Đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do các đợt bùng phát tiếp tục diễn ra ở nhiều nền kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, triển vọng kinh tế đang khác biệt đối với các quốc gia phần lớn dựa trên việc họ triển khai tiêm chủng Covid-19 tốt như thế nào. Trong dự báo mới nhất mà IMF vừa công bố hôm 27/7, tổ chức này cho biết triển vọng kinh tế đang được cải thiện đối với các nền kinh tế tiên tiến, nơi gần 40% dân số đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, bất chấp những thách thức từ các biến thể mới của virus corona.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ bị tổn thương hơn trước các đợt đại dịch và suy thoái kinh tế liên quan, IMF cho hay.
Tiếp cận vaccine sớm giúp các nền kinh tế có cơ hội phục hồi tốt hơn. (Ảnh minh họa: EPA)
Trước đó, dù Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, song cảnh báo nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với quá nhiều "sóng gió" do tình trạng thiếu nguồn vaccine ngừa Covid-19 cung cấp cho các nền kinh tế mới nổi, khiến thế giới dễ bị tổn thương trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, nhưng tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các nước đang gia tăng. Theo IMF, mức dự báo mới về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2021, nhưng kinh tế Mỹ được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức 7% trong năm nay, nhờ gói chi tiêu lớn của chính phủ và chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi, còn dự báo tăng trưởng của Ấn Độ bị hạ xuống do nước này đối mặt với số ca nhiễm gia tăng.
Nhờ chương trình tiêm chủng vaccine cho phép mở cửa nền kinh tế, các dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới được nâng lên, trong đó, năm tới là 4,9%.
IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của Canada và Anh lên các mức tương ứng là 6,3% và 7%, của Khu vực sử dụng đồng euro được tăng nhẹ lên 4,6%.
Mức tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ bị hạ xuống 9,5% và thậm chí của Trung Quốc bị hạ 0,3 điểm phần trăm xuống 8,1%.
Mặc dù một số quốc gia thị trường mới nổi như Brazil và Mexico có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay, các nước đang phát triển là nhóm nước đang tụt lại sau và gặp khó khăn trong việc phục hồi về các mức trước đại dịch.
Theo IMF, tiếp cận vaccine đã trở thành vấn đề chính quyết định phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức này nhấn mạnh, ưu tiên cấp bách là cung cấp vaccine đồng đều trên toàn cầu. Các nước phát triển đã tiêm chủng cho gần 40% dân số, trong khi con số này ở các thị trường mới nổi chỉ là 10% và thậm chí là thấp hơn ở các nước thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, IMF cảnh báo mối nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu nếu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Sự phục hồi sẽ không được đảm bảo ngay cả ở những nước mà tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức rất thấp nếu dịch vẫn lây lan ở các nước khác.
Chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF cho rằng, sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao có thể cản trở quá trình phục hồi và khiến GDP toàn cầu thiệt hại 4.500 tỷ USD vào năm 2025.
IMF cũng đang hối thúc kế hoạch chi 50 tỷ USD để kết thúc đại dịch, thông qua phân phối vaccine và giải quyết các nhu cầu cấp bách ở các nước thu nhập thấp.
IMF cho biết nếu không giúp các nước nghèo chống lại Covid-19, nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại tới 4.500 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo, nền kinh tế thế giới có nguy cơ mất 4.500 tỷ USD do các biến thể lây nhiễm cao của Covid-19 lây lan qua các quốc gia nghèo - nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. IMF kêu gọi các quốc gia giàu có hành động khẩn cấp để chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine với các quốc gia đang phát triển, nếu không có nguy cơ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Việc triển khai vaccine nhanh chóng đã cải thiện triển vọng kinh tế ở các nước giàu có, bao gồm cả Vương quốc Anh, trong khi việc thiếu nguồn lực để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng và hỗ trợ mở cửa nền kinh tế của họ đã làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp.
IMF lưu ý, các thị trường tài chính có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn nếu virus được cho là đang lây lan ngoài tầm kiểm soát, hạn chế cho vay và đầu tư, đồng thời hạ thấp tiềm năng tăng trưởng trong nhiều năm.
Chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF phân tích: Nếu đại dịch tồi tệ hơn và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ gây ra tác động kép đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển và gây cản trở sự phục hồi. GDP toàn cầu giảm từ mức đỉnh 87,6 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 84,7 tỷ USD vào năm ngoái, có nghĩa là khoản lỗ 4.500 tỷ USD trong 4 năm sẽ giảm 1,3 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP hàng năm của thế giới.
Theo chuyên gia Gita Gopinath, cần có hành động đa phương để đảm bảo khả năng tiếp cận vắc-xin, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng trên toàn thế giới. Điều này sẽ cứu mạng sống của rất nhiều người, đồng thời ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và thêm hàng nghìn tỷ USD vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đề xuất gần đây nhất của IMF là đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% vào giữa năm 2022 với chi phí khoảng 50 tỷ USD./.