Trước khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 10 (giữa tháng 4/2022), Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thẩm tra cuối tuần qua.
Xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng
Phát sinh nhiều vướng mắc
Theo Bộ Công Thương, Luật Dầu khí được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 6/7/1993. Đây là bước khởi đầu hình thành khung pháp lý cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Luật Dầu khí đã qua 2 lần sửa đổi vào năm 2000 và 2008.
“Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”- Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tại thời điểm hiện tại khi ngành công nghiệp dầu khí đã có sự thay đổi toàn diện, nhiều quy định trong Luật Dầu khí hiện hành không còn phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Cụ thể, các doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) (công ty 100% vốn của PVN) phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó có quy định chưa đồng bộ với Luật Dầu khí về các bước phê duyệt dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khi.
Cụ thể, nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao, đang trong đà suy giảm sản lượng nhanh. Các lô dầu khí mở có tiềm năng hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ, hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu biến động khó lường, nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô dầu khí (thông qua hợp đồng dầu khí) đã được ban hành từ lâu (năm 2005), đến nay, một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế (nhất là những vùng nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh) và chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô, mỏ tận thu dầu khí, cận biên, phi truyền thống...
Vì thế, việc sửa Luật Dầu khí hiện hành, theo Chính phủ, không chỉ nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, mà còn loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Tạo cơ chế hấp dẫn khuyến khích tham gia vào lĩnh vực dầu khí
Theo Bộ Công Thương, lần sửa đổi này đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (giao Chính phủ quy định chi tiết)
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, cụ thể mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% , thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Riêng đối với mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (25%) áp dụng cho hợp đồng dầu khí của lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, để có thể áp dụng được ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực.
Đáng chú ý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ 25% đến 50% và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Bộ Công Thương cho rằng, đề xuất này dựa trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Cụ thể, mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.
Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, với chính sách thuế toàn cầu thì ưu đãi về thuế tại dự thảo luật không còn nhiều lợi thế.
Phải có gói cơ chế ưu đãi đặc biệt theo nhu cầu của nhà đầu tư mà hai bên đều tìm thấy lợi ích chung, ông Hiếu nêu quan điểm.
Thừa nhận ưu đãi thuế không còn nhiều lợi thế như Phan Đức Hiếu phân tích, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, tới đây sẽ nghiên cứu và có bộ ưu đãi khác. Nhưng hiện tại công cụ thuế vẫn còn tác dụng.
Về ý kiến ưu đãi thuế không nên quy định ở luật này, ông Đặng Quyết Tiến nêu, Chính phủ đã cân nhắc kỹ, nhưng trong khi luật về thuế chưa sửa được thì trước mắt cần đưa ưu đãi thuế vào Luật Dầu khí (sửa đổi), nếu không thì không phát huy được quy định này khi ban hành luật.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) bày tỏ, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, việc sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết để từ đó sẽ tạo cơ sở để Petrovietnam thực hiện tốt chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, đảm bảo phát triển bền vững của Tập đoàn, tiếp tục đóng góp cho kinh tế đất nước cũng như thông qua các hoạt động dầu khí sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc gia trên biển…
Luật Dầu khí mới sẽ loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo được hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đã được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉ lý, hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi Chính phủ trình ra Quốc hội.