Người dân sống quanh nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất bị “triệt” đường sống, khốn khổ vì ô nhiễm

31/05/2022 11:32

Hàng chục hộ dân ở thôn Tân Hy 2, xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) rơi vào cảnh “khốn khó” khi sống cạnh nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất.

Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang được xây dựng trên diện tích gần 280 ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 85 nghìn tỷ đồng, thu hút 8.000 lao động; dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Trước đó, dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này, toàn bộ dự án đã đi vào hoạt động.

hoa phat 1
Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang được xây dựng trên diện tích gần 280 ha. (Ảnh: Tiến Đạt).

Để thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phải thực hiện di dời sang khu tái định cư mới. Song, đến nay những hộ dân nơi đây vẫn đang phải “sống chung với lũ” chưa biết đi về đâu.

“Triệt” đường sống người dân?

Vào những ngày cuối tháng 3, hàng chục hộ dân sống quanh nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất, thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn đã kéo nhau đến chặn cổng nhà máy. Nguyên do bắt nguồn từ việc các nhà thầu đang thực hiện xây dựng dự án nhà máy thép Hoà Phát (giai đoạn 2), cấm công nhân sử dụng dịch vụ, sinh hoạt, ăn ở, lưu trú tại khu vực tiếp giáp khu liên hợp Hoà Phát.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 đã đi vào hoạt động. Ảnh Tiến Đạt
Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 đã đi vào hoạt động. Ảnh: Tiến Đạt.

Được biết, những hộ dân đang sống quanh khu vực tiếp giáp khu liên hợp Hoà Phát (Quảng Ngãi), phải chịu ảnh hưởng rất lớn về việc ô nhiễm môi trường, khói bụi. Họ buộc phải “sống chung với lũ” vì chưa biết bao giờ được di dời đến khu tái định cư.

Người dân nơi đây mưu sinh chủ yếu là cho thuê trọ, quán ăn, buôn bán tạp hoá phục vụ công nhân khu công nghiệp. Thế nhưng, đến cuối tháng 3/2022, những hộ dân này bất ngờ với thông tin Tập đoàn Hoà Phát yêu cầu, cấm công nhân sinh hoạt, sử dụng dịch vụ tại khu vực này. Kể từ đó, công nhân lưu trú thu dọn đồ áo và bỏ đi ngay trong đêm, hàng quán vắng khách khiến người dân “khốn đốn”.

1653881405ba-pham-thi-thoi-45-tuoi-nguoi-dan-xa-binh-dong-buc-xuc-vi-lam-an-kho-khan-sau-khi-cong-nhan-roi-khoi-thon-di-cho-khac-anh-tien-dat
Bà Phạm Thị Thôi (45 tuổi), người dân xã Bình Đông, bức xúc vì làm ăn khó khăn sau khi công nhân rời khỏi thôn đi chỗ khác. Ảnh: Tiến Đạt.

Cùng cảnh ngộ, bà Trần Thị Lan (74 tuổi) người dân xã Bình Đông cũng gặp cảnh khốn khó khi cuộc sống gia đình bà sinh kế từ việc buôn bán, cho thuê trọ, nay cũng nằm trong cảnh “đìu hiu”. “Họ cho người đi chụp ảnh, ai sử dụng dịch vụ về sẽ bị phạt”, bà Lan nói.

1653881441cac-chu-tro-tai-day-lam-vao-canh-kho-khan-khi-nha-tro-deu-cua-khoa-then-cai-anh-tien-dat
Các chủ trọ tại đây lâm vào cảnh khó khăn khi nhà trọ đều cửa khoá then cài. Ảnh: Tiến Đạt.

Xuất hiện văn bản trái pháp luật?

Được biết, thông tin về việc cấm công nhân sử dụng dịch vụ tại khu vực tiếp giáp khu liên hợp Hoà Phát khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn chủ yếu là truyền miệng với nhau, nhưng cảnh đìu hiu, vắng vẻ không có bóng công nhân ở khu vực này là có thật.

Người dân tụ tập chặn cổng nhà máy Hoà Phát để phản đối việc “ép” công nhân không được sử dụng dịch vụ của họ. (Ảnh Người dân cung cấp).
Người dân tụ tập chặn cổng nhà máy Hoà Phát để phản đối việc “ép” công nhân không được sử dụng dịch vụ của họ. Ảnh: Người dân cung cấp.

Qua tìm hiểu, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn có được văn bản thông báo của Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Bình Sơn, về việc “cấm sử dụng dịch vụ sinh hoạt khu vực tiếp giáp khu liên hợp Hoà Phát”.

Ngày 19/3, Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Bình Sơn ra thông báo số 19-03/2022/TB/BS-BDA về việc “cấm sử dụng dịch vụ sinh hoạt khu vực tiếp giáp khu liên hợp Hoà Phát”.

Doanh nghiệp này căn cứ vào yêu cầu của chủ đầu tư Cổ phần thép Hoà Phát, môi trường xung quanh khu liên hợp Hoà Phát và căn cứ vào yêu cầu của BCH đã yêu cầu cán bộ nhân viên trong công ty không được sử dụng các dịch vụ sinh hoạt và ăn uống, nghỉ dưỡng tại các vị trí bên đường giáp khu liên hiệp Hoà Phát từ cổng số 2 đến cổng số 4 (khu vực HPDQ 1 và HPDQ2). Trong đó có quán cà phê Nhật Hạ gần khu vực láng trại Bình Sơn.

Văn bản mà doanh nghiệp đưa ra và đính chính của chính quyền địa phương. (Ảnh Tiến Đạt).
Văn bản mà doanh nghiệp đưa ra và đính chính của chính quyền địa phương. Ảnh: Tiến Đạt.

Lý do Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Bình Sơn đưa ra trong văn bản: nhằm đảm bảo vệ sinh cảnh quan, môi trường quanh khu liên hợp Hoà Phát.

Cũng theo văn bản này, trường hợp nào không chấp hành, vi phạm sẽ bị xử phạt 5 triệu đồng. Để xác thực thông tin, phóng viên đã liên hệ đại diện Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Bình Sơn nhưng công ty này từ chối làm việc.

Sáng 20/4, trao đổi với phóng viên ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho hay, sau khi xuất hiện tin đồn, người dân khu vực xóm Bàu, thôn Tân Hy 2, đã tập trung đến trước cổng Công ty CP thép Hoà Phát để phản đối. Tuy nhiên, phía địa phương cũng chưa nhận được bất cứ thông báo nào về sự việc nêu trên từ các doanh nghiệp.

Theo ông Đông, phía địa phương đã có cuộc làm việc cùng UBND huyện, Ban quản lý khu kinh tế, Công an cùng đại diện Công ty CP thép Hoà Phát để làm rõ thực hư.

Theo ông này, ngày 27/3, UBND xã Bình Đông có văn bản số 86/UBND về việc “đính chính thông tin liên quan đến thuê nhà của công nhân công ty Hoà Phát tại khu vực dự án Hoà Phát Dung Quất – Giai đoạn 2 xã Bình Đông”.

Nội dung văn bản này: “đến thời điểm hiện tại (26/3) UBND xã chưa tiếp nhận thông tin (bằng văn bản), của Công ty CP Hoà Phát về việc cho chủ trương không cho công nhân  thuê trọ tại khu vực dự án 51 ha – xã Bình Đông”.

“Nay UBND xã Bình Đông xin trân trọng thông báo: mọi công việc liên quan đến giao dịch dân sự liên quan giữa công nhân của Công ty CP Hoà Phát và người dân trong khu vực dự án 51 ha xã Bình Đông vẫn diễn ra bình thường đúng quy định pháp luật hiện hành”.

Người dân xã Bình Đông cho hay: sau khi xuất hiện thông tin về việc của Công ty CP Gang – Thép Hoà Phát Dung Quất, cấm công nhân sử dụng dịch vụ tại địa phương, hàng trăm công nhân đang ở trọ tại khu dân cư này “tức tốc” thu dọn đồ áo bỏ đi vì lo ngại sẽ bị phạt tiền. Được biết, những công nhân nói trên thuộc các công ty (nhà thầu phụ) như Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Bình Sơn… công ty này đang thực hiện một số gói thầu của dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn Hoà Phát).

 

Có dấu hiệu vi phạm quyền công dân

Theo luật sư Lê Thu Hằng, hãng luật TAT Law Firm, liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, thì ngay sau khi nhận được phản ánh từ người dân, cơ quan truyền thông báo chí thì cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần vào cuộc để xác minh làm rõ các hành vi vi phạm nếu có tại khu công nghiệp, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

Quy định pháp luật hiện nay đã có các cơ chế xử lý vi phạm bao gồm xử lý hành chính với các mức phạt tiền khác nhau tùy mức độ vi phạm, đơn vị vi phạm thậm chí có thể bị đình chỉ hoạt động theo quy định tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP qui định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...

Ngoài ra, những đơn vị này còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi hành chính trong lĩnh vực môi trường gây ra; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm  này gây ra...

Liên quan đến hành vi của một công ty ra văn bản cấm cán bộ công nhân sử dụng dịch vụ của các hộ dân gần khu công nghiệp, theo luật sư Lê Thu Hằng, đây là văn bản là trái quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật cư trú… do đó, đơn vị này cần thu hồi hoặc huỷ văn bản này để đảm bảo quyền lợi của các cán bộ, công nhân và những hộ dân kinh doanh dịch vụ kế cận khu công nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Người dân sống quanh nhà máy thép Hoà Phát Dung Quất bị “triệt” đường sống, khốn khổ vì ô nhiễm" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).