Theo Báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam trong tháng 6/2022, tính tới ngày 1/7/2022, thị trường có 1 đợt phát hành trái phiếu ra quốc tế với giá trị 100 triệu USD và 44 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 30.120 tỷ đồng (giảm 68,3% so với cùng kỳ).
Nếu thống kế theo nhóm đối tượng phát hành, trong tháng 6/2022, nhóm Ngân hàng thương mại đã phát hành 27.285 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất phát hành trung bình là 5,16%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID) phát hành 10.655 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (mã TCB) phát hành 7.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội (mã MBB) phát hành 2.730 tỷ đồng.
Tiếp theo, nhóm doanh nghiệp tài chính phát hành đứng thứ hai với giá trị 1.245 tỷ đồng, lãi suất trung bình khoảng 7,23%/năm. Trong đó, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC phát hành 1.000 tỷ đồng.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành giảm 33% về 155.569 tỷ đồng và trái phiếu phát hành ra công chúng giảm 6% về 8.996 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng trái phiếu phát hành trong 6 tháng đầu năm giảm 32% so với cùng kỳ về 164.565 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, nhóm Ngân hàng phát hành lên tới 80.466 tỷ đồng, chiếm 48,9% tổng lượt phát hành; nhóm bất động sản phát hành 42.583 tỷ đồng, chiếm 25,9% tổng lượng phát hành (trong đó, một số đơn vị phát hành lớn như CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side đã phát hành 3.930 tỷ đồng).
Trong thời gian sắp tới, dự kiến có các đợt phát hành chú ý như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) phát hành 3.260 tỷ đồng; CTCP Chứng khoán Tiên Phong phát hành không quá 500 tỷ đồng; CTCP Fecon (mã FCN) phát hành tối đa 150 tỷ đồng kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm.