Nga “tung đòn” năng lượng mạnh nhất
Chiến lược kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm buộc các nước châu Âu từ bỏ hỗ trợ cho Ukraine bằng cách hạn chế nguồn cung khí đốt tự nhiên dường như đang bị chững lại trong bối cảnh giá khí đốt giảm và châu Âu đang lên kế hoạch giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1. Ảnh: Reuters
Thành công lâu dài của Nga trong cuộc chiến kinh tế với châu Âu được cả hai bên coi là rất quan trọng trọng việc quyết định kết quả của cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược kinh tế của Nga đang gặp khó khăn giữa bối cảnh Ukraine tiến hành chiến dịch phản công thần tốc trong những tuần gần đây.
Các nước châu Âu cho rằng mục tiêu của Tổng thống Putin là cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên nhằm gây áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu, khiến họ phản đối các lệnh trừng phạt hiện tại đối với Nga.
Wall Street Journal nhận định, Nga chưa chắc sẽ thua trong cuộc chiến kinh tế này. Tuy nhiên, sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các quan chức, chuyên gia năng lượng và nhà kinh tế cho thấy, dù các hành động của Nga sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhưng Moscow có thể sẽ gặp khó khăn và châu Âu vẫn có thể vượt qua mùa đông khi nguồn cung khí đốt giảm. Họ cho rằng khi mùa đông kết thúc, sự ảnh hưởng của Nga đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu sẽ suy giảm.
Tổng thống Putin đã tung “lá bài” năng lượng lớn nhất vào cuối tháng 8 khi dừng chuyển khí đốt tự nhiên vô thời hạn đến châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. “Đây chính là đòn bảy lớn nhất của Tổng thống Putin và ông ấy đã tung ra mọi lá bài của mình”, nhà sử học nghiên cứu về năng lượng Daniel Yergin nói.
Giá xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga đã tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình này dường như đang chững lại khi xuất khẩu khí đốt Nga giảm mạnh và giá dầu giảm. Giá dầu Brent giảm từ hơn 120 USD/thùng vào tháng 6 xuống khoảng 90 USD/thùng, tức là Nga thất thu khoảng 65 USD cho mỗi thùng dầu.
Châu Âu quyết tâm thoát khí đốt Nga
Các nước châu Âu đã thành công trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên bổ sung để thay thế một phần khí đốt của Nga.
Tuần trước, EU đã đưa ra các đề xuất nhằm giảm bớt áp lực lên người tiêu dùng, bao gồm cả việc hạn chế bắt buộc sử dụng điện. Một số chuyên gia năng lượng lo ngại rằng các khoản trợ cấp năng lượng trực tiếp của chính phủ sẽ cản trở nỗ lực hạn chế nhu cầu.
Khi mùa đông đang đến gần, các nước châu Âu sẽ dễ bị tổn thương hơn do thiếu hụt khí đốt. Nếu thời tiết khắc nghiệt hơn bình thường, dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng tăng lên, châu Âu sẽ đối mặt với viễn cảnh khó khăn. Ngoài ra, duy trì sự thống nhất của châu Âu trong suốt mùa đông cũng có thể yêu cầu một số nước phải chia sẻ khí đốt dự trữ với những quốc gia khác.
Trong khi có dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Nga đối với nguồn cung năng lượng của châu Âu đang suy giảm, giá khí đốt và điện, vốn đã tăng sau thông báo khóa van vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1, đã nhanh chóng đảo ngược.
Ngày 16/9, khí đốt bán buôn giao dịch ở mức khoảng 185 euro/MWh. Con số này cao gần gấp 3 lần so với một năm trước, và hơn gấp đôi mức vào đầu tháng 6, khi Nga bắt đầu giảm nguồn cung thông qua Dòng chảy phương Bắc 1.
Bên cạnh đó, giá điện đã giảm một nửa so với khoảng thời gian cao kỷ lục. “Có vẻ tình hình đang ổn định trở lại”, David den Hollander, đồng sáng lập công ty kinh doanh điện năng DC Energy Trading của Hà Lan cho biết.
Các giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga, bao gồm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các quốc gia khác, đang giúp lấp đầy khoảng trống khí đốt do Nga để lại. Kho chứa khí đốt dự trữ dưới lòng đất của châu Âu đã đạt 85% công suất, vượt mục tiêu 80% vào cuối tháng 10.
Simon Quijano-Evans, nhà kinh tế tại Gemcorp Capital LLC, một quỹ đầu tư có trụ sở tại London, cho biết, ngay cả khi nguồn cung khí đốt của Nga ngừng hoàn toàn, Moscow vẫn tiếp tục xuất khẩu khoảng 80 triệu m3 khí đốt mỗi ngày sang EU thông qua Ukraine và đường ống TurkStream. Điều này có thể giúp EU có đủ khí đốt cho mùa đông tới.
Ông Quijano-Evans ước tính mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trung bình của EU từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau vào năm 2018 đến năm 2021 là 256 tỷ m3. Sự khác biệt có thể được tạo nên bằng việc giảm nhiệt độ sưởi ấm xuống một độ C sẽ tiết kiệm 10 tỷ m3.
Bên cạnh việc tìm nguồn cung thay thế trên thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã căng thẳng, một số nước châu Âu nói rằng họ có thể sẽ phải sử dụng nhiều than đá hơn, gia hạn vòng đời của các nhà máy điện hạt nhân và tăng sản lượng năng lượng tái sinh.
“Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn là một rủi ro lớn với nhiều hệ lụy. Châu Âu có một số lựa chọn nguồn cung thay thế và với nhu cầu thấp vào những tháng mùa hè sắp tới, họ không chịu rủi ro cạn kiệt nguồn cung trong năm nay”, nhà phân tích Norbert Rücker tại ngân hàng tư nhân Julius Baer cho biết./.