Trong thời gian gần đây, cổ phiếu ngành dược đang diễn biến tích cực, đi ngược thị trường chung, thậm chí còn lập đỉnh mới.
Cổ phiếu có động lực tăng giá
Nổi bật, cổ phiếu IMP (Dược phẩm Imexpharm) đã có 3 phiên tăng liền, trong đó ghi nhận 2 phiên tăng trần liên tiếp, bắt đầu sau thông tin kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II/2023. Theo đó, lợi nhuận ròng tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong một quý mà doanh nghiệp dược này đạt được kể từ khi hoạt động.
Chốt phiên 20/7, cổ phiếu IMP tăng lên 71.800 đồng/cp - mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Tính từ đầu tháng 4, cổ phiếu này đã tăng khoảng 50% giá trị.
Cũng báo lãi tăng trưởng trong quý II tới 32% so với cùng kỳ, thị giá cổ phiếu DHT (Dược Hà Tây) ghi nhận diễn biến đầy tích cực trong quý II. Theo đó, thị giá DHT tăng mạnh từ vùng dưới 15.000 đồng/cp vào cuối tháng 4 lên đỉnh lịch sử 29.400 đồng/cp vào cuối tháng 6, tương ứng mức tăng 110% chỉ sau 2 tháng. Hiện, giá cổ phiếu này đang có nhịp điều chỉnh và đi ngang tại vùng đỉnh, chốt phiên 20/7 đạt 27.500 đồng/cp.
Hay như cổ phiếu DP3 (Dược phẩm Trung ương 3) cũng ghi nhận chuỗi tăng giá với 2 phiên tăng trần liên tiếp. Trong vài phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu này đã tăng khoảng 40%. Cổ phiếu DP3 tăng giá cả trước và sau ngày giao dịch không hưởng quyền hưởng cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 100:150 là ngày 11/7/2023. Trước đó, trong tháng 3/2023, doanh nghiệp dược này chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 80%, cao hơn mức trung bình giai đoạn 2020 - 2022 (60 - 80%/năm).
Tương tự, cổ phiếu DTG (Dược phẩm Tipharco) cũng diễn biến tích cực sau khi chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 12/7 vừa qua. Ngay trong phiên chào sàn, DTG đã tăng kịch biên độ 30%. Phiên sau đó, giá DTG tiếp tục “tím ngắt” lên mức giá 35.700 đồng/cp.
Nhìn rộng hơn, từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều cổ phiếu dược cũng ghi nhận mức tăng giá từ 30 - 50%, như: DBT (Dược phẩm Bến Tre), DBD (Bidiphar), DMC (Xuất nhập khẩu Y tế Domesco), DHG (Dược Hậu Giang)... Trong đó, mã DHG lập kỷ lục mới về giá.
Nội, ngoại đều ưa thích
Nhìn chung, cổ phiếu ngành dược là nhóm cổ phiếu có sự ổn định cao về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đi cùng tiềm năng khai thác thị trường của sản phẩm còn dồi dào. Cổ phiếu dược phẩm cũng luôn là lựa chọn phòng thủ cho danh mục đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Bởi nhóm cổ phiếu này ít khi giảm sốc như các mã khác trên thị trường. Chỉ khi nào thị trường chung lao dốc kéo dài, cổ phiếu dược mới giảm giá mạnh, nhưng nhìn chung vẫn mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư giá trị.
Ví dụ, thời điểm giá cổ phiếu TRA (Traphaco) rớt xuống quanh mức 50.000 đồng/cp, cổ đông nội bộ lập tức đăng ký mua vào và khi thị trường ổn định trở lại, giá cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi.
Do đó, trên sàn chứng khoán, khá nhiều nhà đầu tư vẫn cần mẫn gom cổ phiếu dược để chờ những câu chuyện riêng như tăng vốn điều lệ, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn nhà nước, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 gây ra tình trạng khan hiếm thuốc.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dược không chỉ trong tầm ngắm của nhà đầu tư trong nước mà còn là tâm điểm của nhiều nhà đầu tư ngoại. Với việc luôn nằm trong tầm ngắm, mỗi khi có cơ hội từ các hoạt động thoái vốn nhà nước hay nới room, cổ đông ngoại vẫn luôn sẵn sàng "chơi lớn" để thâu tóm, qua đó tạo ra thêm động lực thúc đẩy giá cổ phiếu.
Theo thống kê trên sàn HoSE, các doanh nghiệp dược Việt Nam có tỷ lệ sở hữu nước ngoài lớn có thể kể đến Dược Hậu Giang, Domesco, Traphaco, Imexpharm, Pymepharco. Trong đó, Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) hiện đang là công ty mẹ nắm quyền chi phối 51% cổ phần Dược Hậu Giang. “Gã khổng lồ” Abbott cũng đã thâu tóm thành công 52% cổ phần tại DMC thông qua công ty con là CFR International Spa. Tập đoàn STADA Arzneimittel AG (Đức) thậm chí đã mua lại toàn bộ cổ phần PME và huỷ niêm yết cổ phiếu PME vào năm 2021. SK Investment Vina III - thành viên của SK Group (Hàn Quốc) hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 48% cổ phần tại IMP. Tính cả công ty liên quan, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm cổ đông này đã lên đến trên 55%.
Song, yếu tố quan trọng còn tới từ kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội của các doanh nghiệp dược phẩm. Trong bức tranh lợi nhuận quý I có phần không mấy khả quan của các doanh nghiệp niêm yết, nhóm doanh nghiệp dược được đánh giá có phần ngược dòng. Sang đến quý II, dù chỉ lác đác một vài doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh, song nhìn chung vẫn đang nghiêng về hướng tích cực, thậm chí là tăng trưởng mạnh.
Dự báo ngành dược sẽ tăng trưởng tiếp tục ở mức hai con số trong giai đoạn tới và đạt mức 7,7 tỷ USD vào năm sau. Nhu cầu và mức độ chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày càng lớn, trong khi mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thuốc do nguồn cung sản xuất không đáp ứng đủ.
Theo Fitch Solutions, dự báo doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn khoảng 6,72% trong giai đoạn 2022 - 2026 nhờ vào tăng trưởng chi tiêu sức khoẻ của người dân. Do đó, cổ phiếu ngành dược được khuyến nghị đầu tư nhờ tính phòng thủ, ngành nghề kinh doanh ổn định, nhu cầu thiết yếu.
Dù vậy, SSI Research vẫn đưa ra quan điểm thận trọng. Công ty chứng khoán này cho rằng, năm 2023 sẽ khó khăn hơn cho nhóm doanh nghiệp ngành dược.
“Tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế trong năm 2023 và lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp trước khi khá dần lên những quý sau. Dù vậy. doanh thu ngành dược phẩm vẫn được kỳ vọng tăng 8% lên 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023”, SSI Resreach nhận định.