Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ: Làm mẹ từ thuở thiếu niên, tay trắng dựng cơ đồ gần 12 tỷ USD

17/03/2022 09:04

Cuộc đời vốn không trải đầy hoa hồng, nhưng nỗ lực theo đuổi ước mơ hết mình, Diane Hendricks trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất nước Mỹ.

Là một trong 9 cô con gái của cặp vợ chồng người nông dân chăn nuôi bò sữa ở bang Wisconsin, Diane Hendricks yêu sự giáo dục toàn diện của người Mỹ, nhưng luôn khao khát nhiều hơn thế. “Tôi đã có một cuộc sống tươi đẹp, sống ở trang trại. Ngôi nhà đẹp, lớn, vuông vắn màu trắng. Nhưng… tôi luôn muốn đến thành phố. Tôi muốn mặc những bộ cánh đẹp đẽ", "nữ hoàng tấm lợp" trò chuyện với Forbes. Cuối cùng, Hendricks định cư ở một thị trấn nhỏ - bên ngoài thành phố Beloit, bang Wisconsin.

Trải qua biết bao khó khăn, cùng chồng là Kenneth Hendricks, nữ tỷ phú đã xây dựng ABC Supply, nhà phân phối tấm lợp bán buôn lớn nhất nức Mỹ. Tài sản của Diane ước tính đạt 11,7 tỷ USD, theo thống kê của Forbes đến ngày 11/1/2022. Với số tài sản này, người phụ nữ 75 tuổi là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất xứ cờ hoa.

Con đường từ bàn tay trắng tới khối tài sản kếch xù của bà Diane khiến nhiều người ngạc nhiên. Là một học sinh có học lực trung bình (bà còn nói đùa môn học mà mình thích nhất là "những cậu con trai"), Diane mang bầu khi còn là một thiếu niên.

“Vào thời điểm đó, bạn không thể đến trường và đang mang thai", Diane cho biết bà từng phải ở nhà học trong năm cuối cấp để lấy bằng tốt nghiệp. "Tôi sẽ đến trường sau khi các học sinh khác về, làm bài kiểm tra và nộp bài tập ở trường. Thật xấu hổ nhưng chẳng sao cả".

Người mẹ trẻ sinh con một tháng trước sinh nhật 18 tuổi và sớm bắt đầu đi làm bồi bàn và công nhân nhà máy nhà sản xuất bút Parker Pen.

Hendricks tâm sự về ước mơ: “Việc làm mẹ bắt đầu nhanh chóng và tôi lớn lên nhanh chóng. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi cố gắng theo đuổi ước mơ của mình. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng tôi thậm chí còn tập trung hơn vào những gì tôi muốn đạt được". Bà Diane cho rằng chính việc chứng kiến thái độ làm việc đầy trách nhiệm của cha mẹ mình ở trang trại, chỉ nghỉ 2 tuần/năm để đưa các con đi du ngoạn, đã giúp bà có đạo đức kỷ luật trong công việc.

Diane bắt đầu bán những ngôi nhà đặt làm và rồi gặp chồng tương lai - ông Kenneth Hendricks, người cũng bỏ học trung học để bắt tay kinh doanh tấm lợp mái nhà với cha.

Hai vợ chồng kết hôn, gây dựng cơ nghiệp thành đạt. Diane cùng bố chồng sửa sang lại các căn nhà cho thuê, đập bỏ tường và lắp cửa sổ, trong khi Ken phát triển công việc kinh doanh tấm lợp. Họ cũng mở thêm hoạt động vận tải đường bộ và cửa hàng bán buôn thảm và đồ dùng cho các chủ nhà khác. Vào đầu những năm 1980, Ken và Diane đã kiếm đủ tiền để bắt đầu kinh doanh và cân nhắc các bước tiếp theo.

Nhiều năm làm việc trong ngành sản xuất tấm lợp giúp vợ chồng Hendricks nhận thấy nhu cầu về một nhà phân phối tất cả các thương hiệu tấm lợp tại một địa điểm, thay vì yêu cầu các nhà thầu đến từng cửa hàng của nhà sản xuất.

Họ bắt đầu vạch ra các địa điểm trên khắp nước Mỹ - nhằm mục đích mang tấm lợp phân phối trên toàn quốc. Cửa hàng đầu tiên của vợ chồng Hendricks khai trương ở Beloit vào năm 1982.

Công việc kinh doanh của cặp vợ chồng sau đó phát triển nhanh chóng. ABC Supply đứng đầu 100 cửa hàng vào năm 1994 và đạt doanh thu 1 tỷ USD sau đó 4 năm. “Chúng tôi biết nhà thầu muốn gì”, bà Diane giải thích. “Họ cần sự lựa chọn, họ cần được đối xử một cách tôn trọng và chuyên nghiệp. Mặc dù họ có thể đi một chiếc xe bán tải bình thường, nhưng họ đang điều hành công việc kinh doanh. Chúng tôi tôn trọng và hiểu những khó khăn mà họ gặp phải khi là một nhà thầu về mái lợp".

Sự bùng nổ của ABC Supply khiến nhiều người ngờ vực về hướng phát triển dài hạn của cặp đôi không bằng cấp, tay trắng đi lên này. “Mọi người không tin rằng chúng tôi có thể thành công vì chúng tôi không được học hành đầy đủ như nhiều doanh nhân khác và điều duy nhất bạn có thể làm để thay đổi quan niệm sai lầm đó là chứng minh bằng thực tế”, bà nói.

Bi kịch ập đến vào năm 2007 khi Ken qua đời sau khi ngã qua mái nhà trong lúc đang kiểm tra công trình mới.

Nỗi đau mất đi người chồng thân yêu chưa nguôi, lúc này thị trường bất động sản lại có dấu hiệu đi xuống theo khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

"Tôi cảm thấy bối rối tột cùng khi không biết phải làm gì. Tôi mất một khoảng thời gian để chấp nhận sự thật rằng chồng tôi đã không còn nữa”, Diane hồi tưởng. Khó khăn chồng chất khó khăn, người ta đồn đoán bà sẽ bán ABC Supply cho cổ đông.

Thế nhưng bà Diane quyết định giữ vững và chèo lái con tàu vượt qua vùng nước đầy biến động. “Tôi chẳng có lý do gì để bán ABC Supply cả. Công ty này là những gì vợ chồng tôi đã dành cả cuộc đời để gầy dựng. Tất cả bạn bè, người thân của tôi đều làm việc ở đây”, bà khẳng định.

Thiếu vắng chồng, Diane phải một mình đương đầu với những thách thức mới. Doanh thu sụt giảm trong năm 2009, nhưng ABC Supply đã phục hồi và mua lại đối thủ Bradco Supply vào năm sau, bổ sung thêm 128 địa điểm cho hoạt động kinh doanh.

Năm 2016, ABC Supply đã thực hiện thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử công ty, mua L&W Supply với giá 674 triệu USD, bổ sung các sản phẩm nội thất như vách thạch cao và khung thép vào danh mục đầu tư đã bao gồm cửa sổ và vách ngăn. Doanh thu của công ty tăng vọt mỗi năm.

Diane từng nói: “Bạn có thể đi nhiều con đường để đến cùng một nơi. Cuộc sống xảy ra, mọi thứ cản trở mục tiêu, sứ mệnh và kế hoạch của bạn và bạn phải đi đường vòng. Cách thứ nhất không thành, làm thế nào chúng ta đến đich? Hãy thử cách thứ hai. Nếu cách thứ hai không hiệu quả, chúng ta vẫn có thể hoàn thành sứ mệnh bằng một cách khác chứ? Hãy thay đổi con đường, sẵn sàng và đừng coi đó là thất bại. Đó là cuộc sống. Bạn sẽ mắc sai lầm, người khác sẽ khuyên can, nhưng đừng bỏ cuộc. Bạn không thể đánh mất những gì bạn thực sự muốn làm".

Không chỉ giỏi giang, đầy nghị lực, Diane còn là tỷ phú có nhiều đóng góp cho xã hội. Nằm ở vùng giáp ranh của bang Wisconsin và Illinois, thành phố Beloit có dân số gần 37.000 người và bà Diane đã đầu tư hàng triệu USD để thay đổi bộ mặt nơi này. Nữ tỷ phú giúp "hồi sinh" thành phố bằng cách cải tạo các nhà máy và mặt tiền cửa hàng bỏ trống thành văn phòng và trung tâm cộng đồng đồng thời giúp đưa giáo dục kỹ thuật trở lại các trường trung học địa phương.

Để lấp đầy khoảng trống về kỹ năng người lao động, người mẹ của 7 đứa trẻ (trong đó có 4 đứa con riêng) bắt tay với các trường học trong khu vực, gây quỹ cho một cửa hàng cơ khí ô tô tại Beloit Memorial High. Bà cũng giúp khởi động một chương trình xây dựng, trong đó học sinh nghiên cứu việc học thuật, sau đó tham gia vào việc phá dỡ, xây dựng lại và bán một ngôi nhà mới.

Nữ chủ tịch Hendricks gây quỹ cho công nhân - nhân viên từ công ty hợp đồng của bà, Corporate Contractors Inc., chỉ dạy cho dành các thanh thiếu niên những kiến thức cơ bản về thương mại như hệ thống ống nước và công việc điện. Bọn trẻ sẽ chịu trách nhiệm duy trì dự án trên ngân sách. Tiền thu được từ việc bán các ngôi nhà được chuyển lại cho Đài tưởng niệm Beloit.

Bà Diane cũng thuê sinh viên thực tập tại các Nhà thầu Doanh nghiệp và khuyến khích các công ty khác làm điều tương tự. Vào tháng 2/2017, nữ tỷ phú đã mở một trung tâm nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Ironworks để làm nơi ươm tạo doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp công nghệ. Cơ sở cung cấp dịch vụ dạy kèm và hội thảo từ viết mã và chăm sóc sức khỏe đến xây dựng và sản xuất.

Mùa hè năm 2016, bà ra mắt một chương trình đào tạo học sinh thiết kế và xây dựng bàn ăn ngoài trời sau đó dành tặng cho thành phố, trong khi một chương trình khác đưa thanh niên địa phương tham quan trạm cứu hỏa, nơi các em học các kỹ năng cơ bản như hô hấp nhân tạo và chăm sóc chấn thương.

“Chúng tôi đưa trẻ em đến xem bên trong bệnh viện, một nhà máy sản xuất, hậu trường của một nhà hàng. Làm việc ở đây một thời gian, xem nó như thế nào. Trẻ em sẽ xem cách một thợ hàn làm việc… Chúng có thể đi học nghề và trở thành một thợ hàn với mức lương 50.000 USD một năm. Đó đều là những công việc tốt”, Hendricks nhấn mạnh.

Nữ chủ tịch ABC Supply hy vọng sẽ trang bị cho mọi trẻ em sắp tốt nghiệp trung học nguồn lực và giáo dục cần thiết để chọn con đường nghề nghiệp tốt nhất cho mình. Ước mong của bà là khi rời trung học, học sinh sẽ biết mình sẽ làm gì với cuộc sống. "Chúnkhông chỉ tốt nghiệp mà còn tốt nghiệp với cả một tương lai phía trước. Một công việc mà các em thực sự đặt cả tinh thần vào trong đó", nữ tỷ phú tài năng nói.

Bạn đang đọc bài viết "Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ: Làm mẹ từ thuở thiếu niên, tay trắng dựng cơ đồ gần 12 tỷ USD" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).