Nga giảm nguồn cung khí đốt đến EU: Chiến dịch của Đức bị 'trật bánh', thế giới ảnh hưởng ra sao?

27/07/2022 08:42

Không chỉ khiến thị trường khí đốt châu Âu rung chuyển, thông tin mới về khí đốt từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đang làm gia tăng cạnh tranh toàn cầu đối với các chuyến hàng vận chuyển nhiên liệu bằng đường biển.

Lưu lượng khí đốt từ Nga sang EU qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống còn khoảng 20% công suất. (Nguồn: AFP)

Ngày 25/7, Gazprom thông báo sẽ cắt giảm lượng khí đốt trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) - đường ống chính dẫn khí đốt đến Liên minh châu Âu - xuống còn khoảng 20% công suất kể từ 7h sáng (theo giờ Moscow) ngày 27/7. Đây là mức giảm một nửa so với mức đã giảm hiện tại.

Cụ thể, lưu lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống 33 triệu m³/ngày. Gazprom sẽ ngừng hoạt động thêm 1 tuabin nữa của đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 để bảo trì.

Không có thông tin về việc cắt giảm sẽ diễn ra trong bao lâu. Đây là một viễn cảnh đáng lo ngại đối với Liên minh châu Âu (EU) khi triển vọng lấp đầy các kho dự trữ khí đốt đang giảm dần.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của lục địa này càng trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Cuộc khủng hoảng có nguy cơ gây ra nỗi đau kinh tế nghiêm trọng cho khối 27 thành viên khi chi phí khí đốt ngày càng tăng cao.

Theo tuyên bố của Gazprom, chỉ có một tuabin chính tại trạm máy nén Portovaya của Nga vẫn trong tình trạng hoạt động. Bình thường, có sáu tuabin hoạt động. Một tuabin đã vướng vào các lệnh trừng phạt quốc tế và hiện đang bị mắc kẹt trên đường trở lại Nga.

Tổng thống Nga đã cảnh báo trước?

Tuần trước, ông Putin đã cảnh báo rằng, lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 có thể tiếp tục giảm, nếu không giải quyết được vấn đề về các tuabin. Theo nhà lãnh đạo Nga, chỉ có hai tuabin tại một trạm nén ở Nga đang hoạt động và một tuabin cần được bảo dưỡng trong tháng này.

Đến ngày 21/7, nguồn tin từ Reuters cho hay, tuabin đã được Canada trả lại và bị kẹt trong quá trình vận chuyển ở Đức do không được cho phép từ phía Nga. Moscow không cung cấp các thủ tục giấy tờ cần thiết để cho phép vận chuyển.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, mặc dù có trục trặc về tuabin, nhưng Nga không có ý định cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Nếu châu Âu tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế một cách tuyệt đối gây ảnh hưởng đến Moscow, thì tình hình có thể thay đổi".

Thị trường khí đốt châu Âu rung chuyển

Thị trường khí đốt của châu Âu đã bị rung chuyển bởi tin tức từ Gazprom, với giá khí đốt chuẩn tăng tới 12%.

Việc Nga cắt giảm thêm lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 có thể đồng nghĩa với việc châu Âu phải cắt giảm thêm tiêu thụ khí đốt, một số ngành công nghiệp giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn các cơ sở.

Nhà tư vấn Wood Mackenzie Ltd. cho biết, nếu dòng chảy của Dòng chảy phương Bắc 1 bị cắt hoàn toàn, khí đốt trong kho của châu Âu có thể cạn kiệt vào cuối tháng 2/2022.

Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết, chính phủ đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ. Theo Bộ này, không có bất cứ lý do kỹ thuật nào dẫn khiến Nga phải cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Bất kỳ sự sụt giảm thêm nào về lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 đều có thể khiến chiến dịch dự trữ khí đốt của Đức bị "trật bánh". Mục tiêu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là đảm bảo kho dự trữ khí đốt ở mức 75% trước ngày 1/9.

Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức đã được chính phủ "ra tay" cứu trợ vào tuần trước. Công ty này sẽ nhận được số tiền lên tới 15 tỷ Euro (15,3 tỷ USD) từ chính phủ sau nhiều tháng Nga cắt giảm nguồn cung và giá khí đốt giao ngay trên thị trường tăng cao khiến công ty này gặp khó khăn.

Claus Niegsch, nhà phân tích tại DZ Bank nhận định: "Vẫn còn chưa chắc chắn về việc liệu giới lãnh đạo Nga có tắt hoàn toàn van khí đốt hay không. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các công ty công nghiệp bởi việc lập kế hoạch cho những tháng tới đang ngày càng trở nên khó khăn".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng yêu cầu tất cả các nước thành viên EU tham gia vào nỗ lực tiết kiệm khí đốt, bất kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga ở mức độ nào.

Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại Bruegel, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nhận định, việc cắt giảm nguồn cung mới nhất từ Nga cho EU thấy mức độ dễ bị tổn thương và tầm quan trọng của việc 27 thành viên phải quyết định nhanh chóng và dứt khoát để tiết kiệm khí đốt.

Một cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên ở Bierwang, Đức. (Nguồn: AP)

Tác động đến toàn cầu

Động thái mới nhất của Nga nhằm cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu đang làm gia tăng sự cạnh tranh toàn cầu đối với các chuyến hàng vận chuyển nhiên liệu bằng đường biển, khiến giá cả tăng cao và gây ra tình trạng thiếu hụt từ châu Á đến Nam Mỹ.

Theo các thương nhân, nhiều công ty tiện ích ở Hàn Quốc và Nhật Bản đang đẩy nhanh kế hoạch mua thêm hàng hóa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho mùa Đông vì lo ngại rằng, châu Âu cũng sẽ tích trữ nguồn cung.

Các nhà giao dịch cho rằng, giá LNG giao ngay tại Bắc Á sẽ tăng lên mức trung bình 40 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022, ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nguồn cung LNG có sẵn trong mùa Đông này đang giảm dần trong bối cảnh nguồn cung từ các cơ sở xuất khẩu ở Australia sang Mỹ bị gián đoạn.

Khí đốt tự nhiên là nhiên liệu quan trọng để sản xuất điện, sưởi ấm và việc tăng giá đe dọa lạm phát cao hơn trên toàn thế giới.

Với mức giá này, người mua ở một số quốc gia mới nổi - chẳng hạn như Pakistan, Bangladesh và Argentina - không thể mua được nhiên liệu giao ngay. Những quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện.

Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới vào năm ngoái hiện đang đứng ngoài thị trường do các hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19 đã kìm hãm nhu cầu đối với nhiên liệu này.

Samantha Dart, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt tự nhiên của Goldman Sachs Group Inc nhận định, nếu các lệnh cấm từ Trung Quốc được dỡ bỏ, nhu cầu LNG của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ nhanh chóng thay đổi và việc vận chuyển nhiên liệu này đến châu Âu sẽ ít hơn.

Bạn đang đọc bài viết "Nga giảm nguồn cung khí đốt đến EU: Chiến dịch của Đức bị 'trật bánh', thế giới ảnh hưởng ra sao?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).