Nam Long nợ phải trả gần 7 ngàn tỷ đồng, tồn kho tăng nhanh, tiền mặt giảm ‘sâu’

15/04/2021 18:25

Nam Long đang vay ngắn hạn từ ngân hàng tới 932 tỷ đồng, trong khi đó tiền mặt và các khoản tương đương giảm từ 1.900 tỷ đồng xuống còn 1.000 tỷ đồng. Do đó, gánh nặng chi phí lãi vay và áp lực nghĩa vụ nợ ngắn hạn không hề nhỏ.

090105-ch-tch-hdqt-nam-long-1618485360.jpg

Đại gia Nguyễn Xuân Quang Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long

 

Lợi nhuận giảm, nợ phải trả tăng 2,2 ngàn tỷ đồng

Chỉ còn ít ngày nữa là Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long của đại gia Nguyễn Xuân Quang sẽ công bố báo cáo tài chính Quý I/2021. Tuy nhiên, nhìn lại báo cáo tài chính năm 2020 của Nam Long cho thấy doanh nghiệp này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Tổng tài sản của Nam Long tính đến ngày 31/12/2020 là 13,6 ngàn tỷ đồng (tăng 2,7 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2019). Nếu như năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Nam Long là 1.000 tỷ đồng thì cả năm 2020 giảm xuống còn 850 tỷ đồng.

Tài sản của Nam Long được cơ cấu từ khoản nợ phải trả lên đến 6.922 tỷ đồng (tăng 2,2 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2019). Trong số đó có 931 tỷ đồng là vay ngắn hạn và gần 500 tỷ đồng là dài hạn từ ngân hàng.

Cụ thể, Nam Long hiện đang là “con nợ” ngắn hạn của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 681 tỷ đồng. Để có được khoản vay này, Nam Long phải thế chấp thửa 2479 - 779 -226, tờ bản đồ số 5-6 xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (nơi có dự án Khu đô thị Waterpoint của Nam Long); thế chấp 9.500.000 cổ phiếu của Công ty tại Nam Khang; số nhà 147-149 Trần Trọng Cung, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP. Hồ Chí Minh;

Ngoài ra, từ việc thế chấp quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức (Long An), Nam Long vay ngắn hạn thêm gần 90 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và 70 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered.

Trong đó, đáng chú ý, đến 27/4/2021, Nam Long phải trả 140 tỷ đồng cho OCB; đến tháng 6/2021, Nam Long phải thanh toán gần 90 tỷ đồng cho Vietcombank…

Đối với khoản vay dài hạn, Nam Long đang phải vay 200 tỷ đồng từ OCB; 200 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered và gần 90 tỷ đồng từ HSBC… Để có được những khoản vay dài hạn này, Nam Long phải thế chấp hợp đồng bán dự án và tài khoản tiền gửi, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại dự án Novia (phường Linh Tây, Thủ Đức, TP.HCM);

Ngoài ra, Nam Long đang vay 1.125 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu được Nam Long thế chấp 80.842.459 cổ phiếu Nam Long VCD và quyền sử dụng đất tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, Long An.

Việc vay nợ khiến gánh nặng chi phí lãi vay của Nam Long năm 2020 tăng cao từ 19,7 tỷ đồng (năm 2019) lên con số 53,4 tỷ đồng (năm 2020).

Chuyên gia tài chính cho rằng, việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát. Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất. Nói cách khác, việc tăng sử dụng nợ sẽ làm tăng rủi ro đối với thu nhập và tài sản của doanh nghiệp.

Tiền mặt giảm sâu, gánh nặng các khoản vay ngắn hạn

Đáng lý ra, nếu các khoản vay ngắn hạn của Nam Long đang tăng thì lượng tiền mặt (và các khoản tương đương) phải cao để thanh toán khi cần. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cho thấy “tiền mặt” của Nam Long lại giảm gần 900 tỷ đồng. Nếu năm 2019, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 1.900 tỷ đồng thì cuối năm 2020 chỉ còn hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Đánh giá về việc này, các chuyên gia cho rằng, do nhà đầu tư không phải là người bên trong doanh nghiệp nên thông thường nếu nhìn thấy khoản mục tiền mặt trên bảng cân đối kế toán nhiều bao giờ cũng yên tâm hơn so với các doanh nghiệp có lượng tiền mặt ít hơn. Nhất là khi qua các quý, hoặc qua các năm, lượng tiền mặt tăng lên đều đặn và ổn định, nó là một tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt, đang phát triển rất mạnh. Nhà đầu tư tin rằng, doanh nghiệp dự trữ được nhiều tiền mặt sẽ giúp xử lý một cách dễ dàng nếu các kế hoạch kinh doanh đang xấu đi và nó cũng cho doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong tương lai.

Chỉ số tiền mặt cao còn đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Nếu lượng tiền mặt thấp, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng ko đủ khả năng thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa; các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng, phải trả người lao động…

Rủi ro hàng tồn kho cao?

Trong báo cáo tài chính của Nam Long ghi nhận giá trị tồn kho cuối năm 2020 là hơn 6 ngàn tỷ đồng (tăng 1,8 ngàn tỷ đồng so với đầu năm). Hàng tồn kho của Nam Long chủ yếu nằm tại Dự án Hoàng Nam (Akari) là 2,1 ngàn tỷ (tăng 1,2 ngàn tỷ so với đầu năm; Dự án Paragon Đại Phước là 1,7 ngàn tỷ đồng; Dự án Vàm cỏ đông (Waterpoint) là hơn 1 ngàn tỷ đồng; Dự án Cần Thơ gần 300 tỷ đồng; Dự án Phú Hữu hơn 200 tỷ đồng…).

Thông thường, tỷ trọng hàng tồn kho lớn của doanh nghiệp luôn là mối quan ngại đối với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh thêm của nó hay nói cách khác, nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí dự trữ, chi phí thanh lý hay cải tiến hàng bị lỗi thời và thanh lý hàng hư hỏng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 khó khăn, lượng hàng tồn kho lớn ảnh hưởng đến tính thanh khoản, là cục nợ, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế, thậm chí làm phá sản doanh nghiệp nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền và giảm nợ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng trả lời trên báo chí rằng: Hàng tồn kho nếu là sản phẩm đã đưa ra thị trường nhưng không được mua bán, không giao dịch, không được thị trường chấp nhận. “Cái đáng lo nhất là đối với hàng tồn kho đưa ra thị trường rồi mà thị trường không chấp nhận, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng”, ông Châu phân tích.

Ngay cả sản phẩm bất động sản được bán xong, ghi nhận doanh thu, nhưng do nhà đầu tư thứ cấp mua, không sử dụng, cất trữ tài sản, về mặt sổ sách không còn là hàng tồn kho nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, theo ông Châu, ở góc độ nào cũng phải cảnh báo với con số tồn kho bất động sản tăng cao. Bởi vì, khi doanh nghiệp muốn kinh doanh theo ý của họ nhưng nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư bất động sản không thể nào biết được đó là ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, tồn kho theo kế hoạch hay thực chất là hàng tồn kho không bán được?

Năm nào cũng bị xử phạt, truy thu thuế

Vào tháng 9/2020, Cục Thuế TP HCM ban hành Quyết định số 3262/QĐ-CT xử phạt vi phạm hành chính thuế đối với NLG là hơn 165,5 triệu đồng; truy thu thuế hơn 827,6 triệu đồng; số tiền chậm nộp tiền thuế là hơn 39,5 triệu đồng. Tổng số tiền mà Nam Long bị xử phạt, truy thu thuế lần này là hơn 1 tỷ đồng.

085942-ong-trum-nha-gia-re-bi-xu-phat-va-truy-thu-thue-1-1618485392.jpg

Vào năm 2018, nhiều cư dân tại Chung cư Ehome 3 (đường Hồ Ngọc Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) liên tục có đơn khiếu nại phản về việc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển căn hộ ADC (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long) có biểu hiện vi phạm hợp đồng với khách hàng mua căn hộ tại đây.

Trước đó, đầu năm 2020, Công ty Nam Long đã nhận mức phạt rất lớn với số tiền trên 9 tỷ đồng từ Cục Thuế TP HCM bao gồm tiền kê khai thuế sai, chậm nộp thuế, truy thu thuế năm 2018. Tổng số tiền truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, điều chỉnh giảm thuế GTGT được khấu trừ chuyển kỳ sau qua thanh tra là 9.106.424.076 đồng.

Cuối năm 2019, Cục Thuế TP HCM xử phạt Công ty CP Đầu tư Nam Long vì có hành vi kê khai sai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, trong hồ sơ khai thuế năm 2017- 2018. Với hành vi trên Công ty Nam Long bị phạt vi phạm hành chính về thuế với tổng số tiền là 67,9 triệu đồng. Trong đó, phạt kê khai sai dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng là 65,8 triệu đồng và phạt vi phạm hành chính 2,1 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty còn bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 274 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng 55 triệu đồng. Công ty buộc phải điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào 75,1 triệu đồng; nộp tiền chậm nộp 16,3 triệu đồng (tiền chậm nộp tính đến ngày 29/11). Với tổng số tiến truy thu, tiền chậm nộp và tiền phạt dành cho Nam Long là hơn 413 triệu đồng.

Không chỉ vậy, năm 2018, Nam Long cũng đã có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế. Cụ thể, cuối năm 2018, Cục Thuế TP HCM có quyết định xử phạt vì vi phạm hành chính gần 280 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư Nam Long.

Trong đó, Công ty Nam Long bị xử phạt hành chính hơn 45,2 triệu đồng vi vi phạm trong lĩnh vực thuế và truy thu thuế GTGT hơn 205 triệu đồng, truy thu tiền chậm nộp thuế 29,5 triệu đồng. Đồng thời, Nam Long không được khấu trừ thuế GTGT gần 51 triệu đồng, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh trong tờ khai thuế GTGT của kỳ kế tiếp và điều chỉnh giảm lỗ năm 2017.

Bạn đang đọc bài viết "Nam Long nợ phải trả gần 7 ngàn tỷ đồng, tồn kho tăng nhanh, tiền mặt giảm ‘sâu’" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).