Những lá phiếu định hình cục diện thế giới năm 2022

06/01/2022 12:38

Từ Mỹ đến Philippines, từ Pháp đến Brazil, người dân nhiều quốc gia trên thế giới sẽ bỏ phiếu để bầu chọn các nhà lãnh đạo và nghị sĩ quốc hội mới vào năm 2022.

Năm 2022, thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi sau đại dịch Covid-19. Do đó, các cuộc bầu cử trong năm ở những trung tâm quyền lực lớn hay “điểm nóng” chiến lược được giới quan sát chính trị quốc tế dõi theo chăm chú.

Tại Mỹ, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đối mặt với nguy cơ mất quyền kiểm soát ít nhất một trong hai viện Quốc hội. Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải đối đầu với các ứng viên cánh hữu trong cuộc bầu cử có thể tác động tới tương lai Liên minh châu Âu (EU).

Tại Brazil, chiến thắng của cựu Tổng thống Lula da Silva sẽ là dấu mốc tiếp theo cho sự phục hồi của phong trào cánh tả Mỹ Latin. Trong khi đó, kết quả bầu cử ở ba quốc gia châu Á - Thái Bình Dương - Hàn Quốc, Australia và đặc biệt là Philippines - có thể tác động tới cán cân chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thách thức với Nhà Trắng

Theo thống kê, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường có kết quả bất lợi cho đảng cầm quyền. Mới đây nhất, năm 2018, đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ.

Giới chuyên gia nhận định thành quả của chính quyền Tổng thống Biden trong hai năm cầm quyền sẽ tác động trực tiếp đến lựa chọn của cử tri.

Thành tích cầm quyên của ông Biden sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ảnh: AP.

“Cách người Mỹ nhìn nhận Tổng thống Biden và đội ngũ của ông sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2022”, phó giáo sư Peter Loge tại Đại học George Washington, Mỹ, nói với Zing.

“Nếu đại dịch giảm nhẹ và kinh tế tiếp tục tăng trưởng, người Mỹ sẽ cảm thấy lạc quan. Điều này sẽ giúp các ứng viên Dân chủ lọt vào Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới. Nếu đại dịch kéo dài dai dẳng, người dân sẽ thấy bất an. Nếu họ không cảm thấy Tổng thống Biden đang gắng sức, các ứng viên Dân chủ sẽ chịu thiệt”, giáo sư Loge nhận định.

Bên cạnh đó, ông Trump vẫn là một nhân tố trong cuộc bầu cử sắp tới, khi cựu tổng thống chưa bỏ hy vọng trở lại Nhà Trắng vào năm 2024.

Theo giáo sư Loge, ông Trump sẽ ủng hộ những ứng viên “trung thành” với mình, rồi nhận công khi họ thắng cử.

“Ông Trump sẽ gây ồn ào. Đây là điều ông ấy thường làm”, giáo sư Loge nói. “Sự ồn ào này có tác động đến đâu vẫn là câu hỏi mở. Ông Trump vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò rất lớn trong nền chính trị Mỹ, một khi các ứng viên cho rằng ông ấy giúp đỡ họ nhiều hơn gây hại cho họ”.

Hạ viện sẽ là mục tiêu “ngon ăn” hơn đối với đảng Cộng hòa, khi họ chỉ cần thêm 5 ghế để đạt được đa số.

Trong khi đó, chỉ 14 trong số 34 ghế Thượng viện được bầu lại trong năm 2022 đang thuộc về đảng Dân chủ. Đây đều là các bang mà ông Biden giành chiến thắng năm 2020.

Theo giới chuyên gia, các vấn đề quốc tế thường không phải chủ đề chính của bầu cử giữa nhiệm kỳ. Do đó, chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ không có sự thay đổi lớn, dù kết quả bầu cử ra sao.

“Không có sự khác biệt lớn nào về chính sách đối ngoại giữa hai đảng tại Mỹ. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng thường không đề cập đến các vấn đề đối ngoại”, bà Susan Thornton, từng là quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, trả lời phỏng vấn Zing.

Tuy vậy, bà Thornton nhận định đảng Cộng hòa có thể nhắm đến việc chỉ trích Trung Quốc vì đại dịch Covid-19, để khiến dư luận bị phân tâm về kết quả chống dịch yếu kém của chính họ.

Quan hệ Mỹ - Trung có thể xấu đi nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters.

Theo bà, nếu đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội, quan hệ với Trung Quốc sẽ xấu đi khi các nghị sĩ Cộng hòa thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn, cũng như tăng cường quan hệ với Đài Loan.

“Các ứng viên sẽ tỏ ra ‘cứng rắn’ trong đối ngoại, từ vấn đề Ukraine, Đài Loan đến Iran. Điều này sẽ có tác động đến quan hệ Mỹ - Trung”, bà Thornton nói.

Đi tìm người kế nhiệm ông Duterte

Để cạnh tranh với Trung Quốc, Washington muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Với vị trí địa chính trị quan trọng, Philippines sẽ là đồng minh mà Mỹ dành nhiều sự quan tâm.

Nền chính trị Philippines được coi là không dễ đoán định. Năm 2016, sau khi đắc cử, Tổng thống Rodrigo Duterte đảo ngược hàng loạt chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Ông chủ trương tăng cường quan hệ với Trung Quốc, giữ khoảng cách với Mỹ và “gác lại” phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

Tuy nhiên, chính sách của ông Duterte lại có chiều hướng thay đổi trong thời gian gần đây. Ông nhiều lần nhắc đến phán quyết Tòa Trọng tài, cả trên các diễn đàn lớn như Liên Hợp Quốc. Quan hệ với Mỹ cũng dần được cải thiện.

Do vậy, quan điểm đối ngoại của các ứng viên kế nhiệm ông Duterte nhận được sự chú ý của giới quan sát chính trị thế giới.

“Cựu thượng nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr., người dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, và người đứng thứ ba là Thị trưởng Manila Francisco Domagoso được cho sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại hiện nay”, ông Lucio Blanco Pitlo III, nghiên cứu viên Quỹ Con đường Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương (APPFI), chia sẻ với Zing.

Thị trưởng Davao Sara Duterte-Carpio, con gái Tổng thống Duterte, cũng được dự đoán sẽ tiếp tục di sản của cha mình. Bà là người đang dẫn đầu trong cuộc đua vào ghế phó tổng thống và tham gia liên danh tranh cử với ông Macros.

Liên minh giữa ông Marcos (phải) và bà Duterte (trái) đang chiếm ưu thế trước thềm cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: Manila Times.

Ngược lại, Phó tổng thống đương nhiệm Leni Robredo, người đang đứng ngay sau ông Macros trong các cuộc thăm dò, tuyên bố chỉ đối thoại với Trung Quốc nếu Bắc Kinh công nhận phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đến quan hệ với Trung Quốc, ông Pitlo nhận định.

Cựu Tư lệnh Cảnh sát Philippines Panfilo Lacson được dự báo sẽ quan tâm hơn đến vấn đề an ninh và tăng cường quan hệ với Mỹ. Trong khi đó, võ sĩ quyền anh Manny Pacquiao - người từng chỉ trích mạnh mẽ chính sách về Biển Đông của ông Duterte - chưa trình bày các định hướng đối ngoại cụ thể.

“Khi mùa vận động bầu cử chính thức đến gần, các ứng viên có thể tỏ ra mạnh mẽ về Biển Đông để đánh bóng uy tín và thu hút cử tri. Tuy vậy, kinh nghiệm cho thấy không phải tất cả những gì họ nói và làm khi tranh cử sẽ được thực thi khi họ nhậm chức”, ông Pitlo nói.

Ông cũng nhận định tổng thống tương lai của Philippines phải đối mặt với “bài toán khó” về cân bằng giữa việc phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và chống lại sức ép của Bắc Kinh ở Biển Đông, cũng như cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ khi hai nước gia tăng cạnh tranh.

“Các ứng viên đều hiểu vai trò đang nổi lên của Trung Quốc đối với nền kinh tế Philippines, cũng như thách thức từ Trung Quốc đối với lợi ích trên biển của đất nước”, ông chia sẻ.

Tuy vậy, giới chuyên gia cũng chỉ ra các vấn đề trong nước mới là yếu tố có tác động lớn nhất tới quyết định của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Các ưu tiên của Philippines hiện nay là chống làn sóng dịch Covid-19 mới trước sự xuất hiện của chủng Omicron, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch và cải tạo các khu vực bị tàn phá trong trận bão vừa qua”, ông Pitlo nhận xét.

Những cuộc bầu cử quan trọng khác

Trong năm 2022, một số trung tâm kinh tế - chính trị lớn khác của thế giới cũng sẽ tiến hành các cuộc bầu cử quan trọng.

Tại Hàn Quốc, do Tổng thống đương nhiệm Moon Jae In không được phép tranh cử nhiệm kỳ thứ hai theo quy định của hiến pháp, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) chắc chắn có chủ nhân mới sau cuộc bầu cử tháng 3.

Nhà Xanh Hàn Quốc sẽ tìm được chủ nhân mới sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Ảnh: Reuters.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, hai ứng cử viên có ưu thế trong cuộc đua tới Nhà Xanh là ông Lee Jae Myung đến từ đảng Dân chủ của Tổng thống Moon và ông Yoon Seok Youl đến từ đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) có khuynh hướng bảo thủ.

Giới chuyên gia nhận định kết quả bầu cử sẽ không tác động quá nhiều đến chính sách đối ngoại của Hàn Quốc. Cả hai ứng viên đều cam kết tiếp tục đối thoại và hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Cả hai cũng khẳng định “lợi ích quốc gia” là nền tảng cho chính sách đối ngoại.

Điều này không có nghĩa chính sách của ông Lee và ông Yoon sẽ tương đồng. Nếu đắc cử, ông Lee nhiều khả năng tiếp tục cách tiếp cận cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc của Tổng thống Moon.

Trong khi đó, ông Yoon có thể tăng cường liên minh với Mỹ và cứng rắn hơn với Trung Quốc.

“Một liên minh vững chắc giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày càng quan trọng trong các vấn đề toàn cầu bên cạnh an ninh quốc gia”, ông Yoon nói với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink hồi tháng 11/2021.

Tại Pháp, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron chưa chính thức tuyên bố tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 4, nhưng ông nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi nhiệm kỳ thứ hai ở điện Élyseé.

Giới chuyên gia nhận định ông Macron vẫn là người có khả năng chiến thắng cao nhất.

Các đối thủ chính của ông sẽ là chính trị gia cực hữu Marine Le Pen - người thất bại dưới tay ông Macron năm 2017, ứng viên trung hữu Valérie Pécresse hay “ngôi sao đang lên” Éric Zemmour - người được coi là cực đoan hơn cả bà Le Pen.

Bà Le Pen và ông Zemmour là các ứng viên cực hữu, nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc. Trong khi đó, đảng Những người Cộng hòa của Pháp của bà Pécresse cũng có xu hướng thiên hữu trong thời gian qua.

Do đó, nếu ông Macron thất cử, cả nước Pháp và châu Âu sẽ chịu tác động lớn, nhất là khi Pháp vừa chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch EU từ ngày 1/1.

Ông Macron cần đánh bại các ứng viên cánh hữu để tiếp tục theo đuổi tham vọng trở thành "người cầm lái" châu Âu. Ảnh: BBC.

Không giống như tại Pháp, các nhà lãnh đạo Australia và Brazil đương nhiệm đang yếu thế trong cuộc đua tái tranh cử.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đang trải qua nhiệm kỳ với hàng loạt khủng hoảng: Từ đợt cháy rừng lịch sử 2019-2020, đại dịch Covid-19, chậm trễ trong ứng phó với biến đổi khí hậu đến quyết định tham gia liên minh AUKUS với Anh và Mỹ - động thái bị nhiều cử tri coi là “phá hoại uy tín” của Canberra.

Các kết quả thăm dò dư luận mới đây cũng cho thấy Công đảng đối lập đang dẫn trước liên minh đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền.

Tuy vậy, ông Morrison vẫn còn nhiều hy vọng. Khoảng cách giữa hai phe không quá lớn, trong khi liên minh của ông vẫn được tín nhiệm trong các vấn đề kinh tế hay an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Tổng thống dân túy Brazil Jair Bolsonaro cũng đang xếp dưới cựu Tổng thống Lula da Silva của đảng Lao động trong các cuộc thăm dò dư luận.

Sự yếu kém trong ứng phó với đại dịch Covid-19 là điểm yếu chí tử với ông Bolsonaro, khiến sự tín nhiệm của cử tri với ông sụt giảm nghiêm trọng.

“Ông Lula đại diện cho khoảng thời gian Brazil phát triển, khi lương tối thiểu tăng cao, trẻ em có thể tới trường, 10 triệu căn nhà được xây dựng”, giáo sư John D. French, người viết tiểu sử cho ông Lula, nói với Guardian. “Ngược lại, ông Bolsonaro gắn với những khổ đau, khủng hoảng và tuyệt vọng ngày hôm nay”.

Bạn đang đọc bài viết "Những lá phiếu định hình cục diện thế giới năm 2022" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).