Danh hiệu Hoa hậu không chỉ là vinh dự khi đạt được giải cao nhất của cuộc thi sắc đẹp mà còn là giá trị của người đó dành cho cộng đồng, cho xã hội, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, nét đẹp văn hóa. Nếu đạt thành tích cao tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế còn góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước, con người...
Thế nhưng, loạn danh hiệu Hoa hậu hay ra ngõ gặp hoa hậu là những gì được nhiều người nói đến trong thời gian gần đây khi thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tuần, nước ta lại có thêm 1 hoa hậu…
Hoa hậu biển đảo, Hoa hậu đại dương, Hoa hâụ Du lịch biển... không thể phân biệt được các cuộc thi. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nghi vấn mua bán danh hiệu ở các cuộc thi này với giá lên đến tiền tỷ. Loạn danh hiệu Hoa hậu chính là chủ đề của Vấn đề hôm nay ngày 29/7.
NỞ RỘ NHỮNG CUỘC THI NHAN SẮC...
Bên cạnh những cuộc thi uy tín là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, năm 2022 có nhiều cuộc thi mới được quảng bá hoặc mới quay trở lại sau một thời gian dài tạm dừng như: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hiệp quốc Việt Nam…
Chia sẻ về vấn đề này, khách mời của Vấn đề hôm nay ngày 29/7 - TS Bùi Hoài Sơn - trước câu hỏi về việc có quá nhiều các cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam cũng như quan điểm các cuộc thi Hoa hậu cũng góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... ông cho biết: "Là người liên quan đến lĩnh vực này tôi cũng có để ý đến các cuộc thi Hoa hậu. Tuy nhiên, thú thật, tôi cũng không nhớ hết được những cuộc thi này. Tôi chỉ biết là có rất nhiều thôi. Và cũng nhiều người bàn tán xôn xao về câu chuyện này".
"Mỗi người có thể có ý kiến của riêng mình" - ông Bùi Hoài Sơn nói tiếp - "Và bản thân tôi nghĩ rằng có những hạt nhân hợp lý ở trong cách tiếp cận đó. Tuy nhiên, các ý kiến khác cũng có lý do hợp lý khác. Chẳng hạn như nhiều người cho rằng việc có quá nhiều cuộc thi như vậy là không cần thiết. Vì cuộc thi nó phải có mục đích, nó phải tôn vinh một câu chuyện gì đó".
"Cái gì quý thì hiếm" - ông Sơn tiếp tục "Khi mà nó đã quá nhiều, quá phổ biến rồi thì danh hiệu Hoa hậu nó không còn cao quý nữa. Và câu chuyện hệ quả của câu chuyện Hoa hậu này thì chúng ta cũng biết rồi".
Nói về cách xử lý vấn đề khi có quá nhiều cuộc thi Hoa hậu, theo ông Bùi Hoài Sơn không nên dùng đến những biện pháp quá cực đoan.
"Chúng ta phải đi tìm những vấn đề bản chất sâu xa của câu chuyện này để chúng ta xử lý" - TS Bùi Hoài Sơn nói - "Để câu chuyện đó xảy ra, chúng ta phải đi tìm những nguyên nhân, những lý do và từ đó có những giải pháp mang tính tổng thể, phù hợp với bối cảnh chung".
"Nếu chúng ta chỉ xử lý vấn đề mang tính hiện tượng thì hết hiện tượng này sẽ có hiện tượng khác. Hết lách luật ở chỗ này sẽ có lách luật ở chỗ khác. Và như thế là không giải quyết được tận gốc của vấn đề".
LÙM XÙM QUANH NHỮNG CUỘC THI SẮC ĐẸP...
25 cuộc thi hoa hậu trong một năm, "con số này là không nhiều", đây là khẳng định của Cục Nghệ thuật biểu diễn trong cuộc họp báo chiều qua. Theo đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn, năm nay Cục cấp phép mới 14 cuộc thi, các cuộc thi dồn từ năm trước sang, tổng cộng năm nay cả nước sẽ có 22 cuộc thi hoa hậu, như vậy là trung bình một tháng nước ta lại có thêm 2 hoa hậu và từ 2 - 4 Á hậu, cùng hàng chục danh hiệu hoa khác….
TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm của bản thân về thực trạng này: "Thực ra nó cũng có lý do đấy. Các cuộc thi sắc đẹp là một hiện tượng xã hội và đã là hiện tượng xã hội thì nó có những lý do xã hội của nó".