Nợ thuế kéo dài
Đầu tháng 1/2023, Cục Thuế Tp.HCM đã công bố tình trạng nợ thuế của nhiều doanh nghiệp. Theo đó, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn thành phố đến ngày 30/11/2022 là 43.900 tỷ đồng, tăng thêm 4.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Tập đoàn Hưng Thịnh là một trong những “ông lớn” dẫn đầu danh sách nợ thuế với số nợ khoảng 500 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Hưng Thịnh Land (quận 3) nợ 351 tỷ đồng, Tập đoàn Hưng Thịnh (quận 3) nợ 116 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu tiên “mẹ con” Tập đoàn Hưng Thịnh nợ thuế. Từ cuối năm 2021, Tập đoàn Hưng Thịnh và Hưng Thịnh Land đã ghi nhận hàng trăm tỷ đồng nợ thuế.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, thuế và các khoản phải nộp nhà nước tại Tập đoàn Hưng Thịnh lên đến 589 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 33,4 tỷ đồng hồi cuối năm 2020. Trong đó, thuế nhà đất, tiền thuê đất chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 413 tỷ đồng, chiếm 70,1% tổng số thuế phải nộp. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng (84,1 tỷ đồng) và thuế thu nhập doanh nghiệp (80,4 tỷ đồng).
Tới cuối năm 2022, chỉ tiêu này giảm nhẹ nhưng vẫn rất lớn, đạt 461 tỷ đồng.
Còn tại Hưng Thịnh Land, thuế và các khoản phải nộp nhà nước đạt 491 tỷ đồng. Trong đó, 368,3 tỷ đồng đến từ thuế thu nhập doanh nghiệp, 112 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng,… Bước sang 2022, chỉ tiêu này không những không giảm mà còn tăng lên 566 tỷ đồng.
Vẫn mang ngàn tỷ đồng cho vay
Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu phải thu về cho vay ngắn hạn tại Tập đoàn Hưng Thịnh đạt 1.798 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 1.540 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Số tiền phải thu về cho vay dài hạn tăng từ 1.267 tỷ đồng lên 3.947 tỷ đồng. Trong đó, cho vay các bên không liên quan ghi nhận 842 tỷ đồng (cho vay ngắn hạn) và 629 tỷ đồng (cho vay dài hạn). Còn với các bên liên quan, cho vay ngắn hạn là 956 tỷ đồng, cho vay dài hạn là 3.319 tỷ đồng.
Nợ thuế nhiều nhưng “mẹ con” Hưng Thịnh vẫn “ôm” cả ngàn tỷ đồng cho vay.
Một số bên vay nợ lớn đáng chú ý của Tập đoàn Hưng Thịnh hồi cuối năm 2021 có thể kể đến như Hưng Thịnh Investment (805 tỷ đồng), Hưng Thịnh Quy Nhơn (88 tỷ đồng), Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sông Tiên (200 tỷ đồng), TopenGroup và các công ty liên quan (325 tỷ đồng).
Đặc biệt, Tập đoàn Hưng Thịnh còn dành hàng trăm tỷ đồng cho vay cá nhân. Những người may mắn nhận được tiền từ Tập đoàn Hưng Thịnh là Khải Huy Quân (44,3 tỷ đồng), Trọng Tín (66,6 tỷ đồng).
Trong khi đó, hồi cuối năm 2021, Hưng Thịnh Land cho vay Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Linh Đàm 104 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại NVT Thăng Long 93 tỷ đồng. Tập đoàn Hưng Thịnh vay Hưng Thịnh Land 193 tỷ đồng,… Tới ngày 31/12/2022, phải thu về cho vay ngắn hạn giảm xuống 0 đồng, phải thu cho vay dài hạn đạt 9 tỷ đồng.
Khối nợ "tỷ đô" tăng sốc
Ngoài nợ thuế, Tập đoàn Hưng Thịnh còn chứng kiến nợ nần đang tăng mạnh tại hệ sinh thái.
Trong năm 2022, vốn chủ sở hữu của Hưng Thịnh Land tăng mạnh từ 15.313 tỷ đồng lên 19.481 tỷ đồng. Thế nhưng, nợ đi lên mạnh hơn khi Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,36 lên 2,82. Điều đó có nghĩa nợ phải trả tại Hưng Thịnh Land tăng từ 36.139 tỷ đồng lên 54.936 tỷ đồng (khoảng 2,32 tỷ USD).
Gần một nửa trong số nợ này đến từ trái phiếu. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu hồi cuối năm 2021 là 1,45, rồi giảm xuống 1 hồi cuối năm 2022. Như vậy, dư nợ trái phiếu của Hưng Thịnh Land tại ngày 31/12/2022 là đúng bằng vốn chủ sở hữu (19.481 tỷ đồng).
Hưng Thịnh Investment cũng ghi nhận nợ đi lên mạnh mẽ. Trong khi vốn chủ sở hữu tăng từ 2.838 tỷ đồng lên 3.024 tỷ đồng thì Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,5 lên 3,4. Như vậy, cuối năm 2022, nợ phải trả của Hưng Thịnh Investment đạt 10.584 tỷ đồng, cao vượt trội so với con số 1.419 tỷ đồng cuối năm 2021.
Hồi cuối năm 2022, Hưng Thịnh Incons, một thành viên trong hệ sinh thái Hưng Thịnh ghi nhận vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ 1.521 tỷ đồng xuống 1.464 tỷ đồng nhưng Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lại tăng từ 4,05 lên 5,27. Điều đó có nghĩa nợ phải trả tăng từ 6.160 tỷ đồng lên 7.715 tỷ đồng.
Trong khi khối nợ "tỷ đô" của hệ sinh thái Hưng Thịnh tăng mạnh, các đơn vị lại có lợi nhuận thụt lùi.
Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Hưng Thịnh Land chỉ đạt 137 tỷ đồng, giảm 1.560 tỷ đồng, tương đương 91,9% so với năm 2021. Còn lãi ròng tại Hưng Thịnh Investment và Hưng Thịnh Incons giảm từ 27,5 tỷ đồng xuống 3,3 tỷ đồng và từ 241 tỷ đồng xuống 64 tỷ đồng.