Nga vẫn bơm khí đốt cho châu Âu

05/04/2022 09:12

Tính đến 4/4, Nga vẫn bơm khí đốt qua các tuyến đường ống quan trọng vào châu Âu, dù các điều khoản thanh toán chưa chắc chắn.

Theo Reuters, tính đến 4/4, Nga vẫn bơm khí đốt qua các tuyến đường ống quan trọng vào châu Âu, bất chấp sự chưa chắc chắn trong các điều khoản thanh toán và EU nói sẽ "thắt chặt đáng kể" các biện pháp trừng phạt với Moskva.

Tập đoàn Gazprom Nga nói đang tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua Ukraine theo yêu cầu của người dùng.

Nga vẫn bơm khí đốt cho châu Âu. (Ảnh minh họa)

Theo dữ liệu từ Gascade, khí đốt chảy qua đường ống Yamal-Europe, tại điểm biên giới Mallnow, Đức vào cuối tuần qua ở mức 0. Tuy nhiên, Gazprom đã đặt hàng cho một lượng khí đốt đi hướng Tây qua Yamal vào ngày 4/4 và 5/4, trong khi các yêu cầu cung cấp khí đốt Nga thông qua điểm Velke Kapusany, Slovakia và dòng chảy qua Nord Stream 1 đến Đức vẫn duy trì.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các đơn hàng trong tương lai có tiếp tục được thực hiện hay không, sau khi điện Kremlin yêu cầu người mua khí đốt bắt đầu trả Gazprom bằng đồng rúp.

Việc Ukraine nói phát hiện ra một ngôi mộ tập thể và những thường dân bị bắn chết ở thành phố Bucha, ngoại ô Kiev, sau khi các lực lượng Nga rút lui, đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Nga bác bỏ các cáo buộc sát hại dân thường, tuyên bố các vụ giết người gần Kiev là "dàn dựng" để bôi nhọ nước này.

Hôm 4/4, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói Liên minh châu Âu sẽ "thắt chặt đáng kể" các biện pháp trừng phạt Nga. Bộ trưởng tài chính Christian Lindner trong khi đó khẳng định EU phải hướng tới việc cắt đứt mọi quan hệ kinh tế với Nga, nhưng cho rằng lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng Nga sẽ gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho các nước thành viên EU hơn là cho Nga.

Theo ông, EU phải xem xét riêng khả năng cấm dầu, than hoặc khí đốt, những thứ có thể được thay thế với tốc độ khác nhau.

Cùng ngày 4/4, Đức cũng đặt công ty con của Gazprom tại Đức là Gazprom Germania dưới sự kiểm soát của nhà nước, động thái họ cho là cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn cung tại nước này.

Hội đồng phân tích kinh tế Pháp thì cho rằng áp thuế cao đối với năng lượng nhập khẩu của Nga trên toàn EU có thể hiệu quả hơn lệnh cấm. Theo hội đồng, lệnh cấm năng lượng nhập khẩu Nga hoàn toàn có thể làm giảm tổng thu nhập quốc dân trung bình từ 0,2-0,3%, tương đương 100 euro (110 USD) cho mỗi người trưởng thành.

Italia, quốc gia cũng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, tuyên bố sẽ không phủ quyết các lệnh trừng phạt đối và có đủ dự trữ để từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong vài tháng tới.

Bạn đang đọc bài viết "Nga vẫn bơm khí đốt cho châu Âu" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).