Một đại gia sữa bị ngân hàng siết nợ

09/09/2022 21:12

VietinBank vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Dinh dưỡng Dolsure (Dolsure Nutrition).

Toàn bộ dư nợ (nợ gốc, lãi và lãi phạt) của khách hàng Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dolsure tại VietinBank phát sinh từ hợp đồng tín dụng ký ngày 1/2/2018.

Giá đấu giá khởi điểm cho khoản nợ này bằng đúng giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 3/8/2022 là 49,563 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 35,696 tỷ đồng; lãi trong hạn 9,402 tỷ đồng; lãi phạt 4,465 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay của Dolsure Nutrition gồm: Quyền sử dụng 2 lô đất phi nông nghiệp có diện tích lần lượt 73.620 m2 và 43.540 m2 cùng tài sản gắn liền với đất tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, do Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cấp ngày 14/10/2015 cho Công ty Cổ phần DFB Hanco Việt Nam (tên cũ của Dolsure Nutrition).

Được biết, CTCP Dinh dưỡng Dolsure (Dolsure Nutrition) được thành lập năm 2007 do bà Phạm Thị Kim Oanh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Công ty có vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng, chuyên sản xuất, chế biến và phân phối các mặt hàng sữa với các nhãn hàng như:Dollac, Oldlac, Dolsure, Sportmilk, bột dinh dưỡng GABA (Dolnut).

Ngoài ra, bà Oanh còn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Dolsure.

Tại thời điểm 2017, Dolsure Nutrition công bố trở thành một trong 10 doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000:2005.

Nhà máy của Dolsure Nutrition được xây dựng trên diện tích 2 ha tại huyện Củ Chi, TP.HCM, chuyên sản xuất sữa bột và phân phối sản phẩm ra thị trường với công suất nhà máy 5.000 tấn/năm.

Đầu năm 2016, Dolsure nâng cấp nhà máy và đầu tư mới một nhà máy sản xuất sữa infant công nghệ tiên tiến châu Âu, với công suất 23.000 tấn/năm.

Năm 2012, doanh nghiệp này từng chi gần 200 tỷ đồng đầu tư nhà máy bánh kẹo Hancofood gồm 5 dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên không lâu sau đó công ty phải cắt giảm mảng bánh kẹo để tập trung cho sản phẩm sữa các loại.

Trước đó, bà Phạm Thị Kim Oanh khởi nghiệp từ việc trở thành nhà nhập khẩu các nguyên liệu bơ sữa cung cấp cho ngành bánh kẹo và kem từ những năm 1990.

Trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành sữa khá gay gắt, Dolsure chọn thị trường tiêu thụ chính là các vùng nông thôn, chiếm 70% thị phần của doanh nghiệp này. Thậm chí, doanh nghiệp này từng đặt mục tiêu lọt vào top 10 doanh nghiệp dinh dưỡng tốt nhất Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Một đại gia sữa bị ngân hàng siết nợ" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).