Petrolimex 'dứt áo ra đi', số phận PGBank sẽ ra sao?

27/03/2023 10:09

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 25/4 tới trong bối cảnh cổ đông chiến lược Petrolimex đã công khai kế hoạch dứt áo ra đi.

Động lực nào cho PGBank?

Petrolimex sẽ bán toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB đang sở hữu, tương đương hơn 40% vốn điều lệ của ngân hàng. Thương vụ sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai tại HOSE vào ngày 7/4.

Nếu thoái vốn thành công, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex không có cam kết cụ thể về việc gửi tiền tại ngân hàng PGBank. Tuy nhiên, Petrolimex sẽ vẫn hỗ trợ PGBank trong phạm vi cho phép của mình.

Điều này được ông Trần Ngọc Năm - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Petrolimex - khẳng định tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex" (PGBank - mã: PGB) tổ chức mới đây.

Mặc dù vậy, trong tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ dự kiến diễn ra ngày 25/4 (18 ngày sau phiên đấu giá cổ phiếu PGB), PGBank vẫn tự tin đặt kế hoạch năm 2023 sẽ tập trung phát triển khách hàng mới thuộc các lĩnh vực ngân hàng ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu.

PGBank là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ nhất thị trường hiện nay với vốn điều lệ ở mức tối thiểu theo quy định, 3.000 tỷ đồng. 

Năm 2022, tổng lượng huy động vốn tại PGBank đạt 42.700 tỷ đồng, tăng 19,7%; dư nợ cho vay đạt 32.275 tỷ đồng, tăng 15,6%; lợi nhuận trước thuế 506 tỷ đồng, tăng 75 tỷ đồng so với năm 2021. 

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức khá cao 2,56% (năm 2021 là 2,52%). Trong đó, nợ xấu thuộc nhóm 3-5 là 745 tỷ đồng, tăng 51 tỷ đồng so với năm 2021. Trong năm 2022, PGBank xử lý nợ được 826,5 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch. Ngân hàng dự kiến thu hồi 896 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2023.

ke-hoach-kinh-doanh-1679884952.jpg Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của PGBank. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ).

Năm 2023, PGBank đặt mục tiêu tổng tài sản đến 31/12/2023 đạt 53.051 tỷ đồng, tăng 8,3%; tổng huy động vốn đạt 47.213 tỷ đồng, tăng 10,6%; dư nợ tín dụng đạt 35.881 tỷ đồng, tăng 11,2% (tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của GPBank được NHNN giao đầu năm chỉ là 7,02%); lợi nhuận trước thuế 530 tỷ đồng, tăng 4,8%, tương đương tăng 25 tỷ đồng. 

HĐQT PGBank cho biết, để đạt được kế hoạch trên, khối Khách hàng doanh nghiệp tăng cường khai thác khách hàng hiện hữu, đặc biệt là khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, uy tín trong giao dịch. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển khách hàng mới, ưu tiên tập trung vào khách hàng DNVVN, vay hạn mức phục vụ SXKD thuộc các lĩnh vực, ngành nghề như xăng dầu, nông sản, y tế, SXKD hàng tiêu dùng, xuất khẩu.

Khối Bán lẻ ưu tiên tăng trưởng nguồn vốn huy động giá rẻ bằng mục tiêu tăng trưởng CASA. Kế hoạch CASA năm 2023 của PGBank là 1.500 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2022, tương đương mức tăng 50% và chiếm 6% tổng nguồn huy động vốn bán lẻ.

Ngân hàng dự kiến hết năm 2023, số lượng khách hàng mới đạt 30.000 khách hàng. 

Thù lao cho HĐQT và BKS bằng 50% mức tăng lợi nhuận

Theo tài liệu gửi các cổ đông, HĐQT trình ĐHĐCĐ tờ trình về việc thông qua thù lao, lương và thưởng của HĐQT, BKS năm 2022. Theo đó, tổng lương, thù lao và thưởng trước thuế trong cả năm của các thành viên HĐQT (9 thành viên) là 7,301 tỷ đồng. Tổng lương, thù lao, thưởng trước thuế của các thành viên BKS (4 thành viên) là 4,976 tỷ đồng.

Như vậy, ngân hàng này dự kiến tổng mức chi thù lao cho HĐQT và BKS tương đương 50% phần lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng thêm trong năm 2023.

Mức chi bình quân cho mỗi thành viên HĐQT trong năm 2022 là 811 triệu đồng, trong khi mức chi bình quân cho mỗi thành viên BKS lên đến 1,24 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức chi cụ thể cho từng người có thể cao hơn hoặc thấp hơn con số bình quân. Đối với các thành viên HĐQT chuyên trách, và các thành viên BKS chuyên trách, HĐQT được quyền quyết định mức lương, thưởng cụ thể. 

Đối với các thành viên HĐQT không chuyên trách, mức thù lao cố định trước thuế trả hàng tháng bằng 20% thu nhập bình quân trước thuế của các phó tổng giám đốc ngân hàng năm 2022. 

Đối với các thành viên BKS không chuyên trách, mức thù lao cố định trước thuế trả hàng tháng bằng 20% tổng lương và thưởng hiệu suất bình quân trước thuế của thành viên BKS chuyên trách.

Mức thù lao trước thuế chi trả tạm thời hàng tháng và thưởng, phụ cấp đối với các thành viên HĐQT và thành viên BKS căn cứ vào lương bình quân trước thuế phó tổng giám đốc và thành viên BKS chuyên trách ngân hàng năm 2021 và sẽ được quyết toán theo thực tế khi kết thúc năm tài chính 2022.

Cùng với đó, HĐQT PGBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua tờ trình về mức thù lao, lương, thưởng năm 2023 cho HĐQT và BKS. Mức thù lao cố định trước thuế trả hằng tháng được tính theo công thức như đã áp dụng trong năm 2022. 

Ngoài ra, ĐHĐCĐ PGBank cũng sẽ xem xét việc sửa đổi nội dung điều lệ ngân hàng cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn tại ngân hàng.

Bạn đang đọc bài viết "Petrolimex 'dứt áo ra đi', số phận PGBank sẽ ra sao?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).