'Phe cầm tiền' băn khoăn khi đua lệnh

19/07/2023 09:32

Thị trường chứng khoán giao dịch khá tích cực trong nửa đầu năm 2023. Dòng tiền cải thiện mạnh giúp VN-Index liên tục bứt phá hàng trăm điểm sau vài tháng. Điều này khiến “phe cầm tiền” thêm băn khoăn trong việc đưa ra quyết định “xuống tiền”.

vni-1689664399.pngVN-Index tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư "phe cầm tiền" vẫn lưỡng lự trong việc mua vào cổ phiếu.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội về chứng khoán ngập tràn các dòng trạng thái khoe lãi. Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận còn nhiều nhà đầu tư vẫn miệt mài ôm tiền đứng ngoài quan sát. Một số thì do vẫn còn lo ngại những rủi ro tiềm ẩn của thị trường trong thời gian tới và ảnh hưởng tâm lý từ sau giai đoạn thị trường “đổ đèo” năm 2022, một số khác thấy thị trường tăng mạnh nên không dám “xuống tiền” nữa.

Theo chia sẻ của chị Ánh Ngọc (Hà Nam), cuối năm ngoái, khi thông tin đấu giá đất ở Thủ Thiêm từng làm dậy sóng cổ phiếu bất động sản, chị đã mua vào cổ phiếu CII ở vùng giá 59.000 đồng/cp. Sóng gió ập tới, cổ phiếu này đã lao dốc một cách nhanh chóng trong sự ngỡ ngàng, khiến chị không kịp trở tay, đành ngậm ngùi ôm lỗ. Sau vài lần mua hạ trung bình, đến nay chị vẫn đang lỗ hơn 60%.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông tin cho thấy đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ tiếp tục diễn ra, cổ phiếu bất động sản cũng như CII tăng giá mạnh. Dù môi giới đã tư vấn khuyến nghị mua vào nhưng chị không dám vì cho rằng giá đã tăng quá mạnh trong vòng 2 tháng qua nên lưỡng lự, chưa dám mua thêm vào.

"Nhân viên môi giới khuyên mua thêm để bớt lỗ nhưng tôi vẫn sợ quá khứ lặp lại, mà không mua thì mất cơ hội" - chị Ngọc băn khoăn.

Có thể thấy, thị trường đang ghi nhận một đợt tăng giá khá tốt, hơn nữa dòng tiền - yếu tố quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán dường như đang ủng hộ “phe cầm cổ". Tuy nhiên, dòng tiền rất khó đoán định do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố vĩ mô phức tạp. Bởi thực tế đang có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực nhưng rất khó để dự đoán chính xác xu hướng này sẽ kéo dài đến khi nào, nhất là khi nền tảng cơ bản đang “lung lay”.

Nỗ lực phục hồi kinh tế đang gặp nhiều thách thức từ bên ngoài khi sức mua toàn cầu suy yếu. 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hầu hết các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều suy giảm khá mạnh. Sản xuất trong nước cũng phục hồi chậm. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global vừa có tháng thứ 4 liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm.

Điều này khiến không ít nhà đầu tư đang ôm tiền đứng ngoài quan sát “chùn tay” trước các quyết định đua lệnh dù rất sốt ruột. Câu hỏi: Liệu có thể tham gia thị trường trong thời gian này hay không vẫn là khúc mắc của khá nhiều người thuộc “phe cầm tiền”.

Luôn có cơ hội đầu tư sinh lời

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch AzFin, thị trường chứng khoán đã tăng khoảng 34% từ mức đáy được xác nhận vào tháng 11/2022, đây là mức hồi phục khá mạnh, tuy nhiên về mặt định giá thị trường vẫn hấp dẫn với P/B chỉ 1,72 lần so với mức trung bình 2,2 lần trong lịch sử.

Hơn nữa, kinh tế Việt Nam vừa trải qua khó khăn và đang trên đường phục hồi, vì thế theo quan điểm của AzFin thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn cho đầu tư dài hạn và tích sản cổ phiếu giai đoạn này.

Tương tự, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, Nhà điều hành quỹ VinaCapital-VEOF, VinaCapital-VIBF nhìn nhận, dù thị trường đã tăng hơn 20% từ tháng 11/2022 đến nay nhưng P/E thị trường vẫn nằm ở vùng giá thấp nhất so với mức trung bình 15 năm qua. Khi thị trường rơi vào vùng giá thấp và phục hồi thì thời gian phục hồi kéo dài có thể tính bằng nhiều năm. " Chúng ta không nhất thiết mua ngay ở đáy của thị trường vì thực tế chẳng mấy ai mua được trúng đáy và bán trúng đỉnh. Xu hướng của thị trường chứng khoán là tăng trong dài hạn cho nên cứ thấy mặt bằng giá cổ phiếu hợp lý là mua được", ông Minh nói.

Hơn nữa, so với thị trường các nước trong khu vực ASEAN, mặt bằng giá cổ phiếu thị trường Việt Nam đang rẻ hơn trung bình chung khoảng 15%. Các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn thị trường ở đâu rẻ hơn để đầu tư, nhất là Việt Nam đang đặt mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi trong khoảng 2-3 năm tới.

Theo các chuyên gia tài chính, thị trường vẫn luôn có cơ hội đầu tư sinh lời hấp dẫn trong bất kỳ giai đoạn nào, dù khó khăn hay thuận lợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua đuổi, đặc biệt là các cổ phiếu nóng thời gian qua. Với những nhà đầu tư có tỉ trọng tiền mặt cao có thể cân nhắc xem xét cơ hội giải ngân tại cổ phiếu của những doanh nghiệp có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II khả quan, nhưng chưa tăng quá xa vùng tích lũy hoặc mua tích lũy cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh hồi phục trong 6 tháng cuối năm.

"Nhà đầu tư cũng không nên bán hết và luôn giữ một tỉ trọng cổ phiếu nhất định trong xu hướng thị trường tăng. Hạn chế mua các cổ phiếu đã tăng hơn 20% và chưa tích lũy trở lại", ông Phạm Việt Duy Trưởng, nhóm chiến lược thị trường, khối phân tích Chứng khoán VNDirect nói.

Bạn đang đọc bài viết "'Phe cầm tiền' băn khoăn khi đua lệnh" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).