Làn sóng cắt giảm nhân sự toàn cầu của Shopee bao giờ 'ập' tới Việt Nam?

23/09/2022 09:45

Hiện công ty mẹ của Shopee là Sea Limited đang liên tục cắt giảm nhân sự tại nhiều quốc gia, nhằm hạn chế thua lỗ và thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó, Shopee Việt Nam sau nhiều năm 'đốt tiền' đang buộc phải 'gồng' khoản lỗ hơn 320 triệu USD.

Làn sóng cắt giảm nhân sự toàn cầu của Shopee

Theo tờ Bloomberg, Sea Limited, công ty mẹ của Shopee vừa có thông báo về việc chuẩn bị sa thải 3% nhân viên của sàn thương mại điện tử (TMĐT) này ở Indonesia, trong chiến lược cắt giảm nhân sự nhằm tiết giảm chi phí, hạn chế thua lỗ và thu hút lại các nhà đầu tư.

Công ty có trụ sở tại Singapore cam kết sẽ hỗ trợ các nhân viên bị ảnh hưởng bởi quá trình thay đổi này. Được biết, nhóm nhân sự "đen đủi" chủ yếu đây thuộc các bộ phận marketing và vận hành. Theo thông tin nội bộ, Sea Limited nói rằng tỷ lệ cắt giảm 3% ở Indonesia là phù hợp với tình hình kinh doanh trong khu vực.

Làn sóng cắt giảm nhân sự toàn cầu của Shopee bao giờ 'ập' tới Việt Nam?
Shopee đang cố gắng hạn chế thua lỗ, nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới.

“Những thay đổi này là một phần trong nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Chúng tôi đặt mục tiêu tự cung tự cấp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh”, đại diện Shopee cho biết trong một e-mail không kèm theo giải thích chi tiết.

Trên thực tế, chiến lược sa thải, cắt giảm nhân sự của Shopee đã diễn ra từ giữa năm nay. DealStreetAsia cho biết, quá trình sa thải nhân viên ảnh hưởng đến một số thị trường Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Ngoài mảng TMĐT, mảng thanh toán ShopeePay và giao thực phẩm ShopeeFood cũng đối mặt với quá trình thanh lọc.

Một số nguồn tin chia sẻ thêm Shopee đã ngừng tuyển dụng và hủy bỏ các vị trí mới trúng tuyển. Theo báo cáo của Bloomberg và Reuters, không chỉ dừng ở cấp độ sa thải nhân viên, Shopee cũng có kế hoạch rút khỏi thị trường Argentina và đóng cửa các hoạt động địa phương ở Chile, Colombia và Mexico.

Đầu năm, công ty buộc phải đóng cửa hoạt động tại Ấn Độ và Pháp sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh thất vọng. Theo đó, kết thúc quý II vừa qua, Sea Limited thu về 2,9 tỷ USD doanh thu nhưng lỗ ròng 931 triệu USD, nặng hơn đáng kể số lỗ 433 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng TMĐT và dịch vụ khác có đóng góp nhiều nhất, chiếm 58% tổng doanh thu. Song, chi phí doanh thu thuộc mảng này chiếm tới 72%, chủ yếu do gia tăng chi phí hậu cần.

Shopee thu về 1,7 tỷ USD trong quý II nhưng lỗ hệ số điều chỉnh trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) khoảng 648,1 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ.

Giữa bối cảnh kinh doanh tồi tệ, giá trị vốn hóa của Sea Limited cũng "rơi tự do" sau khi thiết lập mức đỉnh lịch sử vào hồi tháng 10/2021, tới nay đã "bốc hơi" hơn 170 tỷ USD.

Để trấn an các nhà đầu tư, và khơi dậy khát vọng nỗ lực cống hiến cho tập thể nhân viên, CEO Forrest Li tuyên bố ban lãnh đạo cấp cao của Sea sẽ không nhận lương và thắt chặt các chính sách chi tiêu của công ty cho đến khi có thể tự lực về tài chính.

Hiện mục tiêu của công ty trong 12-18 tháng tới là tạo ra dòng tiền dương càng sớm càng tốt. Thậm chí, các công tác phí như vé máy bay, khách sạn, các hóa đơn ăn uống, giải trí trong những chuyến đi cũng sẽ không được công ty hoàn trả.

Shopee Việt Nam đang 'gồng lỗ' hơn 320 triệu USD

Shopee ra mắt thị trường Đông Nam Á vào tháng 6/2015 và một tháng sau đó xuất hiện tại Đài Loan (Trung Quốc). Sau quá trình hoạt động thử nghiệm, Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào ngày 8/8/2016.

Mô hình ban đầu được công ty này áp dụng là C2C Marketplace (trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau). Sau đó, Shopee Việt Nam mở rộng sang mảng B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Nền tảng này hiện đã tính phí với người bán hàng.

Từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, đã nhiều năm Shopee liên tiếp là sàn TMĐT dẫn đầu về lượt truy cập, cũng như thị phần kinh doanh, bỏ xa các đối thủ nội, ngoại là Lazada, Tiki và Sendo.

Làn sóng cắt giảm nhân sự toàn cầu của Shopee bao giờ 'ập' tới Việt Nam?
Shopee Việt Nam cũng đang chịu áp lực lớn về tài chính.

Thống kê của iPrice trong quý IV/2021 cho thấy, Shopee đã đón tiếp khoảng 90 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Lượng truy cập của Tiki, Lazada và Sendo cộng lại thậm chí chưa bằng một nửa lượng truy cập của Shopee. Thương hiệu này cũng chiếm ưu thế trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Instagram.

Nhằm thu hút sự quan tâm lớn của cả người bán hàng và người mua hàng, Shopee Việt Nam sẵn sàng "đốt tiền" một cách không thương tiếc, hàng loạt các ưu đãi, mức chiết khấu rất tốt liên tục ra đời với phương châm "Rẻ vô địch". Nỗ lực này mang về kết quả có thấy ngay được, đó là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Shopee Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2019, doanh thu của Shopee Việt Nam đạt 803,8 tỷ đồng, tăng vọt lên 2.306 tỷ đồng vào năm 2020 và tiếp tục tăng lên 5.695 tỷ đồng năm 2021. Tính ra, mức tăng trưởng lần lượt là 2,86 lần (2020) và 2,46 lần (2021).

Tuy đặc thù của các sàn TMĐT là có biên lãi gộp rất cao, song ngược lại chi phí vận hành, chủ yếu là chi phí bán hàng buộc phải "ngốn" một khoản tiền cực lớn.

Lấy cụ thể năm 2019, chi phí bán hàng của Shopee Việt Nam là 2.568 tỷ đồng, là nguyên nhân dẫn tới khoản lỗ sau thuế 2.411 tỷ đồng của công ty. Tương tự là năm 2020, chi phí bán hàng trong chiều hướng tăng, trèo lên mức 2.922 tỷ đồng, một lần nữa vượt qua doanh thu, khiến lỗ sau thuế 1.609 tỷ đồng.

Tình trạng thua lỗ dần được hạn chế lại, năm 2021 Shopee Việt Nam chứng kiến chi phí bán hàng dừng ở mức 4.919 tỷ đồng, dù tăng so với năm trước, nhưng lần đầu tiên thấp hơn doanh thu thuần (5.695 tỷ đồng). Doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu lỗ, nhưng từ góc độ tích cực thì mức lỗ đã giảm đáng kể chỉ còn 772 tỷ đồng, chưa bằng một nửa năm 2020.

Mặt khác, năm 2021 cũng là năm duy nhất dòng tiền kinh doanh đảo chiều dương 27,6 tỷ đồng, trong khi các năm 2019-2020 lần lượt âm 1.984 tỷ đồng và 1.731 tỷ đồng. Không còn thiếu hụt dòng tiền như giai đoạn trước, Shopee Việt Nam tự tin giảm vay rõ rệt, phản ánh qua giá trị dòng tiền tài chính là 128,9 tỷ đồng, thấp hơn con số 2.274 tỷ đồng của năm 2020, và 2.449 tỷ đồng năm 2019.

Tuy vậy, ở góc độ thực tế hơn, thì Shopee Việt Nam cũng tồn tại nhiều rủi ro tài chính đáng báo động. Trước hết, khoản lỗ lũy kế đến cuối 2021 đã lên đến 7.501 tỷ đồng (trên 320 triệu USD), đánh bay toàn bộ vốn điều lệ 5.266 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu xuống mức âm 2.234 tỷ đồng.

Công ty phải phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngoại sinh, trong đó có 2.333 tỷ đồng là đi vay; 2.526 tỷ đồng là khoản phải trả ngắn hạn khác; và gần 890 tỷ đồng chiếm dụng từ các người bán trong ngắn hạn... Với những gì đang diễn ra ở công ty mẹ, khó có thể đưa ra dự báo khả quan cho Shopee Việt Nam trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết "Làn sóng cắt giảm nhân sự toàn cầu của Shopee bao giờ 'ập' tới Việt Nam?" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).