Kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được Quốc hội thảo luận từ sáng 1/6. |
Một số vị đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn việc các ngân hàng vẫn lãi lớn trong quá trình xử lý nợ xấu, như vậy quá trình xử lý nợ xấu có làm lợi cho ngân hàng hay không?
Nội dung này được phản ánh tại báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.
Vừa hoàn thành ngày 31/5, báo cáo được Tổng thư ký Quốc hội gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ các phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về nội dung trên, cùng với tình hình kinh tế, xã hội, từ sáng 1/6.
Theo báo cáo, tại 19 tổ đại biểu Quốc hội đã có 79 lượt ý kiến phát biểu, không khí thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thi hành Nghị quyết số 42 đã mang lại chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu đạt hơn 70% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017, có hiệu quả khi so sánh với thời điểm chưa ban hành Nghị quyết số 42.
Một số ý kiến nhận xét kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao, kết quả xử lý nợ xấu chưa thật bền vững ở một số lĩnh vực, như: bất động sản, cho vay tiêu dùng vẫn còn nhiều rủi ro.
Có đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để xảy ra nợ xấu, nhất là nợ xấu trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan nhằm ngăn ngừa rủi ro từ sớm, từ xa. Chính phủ cũng cần đánh giá nguyên nhân của nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đến nay còn hơn 6% , Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.
Kết quả thảo luận cũng ghi nhận đề nghị đánh giá rõ hơn về tác động của thực hiện Nghị quyết số 42 đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn cũng như minh bạch hóa thị trường, nhất là cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém.
Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần đánh giá thêm nội dung về “sở hữu chéo” do Nghị quyết 42 được xây dựng vào thời điểm hệ thống các tổ chức tín dụng tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến sở hữu chéo .
Về sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42, theo báo cáo, bên cạnh ý kiến thống nhất còn có ý kiến cho rằng không nên kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42 mà cần nghiên cứu để có sửa đổi tổng thể các hệ thống pháp luật có liên quan.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, các vị đại biểu còn đề nghị xem xét, đánh giá kỹ việc kéo dài Nghị quyết số 42 do còn có nội dung của Nghị quyết chưa phù hợp và còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết triệt để; trường hợp tiếp tục kéo dài có thể không đạt được hiệu quả. nhất là bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi so với 5 năm trước khi ban hành Nghị quyết .
Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động cụ thể đối với việc kéo dài này. Có ý kiến đề nghị chỉ kéo dài Nghị quyết số 42 theo 1 trong 3 cách thức: khắc phục những nội dung không phù hợp, bổ sung nội dung mới phù hợp vào Nghị quyết; ban hành Nghị quyết mới; cần sửa các luật, quy định liên quan.
Một số vị đại biểu đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải có cam kết, lộ trình, giải pháp và gắn với trách nhiệm cụ thể nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết số 42, dự liệu được những vấn đề có thể phát sinh trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng, bảo đảm tính liên tục, lâu dài, hiệu quả trong xử lý nợ xấu.
Có phải ưu ái ngân hàng
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết 42 chưa nghiêm.
Nếu cách đây 3 năm, định hướng sửa Luật Tổ chức tín dụng hoặc ban hành một quy định pháp luật về xử lý nợ xấu thì bây giờ không phải kéo dài Nghị quyết 42. Mà kéo dài toàn bộ nội dung chứ không phải từng nội dung, trong khi có nội dung của Nghị quyết 42 chưa ổn, như ưu tiên thanh toán, việc tự xử lý của tổ chức tín dụng..., đại biểu An nhìn nhận.
Chỉ ra rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 thì các ngân hàng vẫn lãi lớn, đại biểu An băn khoăn vậy có phải thí điểm xử lý nợ xấu là tạo ưu ái cho ngân hàng, trong khi cả nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, cần được chia sẻ.