Qatar nhận 'trái không ngọt', sau độ chịu chơi tại World Cup 2022?

18/11/2022 17:09

World Cup 2022 do Qatar đăng cai sẽ là giải đấu FIFA đắt nhất trong lịch sử, tiêu tốn 220 tỷ USD, gần gấp 20 lần những gì Nga đã chi trong năm 2018.

Qatar nhận ‘trái không ngọt’, sau độ chịu chơi tại World Cup 2022?. (Nguồn: AP)

Qatar nhận ‘trái không ngọt’, sau độ chịu chơi tại World Cup 2022?. (Nguồn: AP)

S&P cảnh báo, kinh tế Qatar sẽ chậm lại và nhiều khả năng rơi vào suy thoái sau giải bóng đá lớn nhất hành tinh - có phần quá sức tài chính - World Cup 2022.

Tình trạng dư cung trong lĩnh vực khách sạn và bất động sản có thể phần nào làm giảm hiệu suất của các tài sản này, mặc dù điều này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng”, nhà phân tích Trevor Cullinan đã nêu trong một báo cáo do S&P phát hành.

Qatar đã chuẩn bị tổ chức sự kiện bóng đá này trong 12 năm và ước tính lượng du khách 1,2 triệu sẽ bổ sung 17 tỷ USD cho nền kinh tế của nước này.

Giữa những lo ngại về tình trạng khủng hoảng chỗ ở, các nhà tổ chức đã thuê hai tàu du lịch và sẽ dựng hơn 1.000 lều trên sa mạc.

Một dịch vụ chuyến bay đưa đón trong khu vực sẽ kết nối Doha với các thành phố bao gồm Dubai, Muscat, Riyadh, Jeddah và Kuwait City.

Theo S&P, sự xuất hiện của hơn một triệu du khách sẽ chứng kiến Qatar tận hưởng “lợi ích kinh tế tiềm năng trong ngắn hạn” nhưng đi kèm với đó là những thách thức về hậu cần khi tổ chức một sự kiện lớn đến như vậy, nhưng điều này sẽ có tác động tích cực đến các nước láng giềng vùng Vịnh.

“Chúng tôi cho rằng Dubai sẽ là người hưởng lợi chính bên ngoài Qatar, nhờ vị trí địa lý gần và dịch vụ du lịch đã được thiết lập rất tốt trước đó, họ có thể kết nối hàng không và thị thực du lịch một cách thuận tiện nhất cho những người có vé xem World Cup”, báo cáo của S&P nêu rõ.

Tuy nhiên, bất chấp những báo cáo mới nhất, các nhà phân tích tin rằng, World Cup 2022 dự kiến sẽ có tác động kinh tế lớn đối với quốc gia vùng Vịnh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển mạnh mẽ khi nó đã được tăng gấp đôi về quy mô.

Qatar gần đây đã được xếp hạng là quốc gia Ả Rập giàu nhất và giàu thứ tư trên toàn thế giới, theo kết quả của Global Finance.

“GDP bình quân đầu người của một công dân Qatar là hơn 143.222 USD vào năm 2014, nhưng một năm sau đó chỉ còn là 97.846 USD và hầu như không vượt quá mức đó, cho đến ngày nay”, báo cáo viết.

Các quốc gia vùng Vịnh theo sau là UAE, Bahrain, Saudi Arabia, Kuwait và Oman. Thứ hạng của Qatar được đưa ra khi nền kinh tế của nước này tiếp tục phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19, được Ngân hàng Thế giới (WB) mô tả là “nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất”.

GDP thực tế của đất nước này dự kiến sẽ tăng 4,9% trong năm nay, tiếp theo là mức tăng trưởng 4,5% vào năm 2023 và tăng 4,4% vào năm 2024.

“Tuy nhiên, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu của đất nước rất lớn với dân số thì quá nhỏ—chỉ 2,8 triệu người— nên kỳ quan về kiến trúc cực kỳ hiện đại, trung tâm mua sắm sang trọng và ẩm thực hảo hạng này đã đứng đầu danh sách các quốc gia giàu nhất thế giới trong 20 năm”, Global Finance cho biết.

Báo cáo của S&P cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Qatar cũng sẽ đạt mức nhanh nhất so với các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) khác trong suốt những năm 2023 và 2024.

Phân tích các vấn đề cụ thể, Giám đốc điều hành QIIB, Tiến sĩ Abdulbasit Ahmed al-Shaibei vẫn khẳng định, nền kinh tế Qatar hoàn toàn có thể duy trì quỹ đạo tăng trưởng với sự đóng góp từ các lĩnh vực hydrocacbon, cũng như phi hydrocacbon.

“Tất cả các ước tính đều chỉ ra rằng, Qatar sẽ đạt mức tăng trưởng trong năm nay, dao động từ 4% đến 5%. Đây được coi là một trong những tỷ lệ tốt nhất trên toàn cầu. Điều này phải được nhìn nhận trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế mà chúng ta đang chứng kiến ở một số quốc gia trên thế giới”, Chủ ngân hàng nổi tiếng của Qatar cho biết, khi được hỏi liệu nền kinh tế Qatar có chậm lại sau FIFA World Cup Qatar 2022 hay không.

Việc mở rộng dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất lịch sử tại mỏ North Field sẽ nâng công suất sản xuất LNG của Qatar lên 126 triệu tấn mỗi năm.

“Chúng tôi tự hào rằng, đất nước chúng tôi sẽ duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực LNG. Đối với lĩnh vực ngân hàng của Qatar, chắc chắn có những cơ hội quan trọng có thể được khai thác trong quá trình triển khai dự án, bao gồm đường ống, cơ sở hạ tầng, tàu chở dầu, container lưu trữ và nhà máy chế biến. Ngành ngân hàng Qatar là một đối tác đáng tin cậy và quan trọng trong các dự án khác nhau thúc đẩy nền kinh tế quốc gia”, ông al-Shaibei lưu ý.

Tiến sĩ Abdulbasit Ahmed al-Shaibei nhận định, việc Qatar tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp dựa trên tri thức và du lịch, cũng như hàng không sẽ góp phần vào các sáng kiến đa dạng hóa nền kinh tế của nước này.

Về du lịch, al-Shaibei cho rằng, đây là một lĩnh vực có nhiều cơ hội. Qatar đã trở thành một điểm đến du lịch toàn cầu nhờ sự phát triển phi thường về cơ sở hạ tầng, lòng hiếu khách và sự thuận tiện của hãng hàng không quốc gia Qatar Airways.

Như vậy, với tiềm lực dư sức dồi dào, việc Qatar “chơi lớn” với World Cup dù lỗ to hay đầu tư mọi nỗ lực đều nhằm mục tiêu biến Qatar thành một điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch, y tế, cũng như giáo dục đại học - bằng cách thu hút sinh viên từ nhiều quốc gia.

Bạn đang đọc bài viết "Qatar nhận 'trái không ngọt', sau độ chịu chơi tại World Cup 2022?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).