Trái ngược với đà khởi sắc của chứng khoán châu Âu trong phiên ngày thứ Năm, thị trường chứng khoán châu Á phủ kín sắc đỏ trong ngày 26/11 do mối lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất trên thị trường châu Á khi chỉ số Nikkei 225 lao dốc gần 3%.
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất trên thị trường châu Á trong phiên sáng ngày 26/11.
Trong phiên sáng ngày thứ Sáu, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2,69% trong khi chỉ số Topix giảm 2,09%. Cổ phiếu của tập đoàn SoftBank giảm mạnh 5% sau khi Bloomberg tiết lộ rằng giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Didi - tập đoàn Nhật Bản đang nắm giữ nhiều cổ phiếu SoftBank, hủy niêm yết tại thị trường Mỹ.
Tại các thị trường khác đều giảm điểm, trong đó chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản sụt 1,5%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng hạ 1,12%.
Chỉ số ASX 200 của Australia sụt 1,45%. Doanh số bán lẻ của Australia tháng 10 tăng 4,9% so với tháng 9 sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, cao hơn dự báo tăng 2,5%.
Cổ phiếu hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương lao dốc do lo ngại Covid-19. Tại Australia, Qantas Airways giảm 4,73%, Cathay Pacific niêm yết tại Hong Kong giảm 2,7%. Japan Airlines của Nhật Bản giảm 4,29% còn Singapore Airlines của Singapore giảm 1,71%.
Chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên này do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào ngày 26/11 để thảo luận những vấn đề liên quan đến biến thể mới mang tên B.1.1.529 có nhiều protein gai đột biến. Theo WHO, biến thể này đã được phát hiện ở Nam Phi với số lượng nhỏ.
Các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện hơn 30 đột biến trong protein gai của B.1.1.529 - bộ phận mà virus dùng để liên kết với các tế bào người.
Biến thể B.1.1.529 chứa nhiều đột biến liên quan đến việc tăng cường khả năng chống lại kháng thể của cơ thể người, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine và khiến nó dễ lây lan hơn, nhà khoa học Nam Phi Tulio de Oliveira cho biết tại cuộc họp báo hôm 25/11.
Thị trường Trung Quốc giao dịch ảm đạm với chỉ số Shanghai Composite giảm 0,5%, Shenzhen Component giảm 0,2%.
Tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cũng sụt gần 2%. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla, biến thể B.1.1.529 cũng đã được phát hiện ở đặc khu hành chính Hồng Kông.
Thị trường chứng khoán Mỹ nghỉ Lễ Tạ ơn ngày 25/11. Các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung vào diễn biến tại thị trường châu Âu, khu vực đang chứng kiến đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng.
Chốt phiên ngày 25/11, chỉ số STOXX Europe 600 của châu Âu quay đầu tăng gần 0,5%, khi đà leo dốc 1% của cổ phiếu công nghệ giúp bù đắp cho mức giảm của nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí.
Các thị trường chứng khoán châu Âu nhận được lự đẩy từ số liệu cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này trong tuần trước đã giảm 71.000 đơn, xuống còn 199.000 đơn. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/1969.
Các báo cáo khác cũng cho thấy chi tiêu và thu nhập của người tiêu dùng cũng gia tăng. Những số liệu này củng cố niềm tin nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi, song lại gây thêm sức ép đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đối với vấn đề lạm phát./.