Nhịp đập Thị trường 23/09: Cổ phiếu bảo hiểm ngược dòng

23/09/2022 16:58

Kết phiên VN-Index giảm 11.42 điểm (0.94%), với giá trị giao dịch đạt 11,230 tỷ với 484 triệu cổ phiếu trao tay.

Sàn HOSE có 162  cổ phiếu tăng giá (9 trần)/287 cổ phiếu giảm giá (1 sàn). Trong rổ VN30 chỉ còn 2 cổ phiếu tăng giá là BVH (5.8%), GAS (1.4%), SAB đứng giá. Còn lại 27 cổ phiếu giảm giá, giảm mạnh nhất là VCB (2.7%), STB (2.3%), SSI (2.1%). Tuy nhiên VCB, VIC, VPB mới là bộ ba tác động tiêu cực nhất tới VN-Index lấy đi lần lượt 2.44, 0.67, 0.61 điểm. Về phía tác động tích cực tới VN-Index , 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất chỉ giúp VN-Index tăng 1.86 điểm.

Trong bối cảnh thị trường rớt sâu thì nhóm cổ phiếu bảo hiểm lại nhảy vọt với MIG và BMI đóng cửa ở giá trần, BVH tăng 5.8%, VNR tăng 7.8%, BIC tăng hơn 4%, PVI tăng 3.46%...

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp trên sàn HOSE với giá trị 277.68 tỷ.

Trên sàn HNX có 74 cổ phiếu tăng giá (14 trần)/ 104 cổ phiếu giảm giá (5 sàn) khiến chỉ số giảm 1.2 điểm (0.45%) còn 264.44 điểm. Sàn UPCoM tăng 0.04 điểm (0.05%).

14h: Duy trì đà giảm

Thị trường đang giao dịch không có nhiều thay đổi so với cuối phiên sáng. Tới 14h, có 8,200 tỷ rót vào sàn HOSE. Trong thời gian từ nay đến cuối năm nếu không có nhiều biến động bất thường rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến những phiên giao dịch với giá trị thấp lập kỷ lục trong 2, 3 năm nay.

Ngành xây dựng bất ngờ có nhiều cổ phiếu trần hôm nay. Tuy nhiên toàn những cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ. C47, CX8, LEC, TGG, VC1 đang trần. CTD đang tăng 2.5%, HBC tăng 4.52%. Tuy nhiên toàn ngành chỉ tăng 0.09%.

Ngành chứng khoán đã rớt sâu hơn giảm 1.31%. Ngành chứng khoán gần đây có mối liên kết hết sức đồng pha với VN-Index với biên độ lớn hơn. BSI bất ngờ tăng tới 3.83 %, cùng với BVS là hai cổ phiếu duy nhất còn xanh. 19 cổ phiếu đã đỏ. Chú ý phía giảm có VND (1.84%), SSI (1.42%), ART (3.57%), APS (2.73%), APG (2.11%).

Ngành bán lẻ cũng giảm tới 1.42%, với việc sụt giảm của hai ông lớn MWG giảm 1.71%, VGC giảm 1.48% trong khi CCI giảm tới 9.23% và NAV giảm 6.22% là những cổ phiếu giảm mạnh nhất.

Phiên sáng: VN-Index lùi sâu

Kết phiên sáng VN-Index giảm 5.66 điểm (0.47%) với 5,400 giá trị giao dịch phiên sáng, VN30 giảm mạnh hơn 8.31 điểm (0.68%). HNX lại bất ngờ xanh 1.23 điểm (0.46%) với 79 cổ phiếu tăng giá/74 cổ phiếu giảm giá. Sàn HNX đang khá cứng.

Trong VN30 chỉ còn 4 cổ phiếu tăng giá, trong đó BVH đã tăng mạnh lên 6.2%. Ngành bảo hiểm đã tăng lên 5.47% trong đó BMI và MIG trần.

Hai ngành có tầm ảnh hưởng nhất đến thị trường là bất động sản và ngân hàng đang giảm 0.88% và 0.81%. Ngân hàng với 2 cổ phiếu tăng giá và 14 cổ phiếu giảm giá. Trong đó VCB giảm mạnh nhất với 1.79%. Ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới với định hướng của Chính phủ, tăng lãi suất huy động nhưng chưa, hạn chế tăng lãi suất đầu ra. 

Mặc dù có mức giảm cao nhất thị trường (0.86%) tuy nhiên hôm nay cổ phiếu bất động sản lại có khá nhiều mã trần, có lẽ liên quan đến các cuộc chơi riêng của từng cổ phiếu. BII, PTL, SDU trần. Tuy nhiên một số cổ phiếu lớn trong ngành giảm giá gây khó khăn cho chỉ số ngành. VRE (1.05%), VIC (1.58%), PDR (0.97%), NVL (0.71%) là những cổ phiếu lớn tác động tiêu cực tới chỉ số chung.

10h55: Nhiều thông tin bất ổn trong tương lai gần

Đến 10h55, thị trường đang giằng co quanh tham chiếu với dòng tiền vào khá thận trọng. Liên tiếp những thông tin vĩ mô có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam và toàn cầu trong ngắn hạn.

Đầu tiên là việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Sáng 22/9, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ nguyên lãi suất cho vay. Và ngay trong chiều ngày 22/09, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% so với mức lãi suất cũ.

Cụ thể, theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN, hai loại lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng thêm 1 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 5%/năm và 3.5%/năm.

Còn theo Quyết định số 1607/QĐ-NHNN, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã được tăng thêm 1 điểm phần trăm, từ 4%/năm lên 5%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn tương đương 5.5%/năm.

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0.2%/năm lên 0.5%/năm.

Như vậy là cuối cùng, Ngân hàng nhà nước đã tăng lãi suất huy động nhằm đối phó với một thế giới đang ngập tràn trong lạm phát. Điều này cùng với việc NHNN liên tiếp hút tiền về trong thời gian gần đây có lẽ làm hài lòng, thoả mãn tất cả những nhà phân tích thận trọng. 

Việc tăng lãi suất này có thể tác động xấu đến chứng khoán Việt Nam theo hai cách. Thứ nhất việc tăng lãi suất sẽ có một lượng tiền bị chuyển qua ngân hàng, làm suy yếu dòng tiền của thị trường chứng khoán.

Việc tăng lãi suất đầu vào cùng với việc cố gắng giừ nguyên lãi suất cho vay nhằm ổn định tình hình vĩ mô, rất có thể làm các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận. Mà ngân hàng luôn có trọng số rất lớn tới các chỉ số chứng khoán Việt Nam.

Thứ hai, nếu như việc tăng lãi suất 0.75% của Fed nằm trong dự đoán, thì các phát biểu với nguyên tắc kiểm soát lạm phát cứng rắn của Jerome Powell cũng như thông tin tới 2024 mới xem xét giảm lãi suất đã làm chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ. Với mức lãi suất dự tính có thể lên tới 4.2% -4.5% vào cuối năm nay rất có thể kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Và e rằng  kinh tế thế giới cũng không thoát được sự liên đới. Đây mới là nguyên nhân quan trọng khiến các thị trường chứng khoán xuống bằng “bản chất”.

Thứ ba, lo ngại về một sự leo thang trong xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến thế giới theo một ngã rẽ xấu hơn.

Thế giới, kinh tế thế giới không có nhiều điều sáng sủa để chờ đợi trong thời gian tới.

Giảm nhẹ đầu phiên

Đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ có một phiên giảm khá mạnh và là phiên giảm thứ ba liên tiếp, Dow Jones giảm 0.35%, S&P 500 giảm 0.84%, Nasdaq giảm 1.37%.

Hòa cùng thị trường Mỹ, đến 9h27 sáng nay, tất cả các thị trường châu Á trọng điểm trừ hai chỉ số China A50 đang tăng nhẹ 0.34%, các chỉ số khác đều chìm trong sắc đỏ, Nikkei 225 giảm 0.58%, Shanghai giảm 0.33%, Taiwan Weighted giảm 0.38%, KOSPI giảm 1.32%, IDX Composite giảm 0.33%, S&P/ASX200 giảm mạnh 1.81%.

Chỉ số phái sinh VN30F2210 mở phiên ATO giảm khá 3.1 điểm từ 1,225 điểm còn 1,221.9 điểm.

VN-Index đang giảm nhẹ 0.25 điểm (0.02%) còn 1,214.45 điểm. VN30 giảm 0.54 điểm (0.04%) còn 1,228.4 điểm. HNX-Index tăng 0.81 điểm (0.3%) lên 265.45 điểm, UPCoM tăng 0.08 điểm (0.09%) lên 88.63 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 181 (5 cổ phiếu trần)/119 (0 cổ phiếu sàn).

Rổ VN30 có 12 cổ phiếu tăng giá 12 cổ phiếu giảm giá. Ba cổ phiếu tăng mạnh nhất BVH, KDH, CTG với tỷ lệ tăng 3.8%, 1.9%, 0.8%. Ba cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là VJC, VRE, VIB đang giảm 0.8%, 1.4%, 1.3%. BVH hôm nay có mức tăng khá mạnh sau 3 ngày trước đó đã tăng liên tục từ 53,100 lên 55,200 VNĐ

Ngành bảo hiểm cũng là ngành có mức tăng mạnh nhất thị trường với các cổ phiếu chủ lực đều tăng mạnh, BMI (3.67%), MIG (4.94%), PVI (2.08%), VNR (6.37%).

Việc tăng lãi suất, cho dù mới chỉ là lãi suất đầu vào có thể làm hầu hết các doanh nghiệp, các ngành nghề bất an trừ ngành bảo hiểm. Vì đặc trưng của ngành này luôn có một lượng tiền gửi ngân hàng rất lớn.

Bạn đang đọc bài viết "Nhịp đập Thị trường 23/09: Cổ phiếu bảo hiểm ngược dòng" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).