Như VietNamNet đã phản ánh, dự án ga đường sắt Bình Triệu và Thủ Thiêm là 2 dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, hàng thập kỷ trôi qua, các dự án này chưa thể triển khai ngoài vẽ ranh quy hoạch khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng rất lớn.
Cần rà soát lại quy hoạch, không phù hợp thì nên gỡ bỏ
Liên quan đến dự án ga đường sắt Bình Triệu và Thủ Thiêm "treo" nhiều năm, Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM ủng hộ phương án cần nhanh chóng triển khai 2 dự án này nhưng phải xem xét quyền lợi chính đáng của người dân.
Ông Thành chỉ rõ, những dự án quy hoạch "treo" quá lâu chắc chắn gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của người dân. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, Thạc sĩ Lê Văn Thành kiến nghị UBND TP.HCM cần rà soát, xem xét lại tổng thể các quy hoạch. Nếu dự án nào không phù hợp nữa, nên gỡ bỏ. Còn dự án nào tiếp tục triển khai, phải có những chính sách hỗ trợ để giúp người dân ổn định cuộc sống.
Thạc sĩ Lê Văn Thành cũng đặt vấn đề, với những dự án tiếp tục triển khai, chính quyền cần thông tin công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lộ trình thực hiện. Trường hợp dự án chưa triển khai, chưa có lộ trình thực hiện, Nhà nước nên tạo điều kiện cho người dân được xây dựng, sửa chữa nhà tạm thời để họ ổn định cuộc sống trong thời gian chờ đợi.
Đề xuất giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch trước
Trao đổi với PV VietNamNet về thực trạng 2 dự án ga đường sắt Thủ Thiêm, Bình Triệu “bất động” nhiều năm, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình lý giải, các dự án đường sắt từ TP.HCM đi Long Thành hay đường sắt tốc độ cao đều là những công trình đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Cụ thể, trung bình nguồn vốn đòi hỏi từ 1- 2 tỷ USD đối với những công trình quy mô nhỏ, số tiền này có thể lên đến hàng chục tỷ USD với dự án đường sắt tốc độ cao.
“Vì thế, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải xem xét cân nhắc, đó có thể là lý do chưa thể quyết được, dẫn tới chưa thể triển khai”, Tiến sĩ Phan Lê Bình lý giải.
Ông Bình cho rằng, giải pháp giải quyết trọn vẹn vấn đề này là cho phép giải phóng mặt bằng theo quy hoạch trước.
"Nghĩa là chúng ta có thể thực hiện giải phóng mặt bằng hết trong phần diện tích đã quy hoạch ngay từ bây giờ mà không đợi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư hay quyết định đầu tư. Bởi đường sắt là hạ tầng cực kỳ cần thiết, một khi để cho người dân xây nhà xong, sau đó dự án mới triển khai thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn.
Đó có lẽ cũng là lý do chính quyền không dám để người dân xây trên diện tích đã quy hoạch. Việc này lợi cho công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án, tuy nhiên, lại khiến người dân sinh sống khổ sở’”, Tiến sĩ Phan Lê Bình phân tích.
Do đó, Tiến sĩ Phan Lê Bình nhấn mạnh, nếu giải phóng mặt bằng ngay từ bây giờ, chuyển diện tích đó thành mặt bằng sạch sẽ giải quyết tối ưu vấn đề.
“Việc này vừa giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, mặt khác cũng tạo thuận lợi cho Nhà nước khi triển khai dự án sau này. Giả sử diện tích giải phóng mặt bằng sạch là 50ha, sau này chỉ dùng 49ha làm ga đường sắt, 1ha còn lại có thể triển khai cho những hạng mục công trình công ích khác.
Điều này không phải không thực hiện được. Tuy nhiên, muốn làm được cần phải có cơ chế đặc biệt mà như hiện nay tôi e khó có thể triển khai”, Tiến sĩ Phan Lê Bình nói.
Phải rõ trách nhiệm mới giải quyết triệt để vấn đề
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, những dự án giao thông nói chung và dự án đường sắt nói riêng, việc chậm triển khai sẽ nhìn thấy rất rõ tác động của nó.
“Việc chậm thực hiện các dự án đường sắt sẽ gây tổn hại về mặt kinh tế, tổn thất về tài chính. Nghiêm trọng hơn điều này gây bức xúc trong xã hội do ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nằm trong quy hoạch treo.
Chủ trương phát triển đường sắt đô thị là chủ trương lớn, nhưng cứ “tắc” như thế thì tác động tiêu cực sẽ nhiều vô kể”, TS. Nguyễn Hữu Đức lưu ý.
Ông cho rằng, nguyên nhân các dự án "treo" vẫn tồn tại vì không chỉ ra được cơ quan nào chịu trách nhiệm. Nếu không chỉ ra được thì rất khó giải quyết triệt để. Như vậy, người dân bị ảnh hưởng lâu dài.
“Phải rõ ràng, cấp nào, bộ ban ngành nào phụ trách dự án đó thì mới xác định rõ trách nhiệm và giải quyết triệt để vấn đề”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, nếu nhìn từ thực tế những tuyến đường sắt đã chậm tiến độ, có thể thấy rõ sự phối hợp giữa các bên liên quan đến 2 dự án ga đường sắt tại TP.HCM “trùm mền” nhiều năm là chưa hiệu quả.
Dân không biết đi hay ở
Tại khu 'đất vàng' ở TP Thủ Đức rộng hơn 14 ha được quy hoạch làm ga Thủ Thiêm, nhưng tròn một thập kỷ nay vẫn "trùm mền" khiến người dân không biết đi hay ở.
Tương tự, tại dự án ga Bình Triệu cũng thuộc diện quy hoạch "treo" khiến 3.200 hộ dân ở TP Thủ Đức sống “vất vưởng” ngay trên tài sản của mình hơn 20 năm qua.