Biến động ở thị trường năng lượng toàn cầu cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất đã dẫn đến mức lạm phát tăng vọt ở nhiều nước. Để chế ngự lạm phát, các ngân hàng trung ương thế giới gấp rút tăng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), chính sách tăng lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đối mặt khủng hoảng tài chính
WB cho rằng, khi các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất để đối phó lạm phát, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023, các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính. Tính từ đầu năm đến nay, FED tăng lãi suất 6 lần, trong đó 4 lần gần nhất đều nâng với mức 0,75 điểm phần trăm trong các cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Theo giới chuyên gia kinh tế, với thị trường tài chính, giá USD tăng do tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ trên thế giới trong tương quan với đồng USD. Về lâu dài, tỷ giá cao giữa USD và đồng nội tệ sẽ làm tăng lạm phát ở các quốc gia khác, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của hộ gia đình và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương là bảo đảm ổn định giá cả. Điều này có nghĩa là ngân hàng trung ương cần kiểm soát cả lạm phát khi giá tăng và giảm phát khi giá giảm. Nhưng lạm phát tăng vọt đã gây ra nhiều thách thức đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ...
Thống kê cho thấy, các ngân hàng trung ương lớn đã thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong năm 2022 để chống lại lạm phát cao trong nhiều thập niên. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cũng sẵn sàng chấp nhận việc thắt chặt sẽ gây ra những tổn thất gồm suy giảm đầu tư, tuyển dụng nhân sự và tiêu dùng trong nền kinh tế.
Tính đến tháng 9 năm nay, các ngân hàng trung ương lớn, giám sát 8 trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã thực hiện tăng mức lãi suất tổng cộng lên 18,5%. Tính đến đầu tháng 10, ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã tăng lãi suất nhiều hơn gấp 2 lần so trong cả năm 2021 nhằm kiểm soát lạm phát.
Sẵn sàng ứng phó
Theo WB, lãi suất tăng quá mức khiến các thị trường tài chính có thể quay đầu trong quý 3-2022. Chủ tịch WB David Malpass lo ngại, xu hướng tăng lãi suất sẽ vẫn tiếp diễn trong năm sau, mang lại hậu quả lâu dài ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Giới chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi cần sẵn sàng ứng phó với những tác động tiềm ẩn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.Việc tăng lãi suất trên diện rộng mà thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới các tổn hại không đáng có cho nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng FED mới là cơ quan đóng vai trò động lực thúc đẩy việc tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu. Do vậy, FED cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.
Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), với mức lãi suất mà FED đã điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay, sản lượng kinh tế của các nước nghèo sẽ “bốc hơi” 360 tỷ USD trong 3 năm và nếu chính sách thắt chặt hơn nữa, thiệt hại sẽ nặng hơn nhiều…