Ngân hàng Nhà nước giải thích lý do siết nhu cầu vay

19/07/2023 09:32

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Trong đó, có yếu tố một số nhu cầu vay của doanh nghiệp.

Có hiệu lực từ 1.9.2023, Thông tư 06 nhằm mục đích đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Theo lý giải từ NHNN, về vấn đề TCTD không được cho vay để gửi tiền, thực tiễn có phát sinh trường hợp TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi học, làm việc ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm.

NHNN từng cảnh báo các TCTD, bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ TCTD. Thông tư 06 nhằm kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính.

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đưa ra một số quy định giới hạn về nhu cầu vay. Ảnh: Hương Nguyễn

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đưa ra một số quy định giới hạn về nhu cầu vay. Ảnh: Hương Nguyễn

Với nhu cầu vay là góp vốn, chuyển nhượng, mua cổ phần, NHNN cho biết, quy định này chỉ áp dụng đối với mục đích thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Đối với mục đích góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty cổ phần niêm yết, TCTD vẫn cho vay theo quy định.

Thuyết minh của NHNN nêu rõ: “Phần vốn góp tại công ty TNHH, công ty hợp danh là vốn điều lệ của công ty trên báo cáo tài chính, do vậy nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty. Đồng thời, thực tiễn thời gian qua cho thấy việc TCTD cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro”.

Bởi lẽ, đây là nhu cầu vốn mà TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp. Đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể che giấu việc sở hữu lẫn nhau.

Mặt khác, nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền từ chủ đầu tư (hoàn trả vốn góp và lợi tức), giá trị khoản vay khá lớn. Khách hàng vay có thể là doanh nghiệp mới thành lập, không có nguồn trả nợ khác, hoặc nếu có thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.

Trên thực tế, bên nhận vốn góp sử dụng khoản vay góp vốn của khách hàng tại TCTD phần lớn để kinh doanh/khai thác vào các dự án. Trong khi đó, các dự án này chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa đủ điều kiện triển khai. Nếu có rủi ro, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ phát sinh nhiều vướng mắc và khó xử lý.

Thông tư 06 sẽ có hiệu lực từ 1.9.2023. Ảnh: SBV

Thông tư 06 sẽ có hiệu lực từ 1.9.2023. Ảnh: SBV

Yếu tố thứ ba, là TCTD chỉ không cho vay đối với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Nếu đủ điều kiện, TCTD tiếp tục xem xét cho khách hàng vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định. Thông tư 06 bổ sung quy định TCTD phải có biện pháp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Yếu tố cuối cùng, là về việc TCTD không được cho vay để bù đắp tài chính. Lý do được đưa ra là do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch.

Dù vậy, vẫn có những nhu cầu chính đáng như vay vốn trung, dài hạn để thực hiện dự án kinh doanh. Đối với trường hợp này, sau khi khoản vay trung dài hạn được phê duyệt, TCTD giải ngân số tiền doanh nghiệp ứng trước vốn đã thực hiện dự án, đồng thời tiếp tục xem xét giải ngân để thực hiện dự án đó nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Quá đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Nhà nước giải thích lý do siết nhu cầu vay" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).