Nhà đầu tư Mỹ nín thở chờ hai thông tin quan trọng, chuyên gia kỳ vọng dòng tiền đứng ngoài sẽ vào bắt đáy

12/12/2022 10:00

Trong tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đón nhận báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 và tiếp ngay sau đó là kết quả cuộc họp cuối cùng trong năm 2022 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Số liệu lạm phát và quyết định lãi suất sẽ có tác động lớn tới các chỉ số trong tháng 12.

chung-khoan-my-1670811737.png S&P 500 còn kém mức đầu năm 2022 khoảng 17%, khả quan hơn Nasdaq Composite nhưng chưa bằng Dow Jones.

Chỉ số S&P 500 hiện nay đã hồi phục khoảng 10% so với đáy trong tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn 17% so với đầu năm 2022.

Đà tăng của chỉ số khựng lại trong tuần vừa qua (5 – 9/12) khi các số liệu kinh tế khả quan hơn kỳ vọng khiến nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất mạnh hơn dự báo và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để chế ngự lạm phát. Việc Fed thắt chặt tiền tệ nhằm kìm hãm giá cả cũng tiềm ẩn nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Theo Reuters, chiều hướng biến động của cổ phiếu Mỹ trong tương lai gần có thể sẽ phụ thuộc vào báo cáo CPI tháng 11 công bố sáng 13/12. Nhà đầu tư sẽ đánh giá xem lạm phát có hạ nhiệt sau khi Fed thực hiện chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay nhất 4 thập kỷ hay không.

Nếu lạm phát cao hơn dự báo, nhà đầu tư sẽ lo lắng Fed cần thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn và gây áp lực lên thị trường cổ phiếu.

chung-khoan-my-2-1670811779.png S&P 500 đang lùi về sát mốc 3.900 điểm.

Reuters dẫn lời ông Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư tại công ty quản lý tài sản U.S. Bank Wealth Management, nhận định: “Nếu lạm phát cao hơn dự báo hoặc thậm chí là không giảm xuống, thị trường sẽ phản ứng tiêu cực”.

6 báo cáo CPI gần đây nhất đã gây ra những biến động đột ngột trên thị trường chứng khoán Mỹ với chỉ số S&P 500 thay đổi trung bình 3% trong ngày dữ liệu được công bố. Để so sánh, mức biến độ trung bình hàng ngày trong 6 tháng qua chỉ là khoảng 1,2%.

Hôm 13/9, số liệu lạm phát cao hơn dự báo đã châm ngòi cho phiên bán tháo khiến S&P 500 rớt 4,3%. Ngày 10/11, báo cáo CPI khả quan hơn kỳ vọng đã thúc đẩy S&P 500 tăng 5,5% trong một phiên và giúp thị trường kéo dài đợt hồi phục.

Nếu báo cáo ngày 13/12 tới đây thực sự khả quan, nhà đầu tư sẽ càng tin tưởng rằng lạm phát đã đạt đỉnh vào các chỉ số cổ phiếu sẽ có cơ hội đi lên.

Ông David Lefkowitz, Giám đốc phụ trách cổ phiếu Mỹ tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, nhận định: “Thị trường thường biến động rất mạnh quanh ngày công bố báo cáo CPI trong năm nay. Theo tôi, tuần này cũng không phải ngoại lệ”.

chung-khoan-my-3-1670811819.png S&P 500 biến động mạnh trong những ngày công bố số liệu CPI năm 2022.

Sau báo cáo CPI, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ đón nhận tin Fed nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps), chậm hơn so với mức tăng 75 bps trong 4 cuộc họp liên tiếp vừa qua. Do thị trường đã tỏ ra khá chắc chắn về quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp ngày 13 – 14/12 nên sự chú ý sẽ tập trung vào dự báo của các quan chức về mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Một thông tin khác cũng sẽ rất được nhà đầu tư quan tâm là quan điểm của Chủ tịch Fed Jerome Powell về lạm phát và nguy cơ suy thoái. Sau khi kết quả cuộc họp được công bố, ông Powell sẽ trả lời câu hỏi của báo giới về chính sách của Fed cũng như triển vọng kinh tế.

Nhà đầu tư cần chú ý tới thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Gần đây, đường cong lợi suất của Mỹ đã đảo ngược với mức độ nghiêm trọng nhất trong hơn 20 năm, càng làm tăng thêm lo ngại về việc suy thoái đang đến gần.

Chiến lược gia Tom Hainlin tại U.S. Bank Wealth Management cho biết ông đang lo ngại rằng áp lực từ việc lãi suất với các khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp tăng lên vẫn chưa được phản ánh vào dự báo lợi nhuận của các nhà đầu tư.

Hiện nay, U.S. Bank Wealth Management đang đầu tư mạnh vào trái phiếu và chỉ ưu tiên những cổ phiếu thuộc các ngành được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chẳng hạn như tiện ích công cộng hay y tế.

chung-khoan-my-4-1670811862.png Cổ phiếu y tế và tiện ích công cộng thuộc nhóm giảm ít nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Trông chờ vào dòng tiền bắt đáy

Một số chuyên gia tin rằng lượng tiền khổng lồ đang đứng ngoài thị trường và yếu tố biến động theo mùa có thể sẽ thúc đẩy chứng khoán Mỹ phục hồi nếu như lạm phát thấp hơn dự báo hoặc nhà đầu tư lạc quan về thông điệp của Fed.

Các nhà đầu tư trước đây giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng nắm giữ tiền mặt đã cho thấy xu hướng muốn quay lại khi thị trường hồi phục trong những tháng gần đây, giúp khuếch đại biến động tích cực của giá cổ phiếu.

Một khảo sát của Bank of America cho thấy tỷ lệ tiền mặt của các công ty quản lý quỹ trong tháng 11 đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Chỉ số S&P 500 hiện nay thấp hơn 3,6% so với đầu tháng 12. Trong khi đó, thống kê của Stock Trader's Almanac cho thấy chỉ số này tăng trung bình 1,5% trong các tháng 12 kể từ năm 1950 và tháng 12 là tháng có diễn biến tích cực thứ ba trong cả năm.

Ông Walter Todd, Giám đốc đầu tư tại Greenwood Capital, nhận định: “Mọi người, trong đó có chúng tôi, kỳ vọng rằng các yếu tố biến động theo mùa sẽ chi phối thị trường từ nay đến cuối năm nếu thông tin về Fed và CPI không gây bất ngờ quá lớn”.

Bạn đang đọc bài viết "Nhà đầu tư Mỹ nín thở chờ hai thông tin quan trọng, chuyên gia kỳ vọng dòng tiền đứng ngoài sẽ vào bắt đáy" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).