Ngoài ra, có lẽ VN-Index được đỡ nhờ 1 vài Large Cap như VIC, VCB hay NVL, bởi dù có cùng những mã này trong rổ tính toán, nhưng chỉ số nhóm VN30 chỉ tăng chưa đến 2 điểm. Nhóm VN30 có đến 13 cổ phiếu giảm giá vào cuối phiên chiều, tăng gần như gấp 2 lần so với cuối phiên sáng (7 mã). Ngược lại, chỉ có 13 mã tăng vào cuối phiên chiều, trong đó có những mã vốn hóa cực lớn như VIC, VHM, NVl, VCB, SAB, VNM… Không ít trong số những cái tên này còn giảm giá hoặc lình xình trong phiên sáng, nhưng đã được kéo mạnh trong phiên chiều và qua đó đỡ cho các chỉ số quan trọng của sàn HOSE.
Dù VN-Index vẫn giữ được sắc xanh, nhưng tương quan tăng – giảm giá cổ phiếu trên sàn HOSE xấu đi nhiều trong phiên chiều, chỉ có chưa đến 40% số cổ phiếu tăng giá so với gần 45% giảm giá, nhất là trên 2 nhóm Mid và Small Cap, cụ thể là số cổ phiếu giảm giá trên 2 nhóm này đã lớn hơn số mã tăng giá. Thanh khoản trên sàn HOSE lại thấp hơn ngày hôm qua, và gần như quay về “mặt bằng cũ”, tức mức thấp trong thời gian gần đây. Khối ngoại bán ròng trên sàn này, dù họ đẩy mạnh mua ròng HPG. STB, SSI, VND và chứng chỉ quỹ FUEVFVND là những mã bị bán ròng hàng triệu đơn vị.
Diễn biến gần như đi ngang, nhưng gap phái sinh được lấp vào những phút cuối, nhờ giá hợp đồng tương lai sắp đáo hạn – VN30F2209 được kéo lên và chạm điểm số lúc đóng cửa. Chưa rõ trong số 33 ngàn vị thế mở ở hợp đồng này, ai sẽ vui, ai buồn khi đáo hạn, nhưng có lẽ những người mua khoảng giữa phiên chiều sẽ là những người vui vì điểm chỉ số không có giảm.
Diễn biến tưởng như “êm đềm” trên sàn HOSE chiều nay cũng lan tỏa sang 2 sàn còn lại, thậm chí trên HNX, số lượng cổ phiếu giảm giá cũng nhiều hơn số tăng giá. Ngược lại, tính tích cực vẫn hiện diện thật sự ở sàn UPCoM, với thống kê số lượng tăng giá chiếm quá bán, thậm chí trên nhóm Large Cap sàn này, vẫn có không ít mã giữ được sắc xanh như từng có trong phiên sáng, ví dụ như MCH, MML, SIP, QNS, BSR, TVN…
Tổng thể 3 sàn cuối phiên chiều nay, số lượng cổ phiếu tăng giá khá cân bằng so với số giảm giá, tức là chả có nhóm nào chiếm quá bán. Trên các nhóm ngành lớn, ngoại trừ BĐS, thực phẩm, xây dựng, điện còn có sắc xanh đa số, những nhóm khác như ngân hàng, dầu khí, thép, bán lẻ, kho bãi hậu cần trở nên trung tính, với số cổ phiếu giảm giá nhỉnh hơn chút ít. Chứng khoán lại là nhóm có rất nhiều sắc đỏ, thậm chí trên sàn HOSE, chỉ có duy nhất 1 mã tăng giá là VDS.
Nhóm cấp nước nổi bật trong số những nhóm ngành nhỏ và vừa trên 3 sàn chứng, với khá nhiều mã tăng giá mạnh như BWE, NBW, BDW, TNW, VIW…
Nếu như những đầu tàu trong nhóm BĐS (nhà ở và khu CN) tăng giá như VIC, VHM, NVL, BCM, SIP… thì nhiều tên tuổi tầm trung bên nhóm nhà ở vẫn chìm trong sắc đỏ, dù mức giảm giá không hề lớn. Có lẽ không có sự lan tỏa tích cực ở nhóm BĐS nhà ở, thậm chí có hiện tượng 1 vài tên tuổi lớn được kéo trong những phút cuối phiên chiều. Khối ngoại có lẽ là bên mua chính ở VIC, với tỷ lệ khớp rất cao so với tổng lượng giao dịch. Ngược lại, nhóm khu CN thì xanh đồng loạt, trong đó BCM quay lại giá trần, SIP và IDC vẫn tăng trên 3% như ban sáng.
VHC, MPC hay ANV vẫn giữ được mức tăng khá cho đến cuối phiên chiều, nhưng nhiều cổ phiếu khác của nhóm thủy sản thì không được như thế, thậm chí đổi qua màu đỏ, như ACL, ABT, CMX, IDI…
Phiên sáng: VN-Index mất đà tăng trước khi bước vào phiên chiều
Đạt mức trên 1,250 điểm vào khoảng giữa phiên sáng, nhưng sau đó VN-Index lại giảm dần đều cho đến cuối phiên. Đi kèm với điểm số giảm dần là thanh khoản cũng giảm dần. Diễn biến này có lẽ cũng tác động lên chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM, thậm chí còn mang lại cảm giác các chỉ số 2 sàn này có thể đổi màu bất cứ lúc nào.
Cho dù những đợt đáo hạn phái sinh gần đây không có biến động gì bất thường, nhưng NĐT vẫn nên lưu ý chiều nay là phiên đáo hạn phái sinh, và hiện giá hợp đồng tương lai VN30F2209 đang thấp hơn đáng kể so với điểm của chỉ số VN30. Ngoài ra, giá 3 hợp đồng còn lại cũng thấp hơn khá nhiều so với điểm chỉ số.
Sàn HOSE vẫn có số lượng cổ phiếu tăng giá chiếm đa số, trong đó nhóm vốn hóa tỷ USD có tương quan rất chênh lệch, tuy nhiên rất nhiều mã đang mất đà tăng có được hồi giữa phiên, ví dụ như BCM, GAS, EIB, MSN, MWG…, đồng thời số lượng cổ phiếu giảm giá đang ngày càng nhiều lên, nhất là ở 2 dòng midcap và smallcap. Tổng thể cuối phiên sáng, số lượng cổ phiếu tăng giá trên HOSE chỉ còn chưa đến 50%, ngược lại có gần 35% số khác là giảm giá.
Chỉ số chính sàn UPCoM đang rơi về sát tham chiếu, chỉ còn tăng chưa đến 0.1 điểm, tương tự lúc 9h30-9h40 sáng nay. Điều đáng nói là đa số cổ pheieus largecap sàn này vẫn giữ được sắc xanh, trong đó vẫn có không ít mã tăng nổi bật kể từ giữa phiên, ví dụ như MCH, MML, SIP, QNS… Thực tế, không ít lần số liệu thống kê cho thấy có vẻ như mức độ ảnh hưởng của nhóm largecap lên chỉ số chính sàn UPCoM không hề lớn, như đang diễn ra trên các nhóm largecap của 2 sàn niêm yết.
Tiếp nối chứng khoán, nhóm sắt thép đang đổi màu. So với đầu phiên, hiện có nhiều cổ phiếu nhóm này, nhất là những mã niêm yết trên HOSE, quay qua giảm giá, trong đó có cả HPG, NKG, POM, TLH, SHI… Đại gia HSG chỉ còn tăng 150 đồng, so với mức tăng cao nhất sáng nay là 550 đồng/cp.
Nhóm chứng khoán đa phần chìm trong sắc đỏ, kể cả các cổ phiếu đầu ngành như SSI, VND, HCM, MBS, SHS, FTS… trong số 34 mã 3 sàn, nhóm này có đến 19 mã giảm giá, đa số là ở HOSE. Ngược lại, trên sàn UPCoM, đa số lại tăng giá. Khối ngoại đang bán ròng khá nhiều ở VND và SSI.
Ngân hàng vẫn là 1 trong những nhóm vốn hóa lớn giữ được sắc xanh trên diện rộng. VCB sau khi khởi đầu không suôn sẻ lắm, thì hiện tại cũng tăng cao khoảng 0.5%. Tuy nhiên, đa số cổ phiếu khác trong nhóm cũng chỉ tăng chừng đó, ngoại trừ EIB nổi bật với mức tăng 4.7%.
10h30: Nhóm chứng khoán đổi màu, VN-Index muốn bứt phá
VN-Index vẫn giữ vững mức tăng điểm trong nửa đầu phiên sáng nay, thậm chí còn tăng tốt hơn chỉ số nhóm VN30. Tuy nhiên, thanh khoản trên HOSE lại ở mức khá thấp, giá trị giao dịch hụt đáng kể so với cùng giờ phiên sáng qua.
Nhóm VN30 đang có 22 cổ phiếu tăng giá, so với 7 giảm giá, nhưng chỉ số chỉ tăng hơn 5 điểm, và chưa có dấu hiệu muốn bứt phá như VN-Index. Sức ì ở chỉ số nhóm này có lẽ đến từ 2 mã lớn là VIC và VHM. VJC cũng là 1 cổ phiếu loại lớn đang níu kéo chỉ số. Nhóm ngân hàng dù không có mã nào nổi bật, nhưng may thay hầu hết đều tham gia nhóm tăng giá, trừ ACB.
Sàn HOSE vẫn phủ sắc xanh, nhưng đang nổi lên nhiều đốm đỏ. Ở các nhóm ngành lớn, dễ thấy nhất là ở nhóm chứng khoán, với rất nhiều mã lớn nhỏ đã đổi màu, hoặc quay về tham chiếu như SSI, VND… Ở các nhóm vốn hóa nhỏ hơn, diễn biến xấu đi có thể thấy ở nhóm khai khoáng, sản xuất giấy hay thiết bị gia dụng. May thay, đa số các nhóm khác vẫn duy trì được tính tích cực, trong đó nổi bật lên có nhóm ô tô, thủy sản, phân phối xăng dầu, nhựa - cao su, kho bãi hậu cần…
Diễn biến 2 chỉ số chính 2 sàn HNX và UPCoM giữ được tính ổn định, dù mức tăng điểm thấp hơn so với VN-Index. Trên nhóm largecap sàn HNX, 1 số mã ngân hàng và chứng khoán như NVB, MBS, SHS đã giảm giá trở lại, tuy nhiên chỉ số vẫn được nâng đỡ bởi nhiều mã khác như IDC, VNR, BAB, VCS, THD… Tương tự trên sàn UPCoM, nhiều largecap vẫn là trụ đỡ ổn định như ACV, BSR, MML, MCH, SIP, TVN…
Nhóm BĐS (nhà ở lẫn KCN) đang có tín hiệu tích cực hơn so với đầu phiên, có lẽ nhờ thông tin Chính phủ sắp ban hành Nghị định 135 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đến lúc này, đang có không ít tên tuổi trong ngành tăng giá, trong đó nổi bật lên như BCM, IJC, SCR, QCG, KBC, PDR… các đại gia như VRE, NVL cũng đang tăng hơn 1%, tuy nhiên VIC và VHM chưa tìm được lực cầu để thoát khỏi sắc đỏ từ đầu phiên.
Sắc đỏ quay lại với nhóm chứng khoán, tình thế có vẻ nghịch đảo so với thời điểm đầu phiên sáng. SSI, VND đang loay hoay ở tham chiếu, đổi màu liên tục cho thấy 2 phe mua và bán đang “va” nhau dữ dội. Rất nhiều tên tuổi khác đã giảm nhẹ từ 0,5 đến hơn 1%, như BSI, BVS, HCM, FTS, TVS, VIX, SHS…
Đầu tàu nhóm thủy sản là VHC đã nâng được đà tăng lên trên 2%, kéo dài chuỗi tăng giá dù không đột biến, nhưng bền bỉ từ đầu tháng 8 đến nay. Với thông tin nhu cầu tăng mạnh ở nước Anh, có lẽ không chỉ VHC, mà 1 số cổ phiếu đại gia cá tra khác như IDI, ANV… đang được chú ý và vì thế được đẩy giá.
Mở cửa: Sắc xanh phủ rộng khi thị trường mở cửa
VN-Index mở cửa tăng hơn 8 điểm, dù chưa thể tính là cao nhưng sắc xanh đã phủ khắp sàn HOSE. Thậm chí, ở các sàn HNX và UPCoM, vốn không có tụ lệnh khớp ATO, sắc xanh cũng phủ trên diện rộng trước đó 15 phút. Tổng thể 3 sàn, có đến gần 2/3 số cổ phiếu tăng giá (tính trên những mã có khớp lệnh).
Chứng khoán Mỹ vẫn đang gắng gượng hồi phục lại sau cú giảm sốc ngày 13/09 có lẽ chưa phải là yếu tố tích cực lan tỏa đến các sàn chứng khoán châu Á, trong đó có Việt Nam, bởi cũng chỉ vài phiên nữa, thế giới sẽ lại phải ngóng thông tin về Fed. Đó là lý do vì sao DJ và các chỉ số lớn châu Á, và cả VNIndex, chỉ mới hồi nhẹ hôm qua và sáng nay.
VN-Index chỉ tăng nhẹ vài điểm, nhưng đằng sau đó là lực đẩy từ 70% số cổ phiếu tăng giá. Trong số những cổ phiếu vốn hóa tỷ USD, có đến gần 40 mã tăng giá, so với 2 mã giảm giá là BCM và SSB. Ở các nhóm vốn hóa nhỏ hơn, số cổ phiếu tăng giá cũng áp đảo. Ở góc độ nhóm ngành, hầu như tất cả nhóm lớn hay nhỏ đều phủ sắc xanh.
HNX-Index tăng từ sớm, với lực đẩy từ đa số largecap trên sàn này, trong đó có IDC, PVS, THD, BAB, MBS, SHS…
Có đến 16/17 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE mở cửa tăng giá, nếu mở rộng 3 sàn thì có 21 mã tăng giá, so với 4 giảm giá. Tuy nhiên, ngoại trừ EIB tăng hơn 5% (chiều qua tăng 6%) thì đa số mã khác tăng dưới 1%. Thậm chí, VCB dù mở cửa tăng giá nhưng sau vài phút đã giảm nhẹ trở lại 100 đồng. Có vẻ như nhóm ngân hàng vẫn cần yếu tố mang tính động lực để giúp tăng trở lại.
Nhóm dầu khí nhà PVN sớm có giá dự kiến mở cửa tăng nhẹ, thậm chí giá khớp chính thức của những mã niêm yết trên các sàn HNX hay UPCoM (vốn không cần chờ ATO). Một vài mã vốn đã tăng tốt từ đầu tuần đến giờ như PVB, PVC, PVD, PVS… Tuy nhiên, đến thười điểm ATO, hoặc sau đó chỉ 1 vài phút, sắc đỏ đã nổi lên ở PVC, PVD, PVS. Tính tích cực đã chuyển sang những mã khác như BSR, DCM, CNG, PVG… và cả GAS (đang tăng gần 1%).
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục nối đà tăng chiều qua, với đa số mở cửa trong sắc xanh. Đây có lẽ là nhóm ngành hồi nhanh nhất trên sàn chứng Việt sau cú “sập” từ tận bên Mỹ đêm 13/09, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng đây cũng chính là nhóm giảm trên diện rộng kể từ cuối tháng 8 đến nay, với mức giảm bình quân 10-15% trên cả các đại gia tốp đầu ngành như SSI, VND, HCM, FTS, SHS, MBS… đến các mã nhỏ hơn.
Câu chuyện người dân Anh đổ xô đi mua cá tra Việt vì giá rẻ dù đã được đăng từ chiều qua, nhưng có lẽ sáng nay mới tác động tích cực lên 1 số cổ phiếu ngành thủy sản, ví dụ như VHC, IDI, ANV…
HSG tiếp tục tỏa sáng trong nhóm sắt thép sáng nay, với mức tăng trên 2%. NKG cũng tăng gần 1%, tuy nhiên đầu tàu HPG lại tiếp tục đứng yên tại tham chiếu, dù có thông tin tăng giá thép lần thứ 3.