Tòa soạn xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 12/5/2021.
Tiếp tục điều chỉnh
(CTCK Yuanta Việt Nam – FSC)
Thị trường gặp phải áp lực bán mạnh ở vùng giá cao khiến các chỉ số đảo chiều giảm về cuối phiên. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 23.697 tỷ đồng không có nhiều thay đổi so với phiên liền trước.
Diễn biến tương tự các phiên gần đây khi mặc dù tăng điểm nhưng đi kèm với tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” do nhóm vốn hóa lớn suy yếu. Các mã REE (-3,2%), TCB (-2,3%), VRE (-2,4%), HDB (-2,6%) ghi nhận mức giảm trên 2%. Mặc dù vậy, thị trường vẫn được nâng đỡ bởi BID (+1,7%), VPB (+1,1%), STB (+1,1%). Đặc biệt SBT (+5,8%) sau chuỗi phiên giảm mạnh từ cuối tháng 03/2021.
Nhóm Mid-Cap và Penny có diễn biến khá tích cực khi dòng tiền xoay vòng sang 2 nhóm này. DXG (+3%), FLC (+3,1%), ROS (+7%), DIG (+3%), GMD (+2,7%), CII (+5%)… là 1 số mã tiêu biểu ở đà tăng.
Khối ngoại bán ròng hơn 285 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Lượng bán ròng tập trung tại HPG (226 tỷ), NVL (162 tỷ), VIC (57 tỷ). Ở chiều ngược lại, VPB (175 tỷ), MSB (95 tỷ), STB (46 tỷ) dẫn đầu danh sách mua ròng.
Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp với mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index là 1.245 điểm. Đồng thời, dòng tiền có dấu hiệu lan tỏa đều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhưng dòng tiền vẫn còn yếu cho thấy lực cầu vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại ở các nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn còn cao cho nên các vị thế giải ngân mới chỉ nên dành tỷ trọng thấp.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và hạn chế mua ở các nhịp tăng mạnh. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế dùng đòn bẩy trong giai đoạn này do rủi ro thị trường vẫn ở mức cao.
Hình minh họa |
Xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị ảnh hưởng
(CTCK MB - MBS)
Sau phiên tăng mạnh hôm qua, thị trường trong nước đã giảm nhiệt, áp lực chốt lời cùng việc khối ngoại bán ròng đã khiến thị trường suy yếu trong phiên chiều và không thể giữ được thành quả trong cả phiên hôm nay. Trong khi chỉ số VNIndex gặp ngưỡng cản là cận trên của vùng dao động kể từ giữa tháng 4 đến nay thì chỉ số VN30 cũng retest đỉnh cao mới vừa xác lập hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 261 mã tăng/164 mã giảm, ở rổ VN30 có 8 mã tăng, 21 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với giá tṛi khớp lệnh đạt hơn 20.787 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi bán ròng với tổng giá trị gần 330 tỷ đồng.
Phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật đối với cả chỉ số VN-Index và VN30, trong khi VNIndex tiến về cận trên của vùng dao động thì VN30 cũng retest đỉnh cao mới. Với phiên điều chỉnh nhẹ như phiên hôm nay, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị ảnh hưởng, thị trường hoàn toàn có thể xác lập đỉnh cao mới trong các phiên sắp tới, tuy vậy rủi ro lúc này là chứng khoán thế giới có thể điều chỉnh và ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm
(CTCK Asean - Aseansc)
Sau phiên tăng mạnh 10/05, thì việc thị trường chững lại trong phiên giao dịch 11/05 là điều dễ hiểu, nhất là khi nhiều mã cổ phiếu đã cho lợi nhuận đáng kể.
Aseansc dự báo trong phiên 12/05, chỉ số VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định lại hỗ trợ gần tại vùng 1.250 – 1.255 điểm, bao gồm các đường trung bình động ngắn hạn MA3 ngày và MA5 ngày.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày 12/05.
Cần thêm những phiên hấp thụ lượng hàng chốt lời
(CTCK Đông Á - DAS)
Thị trường tiếp tục giao dịch sôi động sau phiên bùng nổ 10/05, thanh khoản thị trường ở mức cao. Tuy nhiên đã xuất hiện áp lực chốt lời trên nhóm cổ phiếu VN30 và nhóm cổ phiếu thép sau những phiên tăng nóng đưa VN-Index tiếp cận kháng cự ngắn hạn 1.268 điểm. Dòng tiền tìm đến những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có kết quả kinh doanh nổi bật trong quý 1/2021. Thị trường cần thêm những phiên hấp thụ lượng hàng chốt lời trước khi quay lại xu hướng tăng trung hạn.
DAS khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi sát diễn biến thị trường trong những phiên tới kể từ 12/05 để có chiến lược giao dịch phù hợp. Trường hợp thị trường thể hiện lực cầu vẫn ổn định thì nắm giữ danh mục và trading T+ để gia tăng lợi nhuận, ngược lại nếu lực cầu tiếp tục suy giảm thì dành sức mua chờ cơ hội giải ngân mới.
Tiếp tục giằng co tại khu vực 1240-1270 điểm
(CTCK BIDV – BSC)
VNIndex duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng áp lực chốt lời gia tăng vào phiên chiều đã khiến chỉ số đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Dòng tiền đầu tư gia tăng với 11/19 nhóm ngành tăng điểm mặc dù khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản không chênh lệch nhiều so với phiên hôm trước.
Theo đánh giá của chúng tôi, VNIndex có thể sẽ tiếp tục giằng co tại khu vực 1240-1270 trong những phiên tiếp theo.
Tiếp tục giằng co và rung lắc
(CTCK Sài Gòn – Hà Nội - SHS)
Thị trường điều chỉnh trở lại trong phiên hôm nay khi mà nhóm trụ cột bị chốt lời từ khoảng 14h cho đến hết phiên. Điều đặc biệt là độ rộng thị trường lại ở mức tích cực khi mà nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ít chịu ảnh hưởng của đợt bán cuối phiên, chỉ có nhóm vốn hoá lớn là điều chỉnh do mức độ tập trung vốn trong giai đoạn gần đây. Rủi ro sẽ gia tăng nhiều hơn nếu dòng tiền rời bỏ nhóm này.
Trên góc nhìn kỹ thuật, do thị trường tiếp tục đóng cửa trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a.
Trong phiên giao dịch tiếp theo 12/5, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc khi mà bên ủng hộ sóng tăng 5 và bên ủng hộ sóng điều chỉnh a gặp nhau tại vùng giá hiện tại.
Nhà đầu tư trung hạn mua vào trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời khi thị trường vượt ngưỡng 1.250 điểm trong giai đoạn trước nên đứng ngoài quan sát thị trường.
Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục và trailing stop theo đường trung bình 20 ngày đã bán ra cũng nên đứng ngoài và tiếp tục quan sát.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.