Nhận định chứng khoán ngày 14/10: Xu hướng tăng điểm của thị trường chung vẫn không thay đổi

13/10/2021 19:54

Sau chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên hôm nay. Dòng tiền tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi cả 2 nhóm này đều vượt đỉnh lịch sử. Theo nhận định, xu hướng tăng điểm của thị trường chung vẫn không thay đổi, việc thanh khoản giảm cũng là tín hiệu tích cực cho thấy áp lực bán không mạnh khi chỉ số tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.400 điểm.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 14/10/2021.

Tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng

(CTCK MB – MBS)

Thị trường điều chỉnh nhẹ sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index có cơ hội lấy lại ngưỡng 1.400 điểm trong phiên hôm nay sau hơn 3 tháng nhưng không thành công do thanh khoản không được duy trì như ở 2 phiên đầu tuần, bên cạnh đó là việc nhóm cổ phiếu bluechips suy yếu.

Dòng tiền tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi cả 2 nhóm này đều vượt đỉnh lịch sử. Xu hướng tăng điểm của thị trường chung vẫn không thay đổi, việc thanh khoản giảm cũng là tín hiệu tích cực cho thấy áp lực bán không mạnh khi chỉ số tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.400 điểm.

Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để gia tăng tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa, năng lượng, chuỗi cung ứng, xuất khẩu,… hoặc nhóm dịch vụ tài chính như chứng khoán, ngân hàng,…

4525-nhan-dinh
Hình minh họa

Chốt lãi một số cổ phiếu đã tăng giá tốt trong thời gian qua

(CTCK BIDV – BSC)

Chốt phiên giao dịch ngày 13/10, VN-Index giảm 2,89 điểm (-0,21%) xuống 1.391,91 điểm. HNX-Index tăng 3,66 điểm (0,97%) lên 379,34 điểm. UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 98,78 điểm.

Kéo chỉ số tăng điểm phiên hôm nay gồm những mã: BCM (+0,51), SSB (+0,42), MWG (+0,34), GVR (+0,32), DCM (+0,30)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm gồm có: VHM (-1,02), MSN (-0,73), TCB (-0,55), GAS (-0,50), PLX (-0,39)…

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 17.504 tỷ đồng, -13,7% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 18.788 tỷ đồng. Biên độ dao động là 11 điểm. Thị trường có 195 mã tăng, 60 mã tham chiếu và 208 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -520.48 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (-149,28 tỷ), SSI (-69,81), VNM (-66,21 tỷ). Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị 9,55 tỷ đồng.

Theo MBS, thị trường giao dịch giằng co trong gần hết phiên giao dịch nhưng đã đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên. Dòng tiền đầu tư co cụm vào một số ngành nhất định khi có 10/19 ngành tăng điểm. Các nhóm đóng góp vào đà tăng điểm của thị trường là: Hóa chất, Ô tô và phụ tùng và Bán lẻ. Thanh khoản thị trường suy giảm và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy đà tăng đã suy yếu. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX và mua ròng tại sàn HNX. Với xu hướng tích lũy trong vùng 1.380-1.400 điểm tiếp tục, BSC khuyến nghị nghị các nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch và có thể cân nhắc chốt lãi một số cổ phiếu đã tăng giá tốt trong thời gian qua.

Xu hướng tăng điểm vẫn được đánh giá cao

(CTCK KB Việt Nam - KBSV)

KBSV đánh giá áp lực điều chỉnh tại quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1.400 điểm sẽ tiếp tục cản trở đà hồi phục của chỉ số trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, cơ hội duy trì xu hướng tăng điểm vẫn đang được đánh giá cao và VN-Index sẽ sớm nhận được lực đỡ tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.380 điểm trong các phiên tới.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ các vị thế trung hạn ở mức trung bình và trải lệnh mua tại từng phần vị thế trading ngắn hạn tại các vùng hỗ trợ.

Tạm thời quan sát trong một vài phiên sắp tới

(CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS)

VCBS nhận định áp lực bán có xu hướng gia tăng trong những phiên gần đây khi mà VN-Index tiệm cận ngưỡng 1.400 điểm. Dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng đã chững lại đà tăng dù vẫn nằm trong xu hướng đi lên cũng cho thấy áp lực điều chỉnh lớn hơn. Mặc dù vậy, các đường trung bình động 50 và 100 ngày (tương ứng vùng điểm 1.345 – 1.350 điểm) tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho chỉ số trong ngắn hạn.

Với việc chỉ số đang tiệm cận ngưỡng kháng cự khá “cứng” là 1.400 điểm, VCBS cho rằng nên cân nhắc tạm thời quan sát trong một vài phiên sắp tới - nhất là những nhà đầu tư đã giải ngân trong các phiên trước - để chờ đợi diễn biến bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự này với sự củng cố của khối lượng giao dịch trước khi tiếp tục giải ngân thêm hoặc chốt lời danh mục.

Bên bán vẫn chưa quyết liệt ra hàng

(CTCK Asean - Aseansc)

Phiên giảm điểm nhẹ 13/10 đã chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp của VN-Index, trong bối cảnh khối lượng giao dịch ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy bên bán vẫn chưa quyết liệt ra hàng, trong khi bên mua đang chờ đợi điểm mua tốt hơn.

Dự báo trong phiên giao dịch 14/10, sự giằng co có thể sẽ diễn ra trong phiên sáng, giữa lực mua tại vùng hỗ trợ gần 1.385 – 1.390 điểm và lực bán tại vùng kháng cự gần 1.395 – 1.400 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Động lực tăng điểm của VN-Index sắp tới được dự báo sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và họ Vingroup, do 2 nhóm này có tỷ lệ ảnh hưởng khá lớn đối với chỉ số, và đều đã có mức điều chỉnh tương đối kể từ vùng đỉnh.

Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện mô hình nến đảo chiều giảm giá ‘Tweezer top’ tại vùng kháng cự 1,395 – 1,400 điểm, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, việc thanh khoản thị trường ở mức thấp hơn trung bình 20 ngày cho thấy độ tin cậy của cây nến này là chưa cao.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhận định chứng khoán ngày 14/10: Xu hướng tăng điểm của thị trường chung vẫn không thay đổi" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).