Hôm 24/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ xóa bỏ 10.000 USD nợ sinh viên liên bang cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm. Những người có thu nhập thấp từng vào đại học theo chương trình hỗ trợ tài chính Pell Grants có thể được xoá tới 20.000 USD nợ.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ở Mỹ tăng vọt, việc được xóa bỏ hàng chục nghìn USD tiền nợ sẽ giúp ích lớn cho hàng chục triệu người.
Song đồng thời, Nhà Trắng cũng dự định dỡ bỏ lệnh tạm hoãn thanh toán nợ sinh viên liên bang kể từ tháng 1/2023. Điều đó có nghĩa là nhiều người Mỹ không cần phải trả nợ sinh viên kể từ tháng 3/2020 sẽ phải bắt đầu phải thực hiện nghĩa vụ, khiến dòng tiền của họ trở nên eo hẹp hơn.
Cái giá 300 tỷ USD
Dĩ nhiên, xóa nợ sinh viên là việc tốn kém. Và người trả giá chính là những người nộp thuế cho nhà nước. Theo ước tính từ các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Penn Wharton Budget Model, việc xoá 10.000 USD nợ cho người vay có thu nhập dưới 125.000 USD sẽ tiêu tốn của chính phủ khoảng 300 tỷ USD. Con số này còn chưa tính đến chi phí của việc xóa 20.000 USD nợ sinh viên thuộc chương trình Pell Grants.
300 tỷ USD không phải con số quá lớn đối với nền kinh tế 25.000 tỷ USD của Mỹ. Nhưng chi phí của kế hoạch xóa nợ sinh viên sẽ triệt tiêu tác dụng giảm thâm hụt ngân sách của Đạo luật Giảm Lạm phát mà Mỹ vừa thông qua.
Ông Marc Goldwein, Phó giám đốc cấp cao của tổ chức Committee for a Responsible Federal Budget nói với CNN: “Mọi khoản giảm thâm hụt mà Đạo luật Giảm Lạm phát tạo ra sẽ bị xóa sổ”.
Trước đó, Nhà Trắng đã ca ngợi công dụng giảm thâm hụt ngân sách của đạo luật mới là biện pháp chống lạm phát quan trọng. Và việc thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát cũng đánh dấu sự chuyển biến lớn sau hai năm Mỹ chất đầy nợ công để chiến đấu với đại dịch COVID-19.
Không thấm vào đâu hay đổ dầu vào lửa?
Ngay cả ông Jason Furman, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Barack Obama, cũng bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch của ông Biden.
Tweet của ông Furman viết: “Rót khoảng 500 tỷ USD vào nền kinh tế lúc này là hành động cực kỳ liều lĩnh. Tệ hơn nữa là Tổng thống Biden làm điều này trong lúc ông thực hiện lời hứa tranh cử là xóa 10.000 USD nợ sinh viên, nhưng lại đồng thời phá bỏ lời hứa khác: thay vì xóa nợ cho mọi người thì chỉ miễn giảm cho nhóm có thu nhập dưới 125.000 USD”.
Giống như ông Furman, không ít người lo ngại rằng kế hoạch xóa nợ của ông Biden sẽ thổi bùng lạm phát cao kỷ lục của nước Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tác động của chính sách này tới nền kinh tế tổng thể là không đáng kể.
Ông Dean Baker, đồng sáng lập Center for Economic and Policy Research nói với tờ CNN: “Kế hoạch xóa nợ sinh viên của ông Biden sẽ chỉ tạo ra tác động cực kỳ nhỏ lên lạm phát, thậm chí còn chưa đến một điểm hay nửa điểm %. Nhưng cuộc sống của các cá nhân sẽ có sự khác biệt lớn. Kế hoạch này xóa hơn một nửa số nợ của hơn một nửa người vay tiền học đại học. Đây thực sự là thay đổi lớn lao”.
Phân tích của Bộ Giáo dục Mỹ chỉ ra rằng một sinh viên vay nợ điển hình sẽ tốt nghiệp với khoản nợ gần 25.000 USD. Nhà Trắng ước tính có tới 43 triệu người sẽ được xóa nợ sinh viên theo kế hoạch của ông Biden. Trong đó, khoảng 20 triệu người sẽ rũ sạch được nợ nần, vì dư nợ còn lại của họ thấp hơn số tiền được giảm.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics thì nhận định: “Việc chấm dứt lệnh tạm hoãn thanh toán nợ sinh viên sẽ đè nặng lên tăng trưởng và lạm phát. Ngược lại, xóa nợ sẽ hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát. Như vậy, tác động của cả hai sẽ triệt tiêu lẫn nhau”.
Moody’s ước tính rằng tác động tổng hợp của hai chính sách này sẽ khiến GDP thực của năm 2023 giảm 0,05 điểm %, tỷ lệ thất nghiệp hạ 0,02 điểm % và lạm phát đi xuống 0,03 điểm %. Tóm lại, ảnh hưởng của chúng đến nền kinh tế gần như không đáng kể.