Các dự nhà ở xã hội mới triển khai tại TP.HCM đều có giá không dưới 1 tỷ đồng/căn. Ảnh: Trọng Tín
Không còn nhà ở xã hội giá dưới 1 tỷ đồng
Gần 1.300 căn hộ là số lượng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân vừa được TP.HCM đốc thúc triển khai từ cuối tháng 4/2022, bao gồm dự án nhà ở xã hội nằm trong Khu nhà ở phường Long Trường, TP. Thủ Đức với gần 600 căn (3 block); dự án nhà ở xã hội tại Khu nhà ở Nguyên Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với 242 căn (1 block) và dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II, TP. Thủ Đức với quy mô 360 căn (1 block).
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án nhà lưu trú công nhân, tổng quy mô 11.000 căn hộ trong năm 2022. Trong đó, có 4 dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thực hiện quy mô trên 3.300 căn, 6 dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại với gần 6.000 căn thuộc các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 và TP. Thủ Đức.
“Hiện mỗi mét vuông nhà ở xã hội có giá 20-25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng/căn. Người mua được vay tối đa 900 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả trong 15 năm”, ông Quân thông tin.
Nguồn cung nhà ở xã hội tăng là một tin vui, nhưng có một thực tế là giá nhà không phù hợp với đa số người lao đông phổ thông. Chẳng hạn, tại Khu nhà ở Nguyên Sơn của Tập đoàn Nam Long, có tổng cộng 7 block nhà ở xã hội được quy hoạch, 6 block đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019 với 1.323 căn hộ. Trước đây, mỗi căn hộ tại dự án này được bán với giá từ 600-800 triệu đồng, nhưng 242 căn ở block còn lại có giá bán không dưới 1 tỷ đồng.
Đại diện 1 trong 3 chủ đầu tư dự án trên cho biết, rất vui mừng khi dự án của họ đã được phê duyệt, nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường lúc này với giá phải chăng là rất khó vì các chi phí đầu vào đều tăng cao, đó là chưa kể những chi phí, tổn thất chủ đầu tư phải gánh chịu trong thời gian dài nằm chờ dự án được phê duyệt.
“Một dự án nhà ở xã hội đi xin giấy phép xây dựng phải làm hồ sơ thẩm định nghiên cứu khả thi với nhiều công đoạn, từ phòng cháy chữa cháy đến việc chủ đầu tư làm ăn lời lỗ ra sao... nên thời gian giải quyết thủ tục kéo dài vài năm mới xong. Đến khi được cấp phép thì giá nguyên vật liệu đều tăng khiến chủ đầu tư phải tính toán lại. Muốn phát triển nhà ở xã hội như kế hoạch đề ra thì thủ tục hành chính phải rất đơn giản, chứ còn phức tạp như hiện nay thì còn chậm trễ”, vị đại diện trên thẳng thắn nói.
Cùng góc nhìn, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, do các yếu tố đầu vào của bất động sản đều xu hướng tăng nên doanh nghiệp dù muốn cũng không thể phát triển nhà ở giá rẻ và thủ tục pháp lý dự án phức tạp, kéo dài, thậm chí bế tắc là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá bất động sản tăng cao.
“Giả sử một lô đất có giá 300 tỷ đồng, chỉ cần chậm ra hàng một năm, chủ đầu tư đã mất thêm 10% chi phí lãi vay ngân hàng. Chi phí này sẽ được cộng vào giá bán dự án nên giá nhà khó rẻ”, ông Phúc nói và cho biết thêm, thực tế thời gian qua, đa phần doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đều không hiệu quả, chưa kể việc quyết toán dự án nhà ở xã hội rất khó khăn.
Cần tính phương án thuê mua
Làm việc tại Công ty Daeyoung Electronics Việt Nam đã được 6 năm, nhưng chị Lâm Kiều Thanh, ngụ quận 6 cho biết, thu nhập của hai vợ chồng vẫn chẳng cải thiện là bao, chắt bóp lắm mới đủ cho 2 con ăn học. Hiện cả gia đình 4 người vẫn phải sống trong căn trọ chưa tới 20 m2. Không có tiền tích lũy, chị Thanh không dám nghĩ đến việc mua nhà, cho dù là nhà ở xã hội được mua trả góp.
“Hai năm qua thu nhập không tăng, trong khi giá cả sinh hoạt liên tục đi lên, do đó phải rất tằn tiện mới đủ chi tiêu hàng ngày và việc tích lũy mấy trăm triệu đồng để trả trước khoản mua nhà trả góp là bất khả thi”, chị Thanh bày tỏ.
Thực tế, việc giá nhà ở không ngừng leo thang đang ngày một hạn chế khả năng tiếp cận của số đông người lao động. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trước năm 2019, giá căn hộ bình dân không vượt quá 16 triệu đồng/m2, thì nay đều trên 25 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn.
Trong khi đó, người lao động chỉ có thể để dành khoảng 20-25% thu nhập, tương đương 1,5-1,8 triệu đồng/tháng để mua nhà. Như vậy, để mua một căn hộ giá 1-1,6 tỷ đồng thì thời gian trả góp cần kéo dài hơn so với quy định là trong 15 năm.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, để người lao động phổ thông cũng có thể sở hữu nhà thì cần chính sách hỗ trợ từ cả người sử dụng lao động lẫn các chủ đầu tư dự án bất động sản.
“Về mặt quản lý nhà nước, Sở Xây dựng đang nỗ lực rút ngắn thủ tục pháp lý, đề xuất các cơ quan cấp trên dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội, còn kinh phí từ các đơn vị sử dụng lao động thì chúng tôi cho rằng sự hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là rất quan trọng”, ông Khiết nêu quan điểm.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, một bất cập hiện nay là coi nhà ở dành cho công nhân là một trong những cấu phần của nhà ở xã hội. Như vậy, quy trình thực hiện đầu tư nhà ở cho công nhân không khác gì dự án nhà ở xã hội, trong khi chủ đầu tư xác định làm nhà ở cho công nhân là phục vụ cho chính các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, cũng như cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. Do đó, nếu thủ tục đầu tư không đơn giản thì khó thu hút nhà đầu tư.
Ngoài ra, đất trong khu công nghiệp không phải là đất ở, nên cần xem dự án nhà ở, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân là một dự án dịch vụ thương mại, hạ tầng phục vụ cho sản xuất, như vậy mới có thể triển khai nhanh các dự án nhà ở dành cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM chia sẻ, khảo sát mới đây của Công đoàn Thành phố cho thấy, nhu cầu nhà ở của công nhân là rất lớn. Theo bà Thúy, hiện có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động đang làm việc ở TP.HCM có nhu cầu nhà ở, nhưng chỉ gần 40.000 công nhân được thu xếp sinh sống ở các khu lưu trú, ký túc xá tại các khu công nghiệp, còn lại phần lớn thuê trọ trong những căn phòng diện tích trung bình 14 m2, giá thuê trung bình 1,6 triệu đồng/tháng dành cho 4 người cùng ở.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TP.HCM xác định chỉ làm việc ở thành phố một thời gian, sau đó trở về quê sinh sống, lý do bởi thu nhập của họ còn thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả dần hàng tháng để mua nhà ở xã hội trên thành phố.
“Nhà thuê là một chính sách phù hợp mà chúng ta cần phải tính tới trong phương án làm nhà ở cho công nhân, bởi hiện nay, thu nhập của họ chưa đủ mua để mua nhà. Nếu như có chính sách thuê nhà ở đảm bảo điều kiện về chỗ ở an toàn, sạch đẹp và có trường học, bệnh viện, siêu thị… ở khu vực gần nơi công nhân làm việc thì rất thuận lợi, giúp giảm tải áp lực giao thông, chi phí đi lại…”, bà Thúy nói.