Áp lực chi phí "đè nặng"
Quý 4/2022, doanh thu thuần của Phục Hưng Holdings đạt 811 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là doanh thu hoạt động xây lắp tăng gấp 2,8 lần, đạt 789 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản mang về 0 đồng doanh thu. Do doanh thu lớn, lợi nhuận gộp cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 24 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 56%, chỉ còn hơn 8 tỷ đồng cùng với chi phí tài chính tăng tới 52% ghi nhận hơn 15 tỷ đồng và chi phí quản lý hơn 16,5 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Phục Hưng Holdings lao dốc 43% so với cùng, chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần của Phục Hưng Holdings đạt 1.919 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2021; lợi nhuận gộp đạt 116 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 6% trong khi năm 2021 đạt 9,3%.
Năm 2022, doanh thu tài chính tại Phục Hưng Holdings bốc hơi 74% chỉ còn vỏn vẹn 17 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng khoảng 14%, từ 46 tỷ đồng lên hơn 52 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay hơn 51 tỷ đồng, tăng 16% ). Đồng thời, chi phí quản lý tăng tới 44% lên hơn 61 tỷ đồng.
Vì các khoản chi phí tăng mạnh khiến lãi sau thuế tại PHC lao dốc đến 65%, chỉ thu về 19 tỷ đồng năm 2022. Năm 2022, doanh nghiệp xây dựng này đặt mục tiêu 2.700 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, mới chỉ đạt 71% kế hoạch doanh thu và còn cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Khối nợ tại Phục Hưng Holdings xu hướng phình to, cơ cấu vốn mất cân đối
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến 31/12/2022 , tổng tài sản của PHC đạt 2.715 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 48% tổng tài sản, đạt 1.298 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn của CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội hơn 32 tỷ đồng; CTCP HBI hơn 36 tỷ đồng; Gamuda Land Việt Nam 27,5 tỷ đồng;…
Tính đến 31/12/2022, hàng tồn kho tại PHC chiếm tới 24% tổng tài sản, ghi nhận hơn 646,5 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang gần 604 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm.
Chi tiết đáng chú ý khác là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trong năm đã tăng 63%, đạt 192 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là đầu tư vào An Phú Hưng (83 tỷ đồng), An Thịnh Phát (82 tỷ đồng).
Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại Phục Hưng Holdings lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm hơn 75%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 25%.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của PHC đạt xấp xỉ 2.049 tỷ đồng, tăng hơn 281 tỷ đồng, tương đương tăng 16% so với đầu năm. Trong khi đó vốn chủ sở hữu lại giảm 4%, từ 696 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 666 tỷ đồng. Như vậy, tính đến 31/12/2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Phục Hưng Holdings là 3,07 lần trong khi thời điểm đầu năm chỉ ở mức 2,53 lần.
Đặc biệt, tổng nợ vay của PHC tăng 14% so với đầu năm, từ 940 tỷ đồng lên hơn 1.074 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn tăng 17% lên hơn 909 tỷ đồng còn nợ vay dài hạn hơn 165 tỷ đồng. Tổng nợ vay tại doanh nghiệp này cao gấp 1,61 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 52% tổng nợ phải trả.
Trong năm 2022, Phục Hưng Holdings liên tục trúng nhiều gói thầu khủng và khởi công các dự án quy mô lớn tại Thanh Hoá, Hưng Yên, Hà Nội... Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng Dự án khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với giá trị gần 560 tỷ đồng.
Ngoài ra, Phục Hưng Holdings công bố trúng thầu thi công dự án Khu căn hộ Thủy Tiên thuộc Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) tại Hưng Yên giá trị khoảng 320 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty cũng trúng thầu thi công 81 căn thấp tầng thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hà Nội) trị giá 170 tỷ đồng và dự án Công viên ven kênh Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony trị giá gần 15 tỷ đồng…
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành xây dựng đang gặp phải nhiều thách thức mới bởi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn trước đã khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.
Đặc biệt, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên mức 3,07 lần khiến những toan tính hàng trăm tỷ và khả năng thực hiện bằng một sức khỏe tài chính lành mạnh có thể sẽ là một bài toán khó đối với Phục Hưng Holdings.