muốn.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lại cho rằng, ngành ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi.

Theo ông, từ nay đến cuối năm, khả năng vay nợ sẽ tăng lên do hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng tăng trong tháng 5 - 6. Nếu đà tăng này còn tiếp tục và lượng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quay trở lại sản xuất lớn hơn thì tốc độ tăng vay tín dụng cũng sẽ lớn hơn. Từ đó, lượng vốn vay ngân hàng nhiều sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận ngân hàng.

Hiện nay, nguồn lợi nhuận từ tín dụng đang có tác động rất lớn đến lãi suất ngân hàng nên lãi suất cũng có thể tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nợ xấu sẽ tăng cũng là điều các ngân hàng đã nhìn thấy từ cuối năm ngoái, khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng. Từ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng thương mại trích quỹ dự phòng nhằm dự phòng nợ xấu nên thực tế có thể ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Trước đó, trong báo cáo thị trường đưa ra ngày 13/07, CTCK Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Ngoài ra, lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm lợi nhuận, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024, trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.

Bạn đang đọc bài viết "Kịch bản nào cho tăng trưởng ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).