Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Mirae Asset đã có những đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 4 tháng cuối năm 2021.
Theo Mirae Asset, trong tháng 8, các chỉ số kinh tế đã phản ánh rõ nét sự ảnh hưởng của việc dịch bệnh. Cụ thể, xuất khẩu bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kì, hoạt động sản xuất công nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp. Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ và tiêu dùng giảm tốc mạnh nhất trong lịch sử trong khi đầu tư công bị chậm lại. Điểm tích cực là vốn FDI đăng kí trong 8 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng hai chữ số và lạm phát vẫn ở mức ổn định.
Trong kịch bản dịch được kiểm soát trong tháng 9, GDP 2021 của Việt Nam kì vọng đạt 5,9%. Trong kịch bản xấu hơn, dịch được kiểm soát và nền kinh tế hoạt động trở lại trong tháng 10, tăng trưởng GDP kì vọng đạt 5,1%.
Mirae Asset cho rằng khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt tỷ lệ cao, nền kinh tế Việt Nam sẽ dần mở cửa trở lại và các động lực tăng trưởng có thể dần lấy lại đà hồi phục gồm: 1) Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát; 2) Nhu cầu bên ngoài phục hồi giúp xuất khẩu tăng trưởng hai con số và thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước; 3) Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021 và sang 2022.
Mức P/E đang ở vùng định giá hấp dẫn
Về thị trường, chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 vẫn giằng co và chỉ tăng nhẹ 1,6%. Về định giá, kết thúc tháng 8, VN-Index giao dịch ở mức P/E 16 lần, cao hơn gần 10% so với mức trung bình 10 năm và thấp hơn mức trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn 8%, tương ứng mức định giá hiện tại thấp hơn 27% so với đỉnh hồi tháng 4/2018.
Tính từ đầu năm, Việt Nam là một trong các thị trường có tỷ suất sinh lời tốt nhất trên thế giới, với VN-Index tăng gần 21% kể từ đầu năm. Đồng thời, thị trường Việt Nam được định vị ở vùng định giá hợp lý với mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội (16,3%). Ngoài ra, mức EPS cũng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2021, dù triển vọng nửa cuối năm kém lạc quan hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Giao dịch khối ngoại trở lại là điểm trừ khi bán ròng hơn 277 triệu USD (tương đương hơn 7 nghìn tỷ đồng) trong tháng 8. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 1,6 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức bán ròng trong năm 2020.
Tăng trưởng EPS cả năm 2021 đạt khoảng 33%; VN-Index biến động từ 1.200 đến 1.440 điểm trong 4 tháng cuối năm
Triển vọng 4 tháng cuối năm 2021, sau mùa kết quả kinh doanh quý 2, Mirae Asset nhận thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu gia tăng, củng cố mô hình hồi phục hình chữ V kể từ mức đáy quý 2/2020. Một điểm tích cực khác là cả biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận hoạt động đều được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng EPS đã có phần chậm lại so với quý trước đó, đã tăng 75,3% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2021.
Mirae Asset kỳ vọng, kết quả kinh doanh quý 3 sẽ bị tác động tiêu cực và phục hồi trong quý 4 với giả định Chính phủ sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách từ tháng 10. Với giả định lạc quan này, EPS nửa cuối năm được dự báo sẽ tăng gần 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Mirae Asset hạ kỳ vọng cho kịch bản xấu, với mức tăng trưởng EPS 2021 kỳ vọng khoảng 26% nếu thời gian kiểm soát dịch bệnh kéo dài sang quý 4.
Mirae Asset điều chỉnh dự phóng biến động VN-Index trong 4 tháng cuối năm trong khoảng từ 1.200 đến 1.440 điểm. Theo đó, thị trường đã phản ánh phần nào tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này kể từ tháng 7. Tuy nhiên, việc dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp là biến số lớn đối với nền kinh tế, và sẽ tiếp tục phản ánh qua biến động của thị trường trong tháng 9.
Trong kịch bản tiêu cực nhất, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.200 điểm. Còn với kịch bản lạc quan nhất, Mirae Asset kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, và VN-Index có thể hướng đến đỉnh cao mới trong năm 2021 ở mức 1.440 điểm.
Cập nhật triển vọng các ngành, Mirae Asset cho rằng các ngành ngân hàng vẫn là điểm sáng về lợi nhuận trong năm nay khi chất lượng tài sản được kỳ vọng vẫn chưa chuyển biến xấu khi các ngân hàng vẫn được phép tái cơ cấu nợ cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Ngành chứng khoán cũng còn nhiều thuận lợi trong bối cảnh số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng cao và thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, năm 2021 vẫn là một năm tăng trưởng tích cực đối với các công ty trong ngành thép và tôn mạ; nhu cầu hồi phục hậu COVID-19 sẽ tạo lực đỡ cho ngành trong giai đoạn 2022 trở đi. Nhóm thực phẩm, đồ uống với vai trò là mặt hàng thiết yếu là nhóm ngành hưởng lợi trong bối cảnh giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, ngành thủy điện là loại hình hưởng lợi nhất nhờ thủy văn thuận lợi và chi phí thấp của nguồn điện.
Mảng công nghệ thông tin kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số trong nước và xuất khẩu phần mềm tăng trưởng tốt. Trong khi nhóm ngành Bất động sản vẫn đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh tuy nhiên phần chưa cho thuê được trong năm nay dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2022.