Người Việt ngày càng ít dùng tiền mặt

17/01/2023 10:54

Thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng tại Việt Nam, bằng chứng là tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm gần một nửa, từ 12% trong năm 2021 xuống mức 6,56% của năm 2022.

Số liệu vừa được công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) công bố cho thấy, năm 2022, thanh toán điện tử tiếp tục tăng nhanh số lượng giao dịch và giá trị giao dịch thực hiện qua NAPAS tiếp tục tăng tương ứng là 96,5% và 87,3% so với năm 2021.

Năm 2022 tiếp tục ghi nhận tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Tỷ trọng giao dịch thẻ chip thực hiện qua hệ thống NAPAS tiếp tục tăng từ 26% năm 2021 lên đến hơn 60% năm 2022.

Đặc biệt, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR cũng có sự tăng trưởng ấn tượng sau hơn 1 năm ra mắt, thanh toán bằng mã VietQR đã trở thành một trong các hình thức thanh toán phổ biến và được thị trường đón nhận vì sự thuận thiện, đơn giản và chi phí thấp.

thanh-toan-khong-dung-tien-mat-1673923285.jpg
Thanh toán không dùng tiền mặt "phủ sóng" khắp mọi nơi.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, việc tiếp tục giảm tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt so với tổng các giao dịch và tăng về tỷ trọng xử lý thẻ chip VCCS – tiêu chuẩn thẻ chip nội địa được xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2022 là "những con số biết nói".

Trên thực tế, các số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần đây đều cho thấy người dân ngày càng ít dùng tiền mặt, thay vào đó là các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác như chuyển khoản, quét mã QR, cà thẻ, ví điện tử…

Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%. ​

Hiện nay, toàn thị trường có 120 triệu ví điện tử, trong đó 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động. Đáng nói, có đến 3.300 tỉ đồng được người dân duy trì trong ví điện tử để thanh toán.

Tuy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng (kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank) cho biết: "Sự bùng nổ này vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa với nhiều dư địa vẫn còn đang bỏ ngỏ, hơn 90% giao dịch tại đây vẫn là giao dịch tiền mặt và người dân không có ATM để rút tiền khi cần, không có máy chấp nhận thẻ để giao dịch. Không nhiều ngân hàng mạnh tay đầu tư cho hạ tầng chấp nhận thẻ, vì chi phí cao, lợi nhuận biên lại thấp. Hiện dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu dân, nhưng tỷ lệ máy POS, mPOS chỉ có hơn 400.000 máy".

Thực tế, sau một năm thí điểm, Mobile Money hoạt động chưa đạt như kỳ vọng. Bên cạnh nguyên nhân nhiều người dùng còn e ngại, vẫn còn vướng mắc về pháp lý.

Cục Viễn thông đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ đạt 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money. Nhưng sau một năm thử nghiệm Mobile Money, mới chỉ có 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản Mobile Money. Cả 3 đơn vị thí điểm Mobile Money là Viettel, VNPT, MobiFone đã xây dựng được hơn 82.200 điểm giao dịch kinh doanh, kết nối hơn 14.500 đơn vị chấp nhận thẻ. Tổng giá trị Mobile Money cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 15 triệu giao dịch với tổng số gần 950 tỷ đồng.

Vì vậy, để mục tiêu tăng trưởng người dùng Mobile Money đạt mức 3 con số trong năm 2023, tức là sẽ có khoảng 10 triệu thuê bao có thể sử dụng Mobile Money như NHNN đã đề ra, ngoài sự nỗ lực của chính các nhà mạng, còn cần nhiều giải pháp khác.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, vấn đề tiếp theo cần thực hiện để tăng trưởng người dùng Mobile Money là tăng điểm chấp nhận thanh toán, để giao dịch được thuận tiện hơn. Bên cạnh dịch vụ liên thông với tài khoản ngân hàng, nhà mạng cần mở rộng thêm điểm chấp nhận thanh toán, trên cơ sở đó, người dùng mới có thể thanh toán mọi hàng hóa, dịch vụ như tài khoản ngân hàng. Bên cạnh việc liên thông với ngân hàng, NAPAS, thì Mobile Money phải liên thông với các đơn vị cung ứng sản phẩm hàng hóa dịch vụ thương mại thiết yếu.

Đại diện Vụ Thanh toán NHNN nêu một số định hướng, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2023. Đó là, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng...

Bạn đang đọc bài viết "Người Việt ngày càng ít dùng tiền mặt" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).