Nghi vấn sai phạm ở Viện Đo lường Việt Nam: Ai 'xóa' hồ sơ kiểm định 3,5 ngàn máy đo nồng độ cồn?

08/06/2022 09:32

Liên quan hồ sơ kiểm định 3.538 máy đo nồng độ cồn bỗng dưng bị biến mất. Vậy, 'tác giả xóa dữ liệu' có phải mỗi ông Thành?

Theo tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ngày 6/6/2022, Đảng ủy chi bộ Viện Đo lường Việt Nam đã tổ chức cuộc họp xem xét sự vụ kiểm định phương tiện đo nồng độ cồn (máy đo nồng độ cồn - PV) của Phòng Đo lường Hóa lý - Mẫu chuẩn. Theo đó, Trưởng phòng Ngô Huy Thành đã thừa nhận khuyết điểm, xin nhận hình thức cảnh cáo. Kết quả phát ra 44 phiếu lấy ý kiến, 41 phiếu đồng ý xử lý kỷ luật Đảng ở hình thức cảnh cáo đối với vị Đảng viên này.

73 đợt mua, 73 hóa đơn khí chuẩn… nhưng duy nhất 01 lần chứng nhận chuẩn

Hồ sơ thu thập cho thấy, trong năm 2015, 2016, Viện Đo lường Việt Nam được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam chứng nhận 3 loại khí chuẩn C2H5OH: 0,04 BrAC; 0,08 BrAC; 0,10 BrAC và đã mua với số lượng 1.264 lít khí chuẩn, với 73 đợt, 73 hóa đơn; từ đó cấp 3.538 Giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn, đo thử nghiệm máy đo nồng độ cồn trong hơi thở.

Trước đó, theo Quyết định số 1025/QĐ-TĐC ngày 13/7/2015 do ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam ký, về việc chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định phương tiện đo, quy định rõ: Viện Đo lường Việt Nam (Số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) chịu trách nhiệm duy trì, bảo quản, sử dụng các chuẩn đo lường theo quy định. Quyết định có hiệu lực hết ngày 30/1/2019.

Báo giá của Viện Đo lường Việt Nam đối với 1 đơn vị khách hàng kiểm định máy đo nồng độ cồn

Trước sự việc hồ sơ kiểm định 3.538 máy đo nồng độ cồn bị biến mất, Lãnh đạo Viện Đo lường Việt Nam đã yêu cầu Phòng Đo lường Hóa lý - Mẫu chuẩn làm rõ định mức sử dụng khí chuẩn để kiểm định, hiệu chuẩn, đo thử nghiệm trên cơ sở đã cấp GCN kiểm định; báo cáo về quá trình đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp; quá trình nghiệm thu kỹ thuật bao gồm văn bản chứng minh nguồn gốc xuất xứ (CO), chất lượng sản phẩm (CQ), giấy chứng nhận chất chuẩn (CRMs); tại sao trong năm 2016, mua nhiều đợt (73 hóa đơn) nhưng chỉ có 01 lần chứng nhận chuẩn?

Ngày 22/6/2021, sau khi nhận được báo cáo của ông Ngô Huy Thành, Trưởng phòng Đo lường Hóa lý - Mẫu chuẩn, Viện Đo lường Việt Nam báo cáo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam: Cho đến nay, Phòng đo lường Hóa lý-Mẫu Chuẩn, đặc biệt là cá nhân ông Ngô Huy Thành, Trưởng phòng chưa nghiêm túc thực hiện báo cáo giải trình theo đúng nội dung yêu cầu của Tổ công tác và Lãnh đạo Viện Đo lường Việt Nam.

Ngày 24/6/2021, Viện đã có Quyết định số 544/QĐ-ĐLVN về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Ngô Huy Thành.

Ngày 19/7/2021, Viện tiếp tục báo cáo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Viện nhận thấy quy trình cấp giấy chứng nhận và sử dụng chất chuẩn liên quan đến việc thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, đo thử nghiệm phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở còn nhiều tồn tại, dẫn đến vi phạm pháp luật về đo lường, ảnh hưởng uy tín đến Viện và Tổng cục. Các cá nhân liên quan thực hiện vi phạm với lỗi cố ý (biết quy trình phải thực hiện nhưng vẫn không tuân thủ), số phương tiện đo được cấp do vi phạm lớn.

Một trong những biên lai thanh toán thể hiện việc mua bán chất chuẩn giữa Viện Đo lường với...1 cửa hàng hóa chất ở Hà Nội

Lãnh đạo Viện đề nghị lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ đạo tiến hành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc sử dụng chất chuẩn để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, đo thử nghiệm máy đo nồng độ cồn trong hơi thở năm 2016 để xem xét, kiếm tra đánh giá và kết luận vụ việc.

Tác giả xóa dữ liệu kiểm định 3.538 máy đo nồng độ cồn: Ông Ngô Huy Thành hay còn ai khác?

Báo cáo số 095/ĐLVN-HLMC ngày 9/5/2021 của Phòng Đo lường Hóa lý - Mẫu chuẩn, do Trưởng phòng Ngô Huy Thành ký nêu rằng: Phòng đã tiến hành làm việc trực tiếp với cán bộ Nguyễn Thu Hiền, người được phân công nhiệm vụ sử dụng máy tính phục vụ công việc chuyên môn, trong đó có việc lưu trữ các dữ liệu (bản mềm và bản scan) và các hồ sơ liên quan đến định mức sử dụng khí chuẩn, quá trình đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp cùng các giấy tờ liên quan vụ 3.538 máy đo nồng độ cồn.

Tuy nhiên, giữa năm 2018, Lãnh đạo Viện Viện Đo lường Việt Nam và Văn phòng đã sang tận Phòng Đo lường Hóa lý - Mẫu chuẩn thu lại bộ máy tính này của bà Hiền, mà không báo trước. Sau khi thu giữ bộ máy tính đến cuối ngày hôm đó, Văn phòng gọi cán bộ Hiền sang trả lại bộ máy tính. Việc này đã được lập biên bản nhưng không ai ký, không rõ lý do.

Hậu quả là sau khi tiếp nhận lại bộ máy tính, bà Hiền kiểm tra thì dữ liệu về kiểm định 3.538 máy đo nồng độ cồn đã bị thất lạc…

Hàng ngàn máy đo nồng độ cồn phân phối đi cả nước có nguy cơ lệch chuẩn, trong khi hồ sơ tại Viện Đo lường Việt Nam đã bị ai đó xóa sạch? Ảnh minh họa

Lúc này, dư luận đặt câu hỏi: Lãnh đạo Viện Viện Đo lường Việt Nam và Văn phòng có “động” gì vào máy tính chứa dữ liệu kiểm định 3.538 máy đo nồng độ cồn của bà Nguyễn Thị Hiền không? Tại sao dữ liệu bị xóa? Động cơ xóa là gì? Ông Ngô Huy Thành đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo có đúng người đúng tội? Còn ai “tiếp tay” cho ông Ngô Huy Thành?...

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Có sự móc ngoặc, lợi ích nhóm?

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Tại sao lại có sự việc xảy ra như vậy? 3.538 ngàn máy đo nồng độ cồn trên, nếu để kiểm định/hiệu chuẩn/đo thử nghiệm thành công cần có hàng chục nghìn lít cồn chuẩn.

Đây rõ ràng là có vấn đề trong việc mua sắm chất chuẩn dùng cho kiểm định máy đo nồng độ cồn trong hơi thở, kiểm tra, kiểm kê, khảo sát chất lượng thiết bị không được thường xuyên, thậm chí bên trong có sự không minh bạch.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: "Dư luận đặt câu hỏi có sự bao che, nể nang, thậm chí có sự móc ngoặc, lợi ích nhóm..." Ảnh tư liệu

“Trường hợp nếu có việc giả mạo giấy tở gây thất thoát ngân sách Nhà nước, trục lợi thì là hành vi vi phạm pháp luật phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự”, ông Phạm Văn Hòa nói.

Vị Đại biểu Quốc hội này cho rằng, Viện Đo lường Việt Nam có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của đơn vị, cá nhân theo quy định; đồng thời, vấn đề này cần được xác minh xem xét và xử lý cá nhân liên quan (nếu có vi phạm quy định kiểm định), để không ảnh hưởng đến uy tín chất lượng cung cấp dịch vụ khoa học đo lường cho khách, liên quan đến đảm bảo tính pháp lý trong công tác phục vụ quản lý Nhà nước về đo lường.

Khi được hỏi tại sao Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng mãi ko xem xét và xử lý vụ việc tại Viện Đo lường Việt Nam, tới ngày 6/6 vừa qua, mới xử lý về mặt Đảng với ông Ngô Huy Thành, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc xử lý cán bộ vi phạm chậm chạp khiến dư luận đặt câu hỏi có sự bao che, nể nang.

“Thậm chí có sự móc ngoặc, lợi ích nhóm”, ông Hòa nhấn mạnh.

Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết "Nghi vấn sai phạm ở Viện Đo lường Việt Nam: Ai 'xóa' hồ sơ kiểm định 3,5 ngàn máy đo nồng độ cồn?" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).