Các thông tin quảng cáo dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội Facebook.
Xét về một góc độ nào đó, dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng là thoả thuận dân sự giữa người vay tiền và người cho vay tiền miễn sao không vi phạm quy định pháp luật, đạo đức xã hội. Thế nhưng vì sao thời gian qua, một vài nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh bị người dân tố cáo liên quan đến dịch vụ đáo hạn ngân hàng.
CÓ PHẢI LÀ CHO VAY LÃI NẶNG ?
Thật ra, qua tìm hiểu thực tế, không phải khách hàng nào khi vay tiền ngân hàng đến hạn thanh toán đều có tiền trả. Nếu không trả đúng hạn, khách hàng phải chuyển sang nợ xấu, quá hạn… rất khó để vay tiền ngân hàng làm ăn, chính vì vậy, nhiều người trong lúc bí bách đã tìm đến dịch vụ cho vay tiền đáo hạn ngân hàng để vay tiền trả cho ngân hàng đúng hạn, dù biết rằng số tiền lãi khá cao. Chính vì thế, dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng thời gian qua luôn cho đất sống dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng bức xúc do tiền lãi quá cao.
Trong vai một khách hàng cần tiền cho vay đáo hạn ngân hàng, người viết đã liên hệ với một người cho vay đáo hạn hỏi vay 500 triệu đồng, lý do tuần sau tới đáo hạn ngân hàng. Người này hỏi cặn kẽ vay chi nhánh ngân hàng nào, tới ngày nào đáo hạn... Cuối cùng người này gút lại, nếu vay tiền đáo hạn ngân hàng thì phải chấp nhận lãi suất 5.000đồng/1.000.000đồng/ngày.
Thời gian tính lãi cụ thể là bắt đầu từ khi người vay làm giấy tờ mượn nợ đến khi nào được ngân hàng cho vay lại. Nếu đồng ý mức lãi trên thì người vay mang theo giấy chứng nhận QSDĐ phô tô, cùng hợp đồng thuế chấp tài sản mà ngân hàng giao cho khách hàng để người này coi rồi mới cho vay tiền.
Hầu hết, qua các số điện thoại quảng cáo về “dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng” trên mạng xã hội mà người viết liên hệ đều cho biết, số tiền lãi cho vay với mức 1.000.000 đồng lãi 5.000 đồng/ngày, cứ vay số tiền bao nhiêu thì cộng số tiền lãi lên bấy nhiêu.
Tuy nhiên, khi người viết đề cập đến việc có thể giúp đáo hạn nhanh hay không, các chủ cho vay đáo hạn đều cho rằng cái đó còn tuỳ thuộc vào chi nhánh ngân hàng xét duyệt hồ sơ chứ họ không biết được. Nếu như vậy thì thời gian vay lại càng lâu, số tiền mà người vay phải trả lãi cho việc vay tiền đáo hạn ngân hàng không hề ít.
Mới đây, khoảng tháng 3 tại thị xã Trảng Bàng, nhiều người bàn tán xôn xao về việc 1 nhân viên tín dụng một phòng giao dịch ngân hàng thương mại bỏ trốn với số tiền mượn nợ của người dân đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có người cho nhân viên ngân hàng này vay với lý do nhân viên này mượn tiền để cho khách hàng đáo hạn ngân hàng (?!). Hiện được biết vụ việc đang được cơ quan có thẩm quyền thị xã Trảng Bàng xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Cách đây vài năm, một nhân viên của một phòng giao dịch ngân hàng thương mại bị khởi tố hình sự do liên quan đến việc mượn tiền để cho khách hàng vay đáo hạn ngân hàng, đến khi bể nợ, số tiền mà nhân viên này nợ cũng vài chục tỷ đồng.
Do đó, dư luận được quyền nghi ngờ, có hay không sự móc nối giữa nhân viên tín dụng của các tổ chức tín dụng với các đối tượng cho vay tiền đáo hạn ngân hàng? Nếu không có “mối quan hệ” thân thiết qua các việc làm ăn, làm sao để một nhân viên tín dụng ngân hàng với mức thu nhập dù được đánh giá cao so với mặt bằng xã hội nhưng có thể vay tiền của nhiều người với số tiền đến hàng chục tỷ đồng, có người mạnh tay cho vay đến gần 20 tỷ đồng.
các thông tin quảng cáo dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội Facebook.
QUAN TRỌNG VẪN LÀ ĐẠO ĐỨC CỦA NHÂN VIÊN
Một giám đốc ngân hàng cổ phần thương mại có chi nhánh ở tỉnh cho biết, hầu hết các ngân hàng đều có quy định rất chặt chẽ về đạo đức kinh doanh đối với nhân viên, trong đó có vấn đề liên quan đến đáo hạn ngân hàng. Nếu nhân viên nào cố tình vi phạm sẽ bị buộc thôi việc. Đồng thời trong các cuộc họp giao ban, chi nhánh ngân hàng đều thường xuyên nhắc nhở điều tối kỵ này cho các nhân viên ngân hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đều có các quy định ràng buộc về trách nhiệm quản lý của các tổ trưởng, các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch để tạo ra cơ chế chéo quản lý nhau trong hoạt động với các chế tài nghiêm. Nếu nhân viên phòng giao dịch hay chi nhánh nào đó liên quan đến việc dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng, ngoài nhân viên đó bị buộc thôi việc, giám đốc phòng giao dịch cũng bị cách chức, các nhân viên cùng phòng giao dịch hay chi nhánh có liên quan đến hồ sơ đều bị cắt thi đua.
Có nghĩa là nếu “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” để các nhân viên có sự giám sát lẫn nhau, phát hiện kịp thời nhân viên vi phạm. Thế nhưng, đó chỉ là những chế tài mà các ngân hàng quy định về đạo đức kinh doanh của nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là đạo đức của từng nhân viên, bởi ngân hàng chỉ quản lý về con người khi làm việc tại trụ sở, còn các mối quan hệ bên ngoài như thế nào rất khó để quản lý. Song song đó, hiện nay, có một số đối tượng lợi dụng vào các thông tin quảng cáo mà các ngân hàng thương mại quảng cáo về các chương trình tín dụng cho vay… để lợi dụng hoạt động cho vay đáo hạn ngân hàng.
Ông Nguyễn Xuân Hiền– Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh cho biết, vấn đề nhân viên tín dụng của các tổ chức tín dụng trong tỉnh liên quan đến dịch vụ đáo hạn ngân hàng luôn được Ngân hàng Nhà nước quan tâm, nhắc nhở thường xuyên trong các cuộc họp giao ban với các lãnh đạo của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.
Tuy nhiên, việc quản lý về mặt đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên ngân hàng là vấn đề rất nan giải. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh sẽ quán triệt sâu sắc vấn đề này đối với các tổ chức tín dụng trong tỉnh nhằm hạn chế trường hợp nhân viên các tổ chức tín dụng “bắt tay” với đối tượng cho vay đáo hạn ngân hàng.
Vấn đề mà dư luận quan tâm đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ, việc các nhân viên ngân hàng bị người dân thưa kiện nợ liên quan đến đáo hạn ngân hàng có sự “bắt tay” giữa nhân viên ngân hàng và đối tượng cho vay đáo hạn ngân hàng chuyên nghiệp không? Với số tiền lãi cao như vậy, liệu có phải vi phạm pháp luật về hành vi cho vay lãi nặng hay không?
Bên cạnh đó, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều khách hàng làm ăn rất khó khăn. Do đó, việc các ngân hàng thương mại cần có những chính sách hỗ trợ như kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất là cần thiết cho khách hàng để giúp họ tránh vướng vào các dịch vụ đáo hạn ngân hàng với mức lãi suất khá cao.